Khi cảm thấy mình đang chịu sức ép của bất cứ loại căng thẳng hay cảm xúc khó khăn nào, hãy đem tỉnh giác vào hơi thở của mình, đặc biệt là hơi thở ra. Cứ thở nhẹ nhàng thong thả, trong lúc đó theo sát hơi thở ra…

Đức Tulku Thondup Rinpoche

Buông bỏ những đám mây đen của phiền muộn

ảnh minh họa: internet.

Khi buồn sâu đậm xuất hiện, nhận biết sự hiện diện của nó. Đón nhận với đôi tay mở rộng. Cảm nhận nỗi buồn một cách ngắn gọn và hoàn toàn, đủ lâu để ôm lấy nó. Bằng việc cảm nhận nỗi buồn, chúng ta có thể buông xả nó.

Quán tưởng nỗi buồn như một đám mây đen ở đầu, tim, bụng hoặc nơi bạn cảm thấy đau đớn nhất. Trông đám mây có vẻ đe dọa, nó nặng nề, như đang đè trên bạn. Có thể có những cảm giác lạ thường, buồn nôn.

Khi đã chú tâm vào nỗi buồn đủ để có cảm nhận nó, hãy buông bỏ đám mây. Để nó trôi đi. Có thể bắt đầu buông xả bằng cách đẩy nó ra theo hơi thở.

Để nỗi buồn từ từ bốc ra khỏi cơ thể, giống như hơi nước nóng thoát khỏi ấm nước. Hãy để chúng thoát ra hoàn toàn. Cảm nhận sự nhẹ nhõm đến dần khi hình dung đám mây đang rời đi. Sau đó quan sát đám mây đen trôi đi chậm chạp nhưng chắc chắn, xa dần, xa dần rồi bay vèo trên bầu trời. Trông theo và thấy nó trở nên càng lúc càng nhỏ hơn vào khoảng không, giống như một con chim bay đi. Sự liên quan với nó cũng mất theo.

Cuối cùng ở tận chân trời xa nhất, đám mây hoàn toàn biến mất. Cảm nhận sự mất mát hoàn toàn bất cứ mối liên quan nào với nỗi buồn. Mọi đau đớn đã rời xa, rất xa và biến mất. Thân và tâm trở nên nhẹ nhàng thoải mái và thoát sạch ngay cả với vết tích của căng thẳng. Bây giờ, hãy nghỉ ngơi trong cảm giác đó. Lặp lại bài tập này nhiều lần nếu thấy phù hợp và cần thiết.

Soi sáng bóng tối của nỗi buồn

ảnh minh họa: internet.

Quán tưởng ánh sáng là một cách khác để loại bỏ phiền muộn. Nếu bạn cảm thấy tâm mình bị bao phủ trong chán nản, bối rối, thất vọng, không thấy hay biết mình phải làm như thế nào, thoạt tiên hãy quán tưởng phiền muộn này ở dạng bóng tối. Quán tưởng toàn thân và tâm bị bóng tối bao phủ hoàn toàn. Cảm nhận nỗi buồn nhưng không để bị chìm ngập trong đó. Sau đó cầu khẩn ánh sáng chữa bệnh.

Có thể quán tưởng ánh sáng xuất phát từ nguồn sức mạnh nội tâm. Ánh sáng có thể đến từ bên trong, phía trước hoặc phía sau, hay từ bất cứ nơi nào mà bạn cảm thấy. Thấy những tia sáng – ấm áp, hạnh phúc như hàng trăm mặt trời – chiếu sáng mạnh mẽ, tiếp xúc với cơ thể và lập tức xua tan bóng tối. Giống như một đóa hoa đẹp nở hoa khi ánh sáng mặt trời tiếp xúc, toàn thân và tâm bạn nở hoa với ánh sáng hoan hỷ.

Ánh sáng ấm áp tràn ngập toàn cơ thể, thấm vào từng tế bào xuống đến tận từng nguyên tử. Cũng có thể tưởng tượng một trong những tế bào là toàn thể vũ trụ được tràn ngập bởi ánh sáng. Tế bào này lấp lánh và tỏa những tia sáng nhiều màu sắc. Hoặc ánh sáng chữa lành chuyển hóa tế bào thành một số hình ảnh đẹp đẽ hay những khuôn mẫu tự lựa chọn.

Sau đó, hình dung ánh sáng chiếu vượt ra ngoài cơ thể và chiếu toàn thể thế giới. Cảm nhận tính chất của ánh sáng chữa lành – không phải vật chất mà tinh tế, rực rỡ, tỏa khắp, mềm mại, vô biên. Ánh sáng không phải là vật chất cứng đặc, nên không có gì để bám víu. Không gì có thể gây ra áp lực hay căng thẳng. Tất cả mọi thứ đều là ánh sáng phi vật chất.

Khởi lên sự tin tưởng chắc chắn rằng nỗi u ám của phiền muộn hoàn toàn biến mất vĩnh viễn và một ánh sáng tuyệt diệu, đem lại sức khỏe tràn ngập toàn thể hiện hữu. Ta, thế giới và ánh sáng hòa thành một. Hãy vui sướng ghi nhớ điều này.

Nghỉ ngắn, sau đó lặp lại thực hành này nhiều lần, cuối cùng buông lỏng trong cảm nhận mà không cần những hình ảnh. Có thể mở rộng thực hành này trong cuộc sống hàng ngày. Khi bật đèn hãy thấy ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, hãy thấy ánh sáng tràn ngập bóng tối và đem lại sức mạnh chữa bệnh.

Làm khô đi những giọt nước mắt đau khổ

Nếu cảm giác lạnh hay ớn lạnh trở thành quen thuộc, thì chuyện không hay nhỏ nhất hay một rắc rối có thể gây ra cảm giác toàn thân như bị ướt đẫm trong nước mắt của sự buồn rầu. Những vấn đề của hệ tuần hoàn, thiếu tập luyện, và chế độ ăn uống hay sự mất cân bằng của sinh hóa cũng có thể làm chúng ta cảm thấy lạnh. Những khó khăn trong công việc hay trong các mối liên hệ, hoặc ngay cả những việc bình thường nhất như thời tiết cũng có thể làm chúng ta thấy lạnh. Vì vậy chúng ta cần nhận ra nguyên nhân và xử lý chúng một cách thực tế.

Tuy nhiên, nên nhận ra rằng tâm thức là nguyên nhân lớn nhất của phiền muộn, và việc biểu lộ cảm giác lạnh của thân thể là sự phản ảnh của tâm thức chúng ta. Nó giúp chúng ta phát triển một thái độ rộng mở, vô tư lự ngay khi đối diện với khó khăn, và thiền định trong phương pháp đem lại sự ấm áp nhiệt thành.

Thử bình thản cảm nhận nỗi buồn và quán tưởng nỗi buồn trong cơ thể như bóng tối, hay như những đám mây đẫm nước. Quán tưởng nguồn sức mạnh như là trung tâm và tinh túy của sức nóng ở bên trên và phía trướcn đem lại sự sống. Quán tưởng rằng nguồn lực chuyển hóa thành một trái cầu ánh sáng và sức nóng màu cam và như mặt trời hoặc có thể là một hình ảnh tôn quí như đức Phật, Bồ Tát, hoặc ai đó mà bạn kính ngưỡng sâu sắc.

Dần dần quán tưởng những tia sáng từ hình ảnh đó chạm đến đầu của bạn. Cảm nhận sức nóng và ánh sáng rực rỡ. Cảm thấy rằng sự lạnh lẽo, bóng tối và nước mắt dần dần bốc hơi, giống như khăn ướt được mặt trời làm khô.

Thực hành bài tập này từng giai đoạn một cho mỗi phần của cơ thể, từ đầu cho đến ngón chân. Sau đó, quán tưởng sự ấm áp, ánh sáng, và cảm giác hài lòng ngập tràn trong toàn thân thể, và rồi ánh sáng từ bên trong chiếu ra lập tức sưởi ấm môi trường quanh hay thậm chí cả toàn thể vũ trụ. Lập đi lập lại cách thiền định này. Chấm dứt với một cảm nhận rộng mở rỗng rang.

Xua tan ảo tưởng sợ hãi

ảnh minh họa: internet.

Khi có cảm giác sợ hãi, hãy quán tưởng nỗi sợ và nghi ngờ như một màn sương hay bóng tối tạm thời trong thân thể. Cảm nhận màn sương mù này. Sau đó quán tưởng một tia sáng ban phước rực rỡ mạnh mẽ từ nguồn ánh sáng sức mạnh của chính mình chạm vào khối sương mù và hoàn toàn loại bỏ chúng khỏi thân thể. Toàn thân được tràn ngập với ánh sáng chữa bệnh. An trụ trong sức mạnh và ấm áp này.

Cũng có thể quán tưởng mình đang đứng trước một vị thiêng liêng đầy thần lực ở dạng an bình (hay phẫn nộ) tùy lựa chọn. Trong con mắt tâm của mình, hãy nhìn thẳng vào vị đó, thấy và cảm nhận sức mạnh lạ thường của ngài chiếu ra rực rỡ. Rồi cầu nguyện và xin được ban sức mạnh, hoặc hình dung rằng vị thần chuyển thành ánh sáng rực rỡ và hòa nhập vào bạn. Bây giờ, hãy cảm nhận cảm giác không sợ hãi. Rồi tưởng tượng rằng bạn có thể di chuyển tự do khắp thế giới hay bất cứ đâu trong vũ trụ, không còn bất cứ một dấu vết nào của sợ hãi.

Lập lại thực tập, ở yên trong bất cứ cảm nhận được ban truyền sức mạnh (quán đảnh) của an tĩnh và hư không mà sự thiền định này đem lại cho bạn.

Khai quang những hạ tầng lo lắng

Cho dù chúng ta hạnh phúc hay khỏe mạnh, chúng ta vẫn chứa chấp sợ hãi hay lo lắng trong các chiều sâu của tâm thức và trong lòng mình. Nếu chúng ta không chuyển hóa những cảm xúc này, chúng có thể xuất hiện mạnh mẽ khi cơ hội đến.

Nếu bạn sử dụng một chút thời gian yên lặng nhìn vào trong mình bạn có thể nhận ra một số lo lắng hay sợ hãi quen thuộc. Hãy mời chúng biểu hiện một cách thân thiện, rồi cảm nhận bất cứ cảm xúc khó chịu nào khởi lên, và chú ý nếu dường như chúng đến từ một phần đặc biệt của cơ thể. Hãy quán tưởng một hình ảnh nào thích hợp cho sự lo lắng của bạn.

Có lẽ nỗi lo lắng giống như một mảng tối tăm như từ một hang động. Hãy hình dung sự tối tăm lạ lùng này bị che phủ hay bằng cách nào đó bị “kẹt” bên trong bạn, bây giờ không cần cố gắng, hãy mở và chiếu sáng ra ngoài. Mọi tối tăm hoàn toàn biến mất khỏi thân bạn.

Cũng có thể thấy nguồn sức mạnh của mình như chạm xúc hay hòa tan vào nơi bóng tối bị che phủ. Hãy cảm nhận và tin tưởng rằng thói quen lo nghĩ đã biến mất, và bất cứ sự lo lắng nào đều bị nhổ bật rễ khỏi tầm nhìn vĩnh viễn. Bạn cũng có thể tự nhủ “Tôi không có lo nghĩ ! Thật là tuyệt khi cảm thấy tự do như thế này.” Hãy thưởng thức cảm giác nhẹ nhàng của tâm và thân thoát khỏi lo nghĩ.

Phá vỡ lớp vỏ tự bảo vệ của nhạy cảm

Từ thiếu tự tin, chúng ta có thể để thói quen quá nhạy cảm với cảm xúc phát triển, để cuối cùng chúng ta sẽ trải nghiệm hầu hết các hoàn cảnh như một nguồn của sợ hãi, nguy hiểm và đau khổ. Để chữa lành đặc tính nhạy cảm tâm thức, chúng ta cần phải phá vỡ thói quen của sự tự giới hạn, bó buộc, và dễ bị thương tổn của lớp vỏ bảo vệ mình.

Trước tiên, nhận ra và chấp nhận sự nhạy cảm đối với cảm xúc của bản thân. Bây giờ, ở trạng thái cảm xúc bình thường (không có nghi ngờ và sợ hãi), thử tưởng tượng mình là một hình thể vi tế – không có hình thể, trong suốt, và rỗng rang. Có thể nghĩ mình hình thành bởi ánh sáng, hay phi vật chất giống như một hình bóng phản chiếu trong gương. Cảm thấy mình chẳng có gì để cần phải bảo vệ. Không có gì có thể nắm giữ hay làm thương tổn ta, và tất cả sự gây hại đi xuyên qua rồi biến mất. Khi thiền định về điều này, hãy tin tưởng rằng mọi cảm giác thương tổn, nhạy cảm và tự bám víu đã hết.

Không cần phải lo nghĩ quá nhiều về sự vững chắc của “cái ta”, bây giờ chúng ta có thể thoải mái và hưởng thụ đời sống của mình. Ta có thể hoàn toàn hiện diện với bất cứ điều gì mỗi khoảnh khắc đem lại, và ứng xử với sự tự tin, nhiệt thành với những người mà ta gặp.

