ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát, internet.

Nhất định phải hiểu rõ. Ở đây nói đến niệm Phật, chúng ta bèn nghĩ đến tượng Phật, [nghe nói] niệm Pháp bèn nghĩ đến kinh điển, [nghe nói] niệm Tăng bèn nghĩ đến người xuất gia. Cách nghĩ ấy đã sai mất rồi, chẳng phải là nói theo kiểu đó! Nếu có ý nghĩ như vậy, hoàn toàn là chấp tướng. Mỗi vị Bồ Tát trong Tây Phương Cực Lạc thế giới đều nhập Không, Vô Tướng, Vô Nguyện tam-muội, lẽ đâu còn chấp tướng?

Tam Bảo ở đây có cùng một ý nghĩa với Tam Bảo trong truyền thọ Tam Quy Y, tức là nói đến Tự Tính Tam Bảo. Như vậy thì mới có thể khởi tác dụng. Tự Tính Tam Bảo đã hiển lộ, thưa cùng quý vị, bèn gọi là Bồ Tát. Nếu viên mãn, bèn gọi là “thành Phật”. Nói đơn giản, Phật và chúng sanh sai khác ở chỗ: Một đằng là Tự Tính Tam Bảo hiển lộ, một đằng là Tự Tính Tam Bảo bị ẩn tàng trong vô minh, chẳng hiển lộ, nên gọi là phàm phu.

Tự Tính Phật Bảo là “giác chứ không mê”, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, niệm niệm giác, đối với hết thảy các pháp chẳng mê hoặc. Tự Tính Pháp Bảo là “nhập Phật tri kiến” như kinh Pháp Hoa đã nói, là Phật tri, Phật kiến. Nói đơn giản là tư tưởng và kiến giải chính xác; đó là Pháp Bảo. Rốt cuộc, tiêu chuẩn của chính xác là gì? Là tự tính. Hễ tương ứng với tự tính thì là chính xác, chẳng tương ứng với tự tính thì là sai lầm. Đây là tiêu chuẩn tuyệt đối.

Tự Tính Tăng Bảo là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần. Mọi người phải ghi nhớ một điều khẩn yếu: Giác, Chánh, Tịnh là một, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Có những kẻ cảm thấy ta đã giác, nhưng tâm vẫn chưa thanh tịnh, chẳng thanh tịnh thì giác khởi từ đâu? Chẳng thanh tịnh, chẳng giác! Người đã giác, tâm nhất định thanh tịnh, chẳng thể dấy lên một vọng niệm. Hễ trong tâm vẫn còn dấy lên một vọng niệm, cái tâm ấy chẳng thanh tịnh. Chẳng thanh tịnh là chẳng giác, là tà tri tà kiến.

Do đó, tâm người giác ngộ nhất định thanh tịnh, người tâm thanh tịnh nhất định giác ngộ.

(Hòa Thượng Tịnh Không giảng)

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments