với tôi, sự cô độc là nguồn chữa lành, khiến cuộc đời tôi trở nên đáng sống.
Carl Jung-nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ.
Những giây phút riêng tư vô cùng cần thiết, bởi trên thực tế, cái riêng là tiền đề của cái chung. Không có chút gì là của riêng thì lấy gì mà đóng góp, mà chia sẻ?
Trong cuộc sống chung, nếu cả hai bên đều hiểu được nhu cầu đó của chính mình cũng như của phối ngẫu, rằng ai cũng cần có những giây phút ‘một mình’ thì chắc chắn họ sẽ không có cảm giác khó chịu hay tổn thương khi người kia từ chối tiếp xúc.
Các nhà tâm lý học cho rằng nhu cầu được có một khoảng thời gian cho riêng mình là nhu cầu có thật của con người nói chung. Nhất là ngày nay khi cả phụ nữ và đàn ông đều làm việc gần như tương đồng, mỗi người trở về nhà sau một ngày căng thẳng với bao nhiêu vấn đề. Và sự tương tác, hay đòi hỏi tương tác liên tục, từ phía bên kia, có thể làm cho tâm lý mỗi người bị đè nén và trở nên bất ổn.
Mỗi chúng ta bước vào cuộc sống chung với người khác đều là tự nguyện, nhưng nếu hiến dâng tất cả cho nó thì lại là sự phủ định chính mình. Cho nên, nếu một người yêu cầu phối ngẫu của mình luôn ở bên thì chẳng những đã xâm hại đến quyền tự do và ngăn cản sự trưởng thành nhân cách của họ, đồng thời, người đó cũng tự tước đi quyền tự do và cơ hội tự trưởng thành của bản thân.
Một cái vòng luẩn quẩn.
Con người ta nhận biết bản thân và hoàn thiện nhân cách nhờ tiếp xúc với người khác, với xã hội và chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Tuy vậy, sự trưởng thành và hoàn thiện bản thân lại sâu sắc nhất khi chúng ta một mình.
Rất nhiều các Triết gia, Thánh nhân khuyên mỗi người ‘nên có những giây phút tĩnh lặng một mình, cắt hết mọi quan hệ với người khác’, bởi lẽ đó là liều thuốc tốt nhất cho nội tâm.
Trong cuộc sống gia đình hàng ngày, nếu lúc nào vợ chồng cũng ở bên nhau là làm cho hai bên phủ nhận nhu cầu tâm lý của nhau. Khi tách rời nhau, họ có cơ hội thăm dò chính mính, phát hiện ra giá trị bản thân. Nếu bạn không có thời gian ở một mình, bạn sẽ không bao giờ hiểu được chính bạn. Dù chia sẻ với nhau nhiều điều, nhưng mỗi người luôn phải có một ‘khoảng không gian’ của riêng mình. Khoảng trời không cần và không thể chia sẻ. Khoảng trời riêng ấy được ‘quy ước’ và được tôn trọng giữa hai người. Có thể đó là những khu vực riêng trong nhà, có thể là những thú vui riêng, có thể đó là quá khứ, và cả trong hiện tại, vẫn có những vùng được ngầm hiểu (hoặc thống nhất qua thảo luận), thuộc quyền ‘riêng tư’ của mỗi người: điện thoại, nhật ký, máy tính cá nhân, mail box, mật khẩu, bạn bè vv …
Mỗi người đều cần một khoảng thời gian riêng, dù ít hay nhiều. Những lúc đó ngay cả sự quan tâm âu yếm chân thành cũng không có tác dụng gì mà trái lại, có thể làm mọi thứ tệ đi. Nếu câu nói “tôi muốn/cần ở một mình” có thể làm tổn thương người bạn đời thì hai bên nên thống nhất với nhau cách nói, hoặc phương thức đó phù hợp hơn. Việc ‘một mình’ không nhất thiết là mỗi người một nơi. Thực ra vợ chồng cùng ở trong một phòng nhưng nếu tôn trọng nhau vẫn có thể không làm phiền nhau. Yên lặng là người bạn tốt cho cả hai phía.
Các nhà tâm lý học khuyên những đôi vợ chồng sống trong những ngôi nhà chật hẹp cần học điều này – bên cạnh nhưng không làm phiền. Bởi vì nhà chật, không gian nhỏ hẹp rất khó có thể tách ra để hai người không nghe, không nhìn thấy nhau, nên việc hiểu và tôn trọng sự riêng tư chính là những liều thuốc, những cây cầu vô hình kết nối tình cảm vợ chồng đằm thắm hơn.
Cái tôi khỏe mạnh chính là nhân tố thiết yếu cho sự khỏe mạnh của cái ‘chúng ta’. Và sự riêng tư của mỗi bên chính là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe nội tâm của từng người, cũng như sức khỏe của tình cảm giữa hai người.
Hãy ghi nhớ điều này./.