Vào cuối bài tập, có thể khơi dậy nguồn sức mạnh và cảm thấy được tràn đầy ánh sáng chữa bệnh. Năng lực của nguồn sức mạnh có thể đem lại sự phục hồi mạnh mẽ và rộng mở tâm thức.

Làm bình lặng thái độ tự chỉ trích

ảnh minh họa: internet.

Tội lỗi không phải luôn luôn xấu. Nếu chúng ta có tính kiêu căng, khinh thường người khác thì một cảm thức lành mạnh về tội lỗi có thể làm giảm bớt tính ích kỷ và ngăn ngừa chúng ta lặp lại lỗi lầm. Tuy vậy, một số trong chúng ta lại tự phê phán thái quá. Chúng ta chấp vào việc phạm tội, bị buộc vào đó và đánh mất cơ hội để hạnh phúc và thỏa mãn.

Không nên mặc cảm vì tội lỗi của mình bởi điều đó chỉ làm ta trở nên lạnh lùng và khắt khe. Thay vào đó, nên sẵn sàng đối diện với tội lỗi, vì khiêm tốn là giá trị tích cực. Bất cứ quan điểm tích cực nào đều có thể tự động trở thành sự cảm hứng và chữa lành, ngay trong khoảnh khắc chúng ta bắt đầu chuyển đổi thái độ của mình. Vậy hãy cảm nhận việc tự phê bình như một nguồn năng lượng nồng ấm. Hãy bao bọc cảm giác đó với cảm nhận về không gian rộng mở đầy an ủi.

Sau đó, để tội lỗi trôi đi tự nhiên. Hãy cảm nhận dường như nó không có sức nặng nào cả và hãy để cho bay đi giống như một chiếc lông chim trong cơn gió nhẹ.

Thiền quán về ánh sáng, như được mô tả trong những bài tập khác, cũng có thể có ích. Có thể quán tưởng sự tự phê bình hay tội lỗi như bóng đêm, mây đen hay sương mù. Rồi hình dung những tia sáng rực rỡ đến từ nguồn sức mạnh nội tâm chạm vào với tội lỗi sưởi ấm nó, cảm thấy nó không có thực, không có thể chất. Rồi ánh sáng tràn ngập thân thể, tiếp xúc với tâm và linh hồn, xua tan tất cả bóng tối. Không còn tội lỗi, giờ đây chúng ta có thể cảm nhận niềm vui, ánh sáng và sự ấm áp. Thư giãn. Hãy lập lại thực tập này nhiều lần, cuối cùng thiền định trong một cách rộng mở.

Tập trung tâm tán loạn

Khi tâm thức quá nhạy cảm và tự thu hẹp lại, chúng ta thiền định để mở rộng ra. Ngược lại, với một tâm thức lang thang vô định và không kiểm soát nổi, thì chúng ta cần phải phát triển sự tập trung. Khi tâm trí lộn xộn hay tán loạn như chiếc lá trong cơn gió, thử thực hành một trong những bài tập sau.

Quán tưởng thân thể to lớn và nặng như một núi bằng vàng, bạc hay thủy tinh – cố định và không thể di chuyển được. Cảm nhận sức nặng không thay đổi và không thể lay chuyển của cơ thể và nền tảng của nó. Hãy để thân và tâm cảm thấy sức nặng. Lập lại bài tập này và nghỉ ngơi trong cảm giác về sức nặng.

Hoặc quán tưởng tượng đức Phật to lớn như một núi vàng. Quán tưởng sức nặng, cứng rắn, sức mạnh và sự không thể di chuyển của tượng. Lập lại bài tập và nghỉ ngơi trong cảm giác của sức mạnh và vững chắc.

Tỉnh thức trong cuộc sống hàng ngày cũng làm chúng ta tập trung và vững chắc. Ví dụ, nếu đang đọc, hãy tạo thói quen tập trung trên mỗi chữ và nghĩa của nó, không suy nghĩ gì khác. Khi nghỉ ngơi, việc tập trung vào hơi thở rất có hiệu quả.

Ổn định những năng lượng trôi nổi

ảnh minh họa: internet.

Cách khác để ổn định cho năng lượng bị phân tán là quán tưởng ánh sáng tạo sự vững chắc.

Khi tư tưởng và cảm xúc không ổn định, hãy quán tưởng sức nặng của ánh sáng từ đầu nguồn năng lượng đổ xuống toàn thân. Từ đầu tới chân, cảm nhận sức mạnh vững chắc của ánh sáng này. Khi nó chạm vào lòng bàn chân, nó đem đến cảm giác vững vàng trên mặt đất. Hình dung bản thân đang đứng chân trần trên một đồng cỏ xanh đầy sức sống, với sự sống rực rỡ và ấm áp. Tập trung cảm giác vào hai lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất màu mỡ, phong phú và giàu có. Cảm thấy sự bồn chồn không yên đã biến mất. An trú trong cảm giác thoải mái của sự an toàn và vững chắc khi đứng ở nơi đẹp đẽ này. Hãy hòa làm một với cảm nhận đó.

Đây là một kỹ thuật đơn giản khi bị quấy rầy bởi những cảm giác trôi nổi, những tư tưởng lộn xộn hay lo lắng. Bằng cách tập trung sự chú ý vào lòng bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Cũng như vậy, việc chà xát nhẹ nhàng lòng bàn chân trong tâm thức buông lỏng và thoải mái có thể giúp ta trở lại với thân thể mình và ổn định tâm trí.

Xoa dịu những ký ức tiêu cực

Khi bị rối loạn bởi sự châm chích của ký ức, ví dụ như một việc không hay đã xảy ra nơi làm việc, thoạt tiên nhận thấy trong tâm thức một hình ảnh, tình trạng hay những người liên quan, mà không có phê phán hay đối kháng. Lúc đó, nó có thể giúp ta quán tưởng và cảm thấy rằng ký ức đó là sương mù, đám mây, khói, hay ánh lửa trong cơ thể. Tịnh hóa ký ức với một năng lực chữa lành thích hợp như ánh sáng dịu dàng, làm gió nhẹ hay dòng nước cam lồ êm dịu. Kéo dài nếu cảm thấy thích thú cảm giác dễ chịu. Cảm nhận rằng ký ức đã được làm bình lặng, ta không còn phải đau khổ bị bị chỉ trích. Ngay cả khi nhớ lại việc xảy ra.

Cắt đứt trói buộc của những liên hệ khó chịu

ảnh minh họa: internet.

Nếu cảm thấy mình bị những cảm xúc làm bầm dập hay sợ hãi vì một liên hệ xấu hay ký ức về ai đó, thiền định có thể giúp chúng ta cắt đứt sự trói buộc với nó. Những bài tập dưới đây cũng có thể giải thoát sự ràng buộc với những tương quan phụ thuộc thái quá khiến chúng ta cảm thấy khó tự đứng vững.

Vấn đề khó khăn hay ký ức có thể dính dáng với một ai đó tại nơi làm việc, hay có thể là người yêu cũ hay vợ/chồng cũ. Gợi lên những cảm giác tiêu cực và quán tưởng người đó ở cách một khoảng phía trước, đang lôi kéo và trói buộc chúng ta bằng một sợi dây. Ta không còn sức mạnh để ở yên, ta bị giằng xé dữ dội.

Hãy cầu nguyện từ giữa trái tim mình, đến nguồn sức mạnh để được giải thoát. Hãy quán tưởng nguồn lực này một cách rõ ràng, và tưởng tượng nó phóng ra ánh sáng ban phước giống như tia laser sắc bén nhắm trực tiếp vào sợi dây. Do sự xúc chạm, ánh sáng không những cắt đứt mà còn đốt cháy toàn bộ sợi dây không còn sót lại vết tích nào giống như giấy bị lửa đốt cháy.

Hoặc tưởng tượng mình bị xô đẩy lôi kéo bởi một sợi xích. Khi ánh sáng ban phước tiếp xúc với xiềng xích, nó sẽ được tháo gỡ khỏi bàn tay người mà ta bị lệ thuộc, giống như sắt bị lực hút mạnh mẽ của nam châm. Sau đó quán tưởng xiềng xích tan chảy thành ánh sáng mềm dịu và hạnh phúc.

Trong những quán tưởng đó, hãy hưởng thụ sự thoải mái lớn lao của tự do khi thoát khỏi những tương quan có hại. Hãy cảm nhận sức mạnh bên trong của chính mình. Thư giãn trong cảm giác tích cực lâu như mong muốn.

Nếu phải tiếp tục gặp gỡ hay làm việc với người có vẻ gây ra những khó khăn cho mình, bài tập này vẫn rất hiệu quả. Chúng ta có thể phá vỡ sự nô lệ vào những cảm xúc tiêu cực để tự do, hay tối thiểu ít bị chúng phiền nhiễu. Nếu ta vui vẻ hơn và ít xem vấn đề là trầm trọng, hoàn cảnh bên ngoài có thể bắt đầu cải thiện.

Liên kết trong ánh sáng của chữa lành và tình thương

ảnh minh họa, internet.

Chúng ta có thể bị lôi kéo vào những cảm xúc gây tổn hại như thù hận hay khao khát muốn trấn áp người khác, đặc biệt là khi chúng ta cảm nhận rằng người này có ác ý hay cư xử không tốt với ta. Thay vì nuôi dưỡng sự chán ghét hay giận dữ, hãy thử nhìn nhận họ ở mặt bản chất, vốn tốt đẹp, cho dù có thể họ không thật sự như vậy.

Thông thường, người tử tế và hiền từ nhất có thể tưởng tượng ra là “người mẹ”. Thử tưởng tượng kẻ thù của mình như là một “người mẹ” bị lạc đường. Người này bị mù quáng bởi vô minh và bệnh tật, là nạn nhân bở chính những phiền não của họ. Người ấy đang tự gây nguy hiểm cho hạnh phúc của bản thân họ bằng việc tạo ra những điều tệ hại. Nếu chúng ta có thể thực hành từ bi và nhẫn nhục, tâm ta sẽ trở nên mạnh mẽ và kiên cố hơn. Như vậy, chính ‘kẻ khó chịu’ này đang tạo ra cho chúng ta một cơ hội bằng vàng. Người ấy như đang thưởng cho ta vì hết lòng làm việc. Ở một mức độ nào đó người ấy đang xử tệ với bản thân và làm nguy hiểm cho chính hạnh phúc tâm linh của họ, Vì vậy, ta tự nhiên cảm thấy biết ơn người ấy vì đã cho ta cơ hội thực hành buông bỏ bản ngã và tạo nên tiến hóa tâm linh thật sự.

Sau khi phát sinh được những cảm giác từ ái này, hãy quán tưởng những đám mây của ánh sáng trắng chữa lành nồng ấm đang tỏa ra từ thân thể và xúc chạm với người kia. Chỉ bằng sự xúc chạm với ánh sáng mà thân, tâm và trí não người ấy ngập đầy hạnh phúc. Người ấy có được sự an bình lạ thường chưa bao giờ có được. Để cho họ nghỉ ngơi và tận hưởng cảm giác này. Sau đó hãy cảm nhận sự nồng ấm của lòng từ bi lan tỏa tới những người khác, và thậm chí thấm đẫm toàn vũ trụ.

Cũng có thể quán tưởng rằng ánh sáng từ nguồn sức mạnh của bản thân chiếu ra chạm đến kẻ thù và cả hai hòa tan vào một thân bằng ánh sáng.

Thiền định theo cách từ bi này dễ dàng làm dịu đi những khổ đau và mỗi người thoải mái, thư giãn hơn trong quan liên hệ với người khác. Khi tâm ta bình an, ta có thể ứng xử với những khó khăn thật sự một cách hiệu quả mà không bị ảnh hưởng những cảm xúc tiêu cực. Sức mạnh của từ bi sẽ cải thiện chính bản thân ta và các mối quan hệ nhờ năng lượng an bình, vui tươi từ nội tâm.

Tịnh hóa những giấc mơ dữ dội

Những cơn ác mộng là cách tự nhiên để cơ thể giải thoát năng lượng tinh thần, vì vậy chúng ta không cần để ý quá – chúng đáng được quan tâm hơn là sợ hãi. Tuy nhiên, nếu ác mộng gia tăng đeo đuổi và quấy rối, chúng ta có thể tịnh hóa chúng bằng cách cởi mở với chúng trong thiền định khi đang thức, hay kể cả trong giấc ngủ nếu ta khéo léo. Chúng ta phải tự nhắc nhở rằng bất cứ cơn ác mộng nào cũng là một sáng tạo vô hại của tâm. Đồng thời, ánh sáng chữa bệnh có thể làm an lặng bất cứ hình ảnh quấy rối nào.

Ví dụ, nếu nằm mơ bị bỏ tù, hãy thử dùng ánh sáng chữa bệnh từ nguồn sức mạnh nội tâm chạm đến hình ảnh trong giấc mơ và hãy cảm nhận tù ngục biến mất.

Hoặc trong những giấc mơ bị một cái gì đó đuổi bắt, khi cảm thấy sẵn sàng đối mặt với nó, thử dừng lại, đối diện và để bị tóm. Không gây hấn hay sợ hãi, mà chỉ dùng ánh sáng chữa bệnh xúc chạm với nó và hóa nó thành những hình ảnh an bình và vui tươi.

Xoa dịu triệu chứng rối loạn thần kinh

ảnh minh họa: internet.

Một số người bị xáo trộn vì những ảo giác, điềm báo hay những cảm nhận về những điều huyền bí hoặc những triệu chứng thần kinh nghiêm trọng. Thời gian thức của họ giống như một cơn ác mộng. Cũng như chúng ta dịu dàng với những giấc mơ nặng nề ám ảnh giấc ngủ, sự dịu dàng rất thích hợp với những xáo trộn loạn thần.

Với những rối loạn này, không nên sợ tìm kiếm sự giúp đỡ, trợ giúp từ bạn bè hay các nhà chuyên môn. Thiền quán chữa bệnh cũng có thể giúp đỡ tịnh hóa những nguyên nhân tiềm phục.

Nếu có thể dùng tâm trí của mình để nhận biết rằng kinh nghiệm rối loạn này là giả – là sự bịa đặt hay phóng chiếu của tâm thức – thậm chí ngay cả từ những quan điểm của chân lý quy ước. Tự điều này đã có thể xoa dịu những đau khổ của chúng ta.

Cũng có thể nhìn nhận khổ não ở mặt tích cực, vì nó chỉ cho ta thấy cần phải chữa lành những đau khổ nằm ở dưới sâu. Những triệu chứng loạn thần kinh là kết quả của tâm thức cố gắng bám chấp để bảo vệ một vết thương tình cảm hay tâm linh sâu hơn, cũng giống như sự co cơ gây đau đớn là một phản xạ để bảo vệ quanh vùng bị chấn thương hay căng cứng ở phần xung quanh. Sự khủng hoảng tinh thần cho ta cơ hội để hiểu và nhìn nhận bệnh tật sâu hơn. Cuối cùng chúng ta được khỏe mạnh và hạnh phúc hơn trước.

Hãy để cho triệu chứng riêng biệt và những nhu cầu nhất thời hướng dẫn. Nếu có thể, hãy dùng bất cứ luyện tập nào đã được diễn tả phù hợp với những triệu chứng của mình. Ví dụ, nếu cảm thấy bị mắc kẹt thì thiền định về ánh sáng sẽ có ích. Nếu cảm thấy vui buồn thất thường và không kềm chế được, hãy dành thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi và tỉnh thức cảm nhận sự thoải mái đang hiện diện trong cơ thể. Bất cứ cách thiền định nào mang đến sự bình an và ổn định thì đều tốt.

Nếu tâm lý bị rối loạn, thử bình tĩnh thư giãn trong sự nhận biết rằng rối loạn sẽ qua đi khi cơ thể được nghỉ ngơi và chữa lành. Thậm chí trong tình trạng tâm thức này, có thể tìm thoải mái trong một bức tranh, một bản nhạc hay quyển sách gây cảm hứng. Nhẹ nhàng chú tâm mình vào từng chữ, hay từng âm thanh …thì ngay cả khi chỉ nghe một đoạn nhạc hay nghe một câu hát cũng đủ.

Nếu cảm thấy bị đè nặng hay tê liệt bởi những triệu chứng thần kinh bị kích động, hãy quán tưởng những cảm giác đó ở dạng một sức nặng khổng lồ. Sau đó đặt chúng sang một bên và có thể đi dạo hay thăm bạn bè.

Đôi khi, đơn giản là hiện diện cùng những cảm nhận theo cách buông lỏng lại là tốt nhất. Theo dòng cảm xúc với sự hiểu biết và tin tưởng sâu sắc rằng ta có thể vượt ra cơn bão phiền não. Dành thời gian nghỉ ngơi và tĩnh lặng. Hãy luôn chăm sóc hạnh phúc của bản thân.

Dập tắt ngọn lửa phiền não

Khi trải qua một cảm xúc tràn ngập cao độ như thèm khát, giận dữ hay ghen ghét, hãy tạo khoảng cách với cảm xúc, nếu cần thiết hãy làm mình bình an với hai, ba hơi thở sâu để buông xả. Nhận biết sự tấn công và hấp dẫn của cảm xúc mà không bị choáng ngợp. Bây giờ hãy quán tưởng cảm xúc trong thân như một ngọn lửa xanh. Cảm nhận cảm giác khó chịu từ ngọn lửa này.

Sau đó tập trung sự tin tưởng mạnh mẽ rằng ta cần bảo vệ hạnh phúc của mình. Hãy cầu nguyện sức mạnh từ nguồn năng lực nội tâm. Tưởng tượng dòng nước chữa bệnh mát mẻ tuôn xuống, tràn ngập từ đầu đến chân và dập tắt ngọn lửa mang tính hủy hoại. Tưởng tượng bất cứ cảm giác dễ chịu, chữa lành nào có thể trợ giúp như sự mát mẻ hay cảm giác hài lòng của sự thoải mái và êm dịu. Cảm nhận và tin tưởng rằng ngọn lửa đã ra đi. Hãy vui mừng rằng ngay khoảnh khắc này ta đã hoàn toàn giải thoát khỏi cảm xúc hủy diệt. Kéo dài cảm giác rộng mở này trong vài phút hoặc lâu hơn nếu muốn. Việc đem sự tĩnh lặng vào một hoạt động nào đó sẽ giúp nâng cao khả năng chú tâm và khôi phục lại sự vui thích, mạnh khỏe và thoải mái.

Tịnh hóa lòng tham và những cảm xúc độc hại

ảnh minh họa: internet.

Một cách thiền định khác dành cho những phiền não mạnh mẽ, đặc biệt khi cảm thấy tâm thường hay khô cứng là quán tưởng những phiền não đó là những phần không thanh tịnh trong cơ thể. Cảm nhận những phiền não này giống như chất độc, nếu bám vào cảm xúc này có thể làm cơ thể sinh bệnh. Thiết lập sự tiếp xúc vững chắc trong tâm thức với nguồn năng lực, kêu gọi hay cầu nguyện giúp đỡ. Sau đó quán tưởng rằng từ nguồn năng lực một ngọn lửa chữa lành to lớn, biểu tượng của trí huệ chạm đến ta. Hình dung nó như một ngọn lửa trại mạnh mẽ nhưng hiền hòa. Chỉ bằng việc chạm vào, tất cả cảm xúc dơ bẩn trong hệ thống tâm trí bị đốt thành tro. Sau đó, một dòng nước chữa lành, tượng trưng từ bi tuôn chảy và rửa sạch tất cả những tro tàn cảm xúc nhiễm ô. Cuối cùng, một cơn gió ban phước, mạnh mẽ biểu tượng năng lực, thổi bay đi tất cả những gì bất tịnh, không để lại một dấu vết nào. Thử trải nghiệm tâm trí khi không có những cảm xúc tiêu cực.

Tin tưởng rằng những năng lực chữa lành xoa dịu mọi cảm xúc căng thẳng. Nghỉ ngơi với cảm giác thoải mái và tự do trong tâm và thân. Có thể đem bài tập thiền định này vào trong đời sống hàng ngày bằng sự quán tưởng rằng những phiền não được chữa lành bất cứ khi nào chúng xuất hiện.

An bình nhờ hơi thở

ảnh minh họa: internet.

Trong cuộc sống, bệnh tật là không tránh khỏi và đôi khi chúng ta có thể quên đi nguồn cung cấp dồi dào sẵn có: hơi thở. Khả năng quán tưởng những hình ảnh tích cực là một công cụ rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy đó là phương pháp phù hợp.

Có lẽ bạn đã mệt mỏi vì đọc tất cả những lời hướng dẫn ở trên, và thấy cần một cách nào đó dễ dàng ? Và đây là một bài tập rất đơn giản và rất hiệu quả.

Khi cảm thấy mình đang chịu sức ép từ bất cứ loại căng thẳng hay cảm xúc khó khăn nào, hãy đem tỉnh giác vào hơi thở của mình, và đặc biệt là hơi thở ra. Hãy để hơi thở ra vào thư thả, trong lúc đó theo sát hơi thở ra. Tự cho mình buông lỏng trong hơi thở ra. Bạn có thể thấy rằng hơi thở ra trở nên rất thư giãn và dài, nhưng bất cứ nó thế nào, đơn giản bạn để tỉnh giác có mặt với nó. An trú với điều này dài như cần thiết. Đây là một chữa lành rất đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể làm.

(trích từ sách của Đức Tulku Thondup Rinpoche)

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments