Bàn chân con người là một kiệt tác kỹ thuật và một tác phẩm nghệ thuật.

Leonardo da Vinci

Đôi mắt vẫn được ví von là cửa sổ của tâm hồn, và điều đó thực sự đúng. Nhìn sâu vào mắt nhau, ta dường như cảm được những điều chưa từng nói ra.

Còn đôi chân thì sao? Chẳng mấy ai quan tâm cho đến ngày có gì đó rắc rối xảy ra: đầu đau, lưng mỏi, xương khớp đình công, căng thẳng trở nên mãn tính v.v… Đôi chân xứng đáng được quan tâm hơn thế nhiều lần. Biết bao nhiêu chặng đường đôi chân đã đi qua? Biết bao thăng trầm chúng đã cùng ta đã chứng kiến? Nếu ta dành chút thời gian thư thái để quan sát, xoa bóp, chăm sóc và học được cách lắng nghe những câu chuyện mà đôi chân muốn kể, ta có thể hiểu chính mình nhiều hơn ta tưởng!

Tiến sĩ Bruce Lipton có cuốn sách khá nổi tiếng về trí tuệ của tế bào, trong đó ông khẳng định rằng từng tế bào của chúng ta đều lưu giữ những thông tin quí giá về cơ thể. Đôi chân cũng vậy – một cánh cửa để nhìn sâu vào tâm hồn của chính mình. Một chiếc chìa khóa của kho tàng bí mật. Có thú vị không?

Tại sao chúng ta nên lắng nghe đôi chân mình

Từ lâu, khoa phản xạ học của cả truyền thống phương Đông lẫn phương Tây đều đã nhận ra, trên cơ thể chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng phản ánh các bộ phận trên cơ thể. Khi khoa diện chẩn dùng đồ hình mặt, khoa nhĩ châm dùng đồ hình tai để chẩn đoán và chữa bệnh thì khoa phản xạ bàn chân dùng toàn bộ đôi chân. Kiến thức về phản xạ chân có vẻ phổ biến hơn cả do sự giản đơn khi áp dụng. Đôi chân cho ta biết không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn về tinh thần – những gì đang diễn ra trong cơ thể ở mức năng lượng ngay cả trước khi có rắc rối xuất hiện ở cấp độ vật lý. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

đồ hình phản xạ bàn chân theo phương pháp trị liệu vùng – tham khảo.

Đôi chân còn có thể mang lại nhận thức về những cảm xúc chưa hóa giải, những khuôn mẫu tự giới hạn khiến chúng ta khó, hoặc đôi khi không thể, tìm thấy niềm vui trong tâm hồn mình, hay tỏa sáng theo cách mà mình mong muốn. Đôi chân chỉ cho chúng ta cách tự chăm sóc và coi trọng bản thân, cách để hòa làm một với bản chất thực sự của chính mình và mạnh dạn dang rộng đôi tay, chia sẻ tiếng nói tâm hồn của mình với thế giới bên ngoài.

Bản thân tôi không phải là người dễ dàng tin tưởng điều gì. Cứng đầu cứng cổ và bảo thủ là hai tố chất sẵn có mà Ba Mẹ cũng như bạn bè tôi thường nhắc nhở đến nỗi tôi đã từng có lúc cảm thấy tự hào là mình có những ‘phẩm chất’ đó – ‘có lập trường’ và ‘giữ vững lập trường kiên định’. Những từ hoa mỹ tự gán! Thật là xấu hổ và có phần hài hước khi nghĩ lại.

Khi mới biết đến phản xạ bàn chân, tôi khá nghi ngờ. Chỉ có bấm bấm xoa xoa mà nên chuyện ư? Nhưng cứ thử xem sao? (tò mò là một ‘phẩm chất’ khác, may mắn sao!). Càng học, càng thực hành, tôi càng cảm thấy thực sự vui sướng, biết ơn là mình đã được học những điều đơn giản mà kỳ diệu như thế.

Việc này thực ra là thế nào?

Day bấm phản xạ trên thực tế có tác dụng rất giống với châm cứu – điều may mắn là chúng ta không cần dùng kim! Đôi bàn chân của chúng ta giống như các nhà ga, mà toàn bộ hệ thống kinh mạch bằng cách này hay cách khác, chạy qua hoặc được liên hệ gián tiếp. Vì vậy, chỉ bằng cách xoa bóp các điểm hay khu phản xạ ở bàn chân đơn giản, chúng ta đã có thể tiếp cận và điều hòa các kênh năng lượng trong cơ thể.

Khi dòng năng lượng (hay còn gọi là ‘khí’) chảy trơn tru và dồi dào qua các kinh mạch, cơ thể ở trạng thái cân bằng. Còn khi dòng chảy bị gián đoạn mà không được xử lý thì sớm muộn sẽ dẫn đến các vấn đề về thể chất. Khí có thể bị ảnh hưởng bởi những thứ như thức ăn, môi trường sinh hoạt cho tới cách suy nghĩ và đặc biệt là cảm xúc.

Các vùng phản xạ trên bàn chân tương ứng với các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Khi khí mất cân bằng ở một bộ phận nào đó, thì điểm phản xạ tương ứng sẽ trở nên rất nhạy cảm. Xác định những điểm nhạy cảm ở bàn chân giúp chúng ta ‘nghe’ được những thông điệp từ cơ thể, và nếu ta chú tâm, ta nhận ra cả tiếng thì thầm từ tâm hồn, bởi lẽ tâm hồn chỉ có thể ‘nói’ thông qua cơ thể. Bất cứ khi nào chúng ta phớt lờ những lời thì thầm lặng lẽ đó, tâm hồn sẽ cố gắng và kiên quyết hơn trong việc truyền tải thông điệp. ‘Nghe tôi đi’, ‘nghe tôi đi’. Bằng cách này hay cách khác tâm hồn cố gắng để chúng ta chú ý đến bản thân mình – và rất nhiều trường hợp, bệnh tật trở nên rõ rệt và nghiêm trọng. Ta, không còn cách nào khác, nhận ra sự bất ổn ngày càng rõ rệt – và đau đớn. Đó cũng là lý do người ta thường thay đổi rất nhiều, cả thể chất và tinh thần, sau một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Cuối cùng thì tâm hồn, dù không thể cất tiếng, vẫn vang lên những âm hưởng sâu sắc của mình.

Làm sao để hiểu lời nhắn nhủ của tâm hồn?

Nghe thật mơ hồ và khó khăn phải không? Trên thực tế, việc này không quá phức tạp. Chỉ cần chúng ta chậm lại, quan sát, nâng niu và lắng nghe đôi chân của mình. Chúng sẽ cho biết ở đâu trong cơ thể, năng lượng đang gặp rắc rối hoặc đang ách tắc. Hãy cùng xem qua hai ví dụ dưới đây. Hai khu phản xạ này có ích cho bất kỳ ai, tuy nhiên chúng đặc biệt có lợi cho những người bận rộn, dễ căng thẳng vì chúng giúp chúng ta nhận ra mình đang như thế nào. Đôi khi bệnh tật là người thầy hướng dẫn cho chúng ta biết trân trọng giá trị của bản thân, nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe để có thể thấy mình tận hưởng cuộc sống hàng ngày.

Khu phản xạ Cơ Hoành

Khu phản xạ cơ hoành là một dải hơi cong nối hai bờ của lòng bàn chân, ở cả hai bàn chân (xem ảnh). Điểm xuất phát nằm ngay dưới mô xương nối dài từ ngón chân cái, nơi có vằn cong, và chạy thẳng sang bên đối diện. Độ rộng chừng 0,5-1cm. Có thể xoa bóp khu phản xạ này bằng cách ấn mô cầu thịt của ngón tay cái lên điểm đầu, rồi kéo nhẹ nhàng từ trái qua phải, từ nhẹ đến sâu hơn. Nếu cảm thấy rát, có thể dùng dầu dừa hoặc dầu mát xa để không gây kích ứng da.

Day ấn từ 30 giây đến 1 phút và để ý xem vùng đó có nhạy cảm khi ấn vào hay không? Chạm vào cảm thấy mềm hay co cứng? Sự nhạy cảm hoặc đau đớn là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có  sự căng thẳng, lo lắng. Có điều gì đó làm chúng ta không thoải mái hoặc khó giải quyết? Có gì đó ta muốn phản ứng mà phải đè nén? Có phải ta đang cảm thấy thiếu thốn sự quan tâm? Có phải những nỗi sợ hãi mơ hồ đang giới hạn chúng ta? Tâm hồn đang thì thầm rằng: đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề, nhận ra giá trị của bản thân và  tôn trọng cảm xúc thực của bản thân. Chỉ khi chúng ta thực sự quan tâm và yêu thương, quí trọng bản thân, chúng ta mới có khả năng hòa hợp và tôn trọng những người xung quanh một cách chân thành, thực sự.

Điểm phản xạ tuyến Yên

Tuyến Yên được cho là ‘nhạc trưởng’ trong ‘dàn nhạc’ hệ nội tiết bởi nó liên quan tới và có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các tuyến nội tiết – nhà máy hóa chất của cơ thể. Hơn nữa, tuyến Yên liên hệ đến sự phát triển về tinh thần, cân bằng thể chất và cảm xúc của chúng ta. Điểm phản xạ tuyến Yên kể cho chúng ta nghe về khả năng lắng nghe và hợp tác của chúng ta với những người xung quanh; chúng ta có dành sự giúp đỡ và ủng hộ những người xung quanh hay không? Chúng ta có niềm vui tự thân và mang lại niềm vui cho mọi người hay không? Khi điểm phản xạ tuyến Yên đau nhức, có nghĩa là đã đến lúc chúng ta quan sát và chiêm nghiệm bản thân mình trong các mối quan hệ. Chúng ta có đang dành đủ thời gian tự chăm sóc mình không? Chúng ta có đang hy sinh những ước mơ thầm kín của bản thân không? Những căng thẳng trong cuộc sống nên giải quyết bằng cách nào? Chúng ta có sẵn sàng để chữa lành những vết thương trong tâm hồn không?

Rất dễ để tìm điểm phản xạ tuyến Yên – nó nằm ngay chính giữa ngón chân cái, ở cả hai bên chân (xem ảnh). Dùng đầu ngón tay cái day và ấn vào điểm này, thực hiện động tác này trong khoảng 30 giây đến 1 phút cho mỗi chân, từ nhẹ đến sâu. Day ấn điểm này giúp khơi thông năng lượng bị tắc nghẽn trong tuyến yên và vùng dưới đồi. Điều này giúp trí não sáng rõ hơn, các tuyến nội tiết nhịp nhàng hơn và ta dần dần hòa nhịp với chính mình, hiểu bản thân mình hơn, sẵn sàng rộng mở và hỗ trợ những người xung quanh.

Đây là hai ví dụ trong hàng trăm điểm phản xạ ở chân – hàng trăm câu chuyện chưa từng kể. Dành thời gian lắng nghe và chăm sóc bản thân mình – đó là sự giàu có tao nhã không dễ gì kiếm được. Kỳ diệu thay, mỗi chúng ta đều sở hữu. Cùng mang ra dùng ngay thôi!

Trạm Yên.

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments