Củ khoai sọ có bột màu trắng, dính, vị ngọt hơi the, tính bình. Có tác dụng điều hoà nội tạng, hạ khí đầy, bổ hư tổn. Củ dùng ăn chữa được hư lao yếu sức, dùng ngoài chữa phong ngứa, mụn mủ…
Trang: thaythuoccuaban.com
Giới thiệu
Áp cao khoai sọ là một phương pháp đơn giản nhưng cực kỳ hữu hiệu để trị các chứng viêm sưng, mưng mủ … như viêm khớp, phong thấp, ung nhọt, viêm dây thần kinh … hoặc sau các va chạm chấn thương như bong gân, bầm dập, gãy xương, hoặc bị bỏng. Cao sọ còn có thể sử dụng để chữa các loại ung bướu như bướu lành, mụn cóc, bướu xơ, u nang … trong điều trị ung thư, cao sọ được dùng như một phương pháp hỗ trợ ban đầu nhằm kích thích bài tiết, giảm kích thước khối u, sau đó việc phẫu thuật được đơn giản và dễ dàng hơn.
Cao bao gồm 90% khoai sọ và 10% bột gừng khô hoặc gừng tươi nạo.
Tác dụng:
- cao sọ kéo chất độc và các chất xỉ, nhầy (như mủ, chất độc, máu đông cục dưới hình thức áp xe, bướu, vết bầm dập) ra khỏi cơ thể qua đường da. Cao sọ làm giảm viêm sưng và ngừa tạo viêm, đặc biệt viêm sau khi va đụng hoặc bong gân. Cao sọ còn có khả năng hút nhiệt tại chỗ.
- cao sọ phát huy tác dụng tối đa khi sử dụng sau gạc gừng, do gạc gừng kích thích và làm lỏng chất xỉ/chất nhầy, giúp cao sọ rút độc cực kỳ hiệu quả.
Chuẩn bị
- khoai sọ: vừa đủ để sau khi mài có thể áp lên vùng bị đau một lớp dầy khoảng 1.5-2cm.
- gừng tươi hoặc bột gừng khô 10% lượng khoai sọ
- băng, gạc để cố định cao
- bàn nạo (nạo rau củ)
- chút bột mỳ hoặc bột gạo, nếu cần (khi khoai nhiều nước quá khó đắp)
- 1 khăn vải cotton hoặc giấy bản, để làm cao
Cách làm:
- khoai rửa sạch, cạo hoặc gọt vỏ (không gọt dầy quá) sau đó mài theo chiều kim đồng hồ cho đến khi hết. Nếu khoai nạo ra quá ướt thì cho chút bột mỳ hoặc bột gạo cho dính. Bột này phải đặc như hồ vữa hoặc bùn.
- Thêm bột gừng khô, hoặc nạo gừng tươi vào chỗ khoai theo tỷ lệ 9 khoai 1 gừng, trộn thật đều.
- đắp cao: trước khi đắp cao, để cho kết quả tốt hơn, nên đắp gạc gừng từ 10-15 phút (tùy tình trạng bệnh có thể đắp dài hơn hoặc ngắn hơn). Sau khi bôi một lớp dầu vừng thật mỏng lên vùng da chuẩn bị áp cao, trải khoai vào khăn cotton và áp vào chỗ đau (áp trực tiếp lên da). Nếu cần có thể dùng gạc buộc chặt bên ngoài để cố định cao.
- thường cao sẽ khô sau 4h, nếu khoai khô nhanh quá, gỡ bỏ và thay khoai mới. Nếu cao còn ướt có thể để tới 6h hoặc lâu hơn nếu da không kích ứng.
- Gỡ cao: nếu đau (vùng có lông, tóc) có thể dùng nước ấm để rửa.
Thời gian điều trị
Tuỳ thuộc vào tình trạng cần trị liệu. Trong những bệnh mạn tính hay khối u, phải đắp cao liên tục trong nhiều tuần. Nếu bệnh cấp tính và không nghiêm trọng lắm chỉ cần đắp 1,2 hay 3 lần mỗi ngày trong vài ngày. Có những bệnh như u nang vỡ ra sau 2-3 tuần trị liệu, cơn đau thống phong (gút) sau 1-2 ngày nhưng có khi 1 lần đã là đủ như trị bệnh trĩ, hoặc mụn nhọt chẳng hạn.
Lưu ý:
- không dùng nước nóng chế cao khoai sẽ làm mất tác dụng (do cần sử dụng tính âm lạnh của khoai sọ);
- không phủ nhựa lên cao vì nó có thể làm da bị loét;
- da có thể trở nên đen sau khi áp cao kéo dài, như vậy là bình thường;
- khi áp cao bị ngứa, có thể do trộn quá nhiều hoặc trộn không đều/không kỹ bột gừng. Có thể xoa dầu cải, dầu vừng vào vùng ngứa và cho thêm chút muối vào cao, đồng thời giảm gừng còn 5%.
- có thể xoa chút dầu vừng vào vùng đau trước khi áp cao để giảm kích ứng.