dung dưỡng tâm lý nạn nhân ở trẻ là cướp đi hy vọng của chúng

Nhà văn Mỹ Frank Sonnenberg

Thế nào là ‘tâm lý nạn nhân’?

‘Không phải tại con’, ‘vì a, b, c … nên con mới thế’, ‘thế là không công bằng!’… có lẽ phần lớn các bậc cha mẹ không lạ gì khi nghe con trẻ hét lên những câu như vậy, mỗi khi chuyện xảy ra không như ý chúng. Mặc dù khó giải quyết, kiểu suy nghĩ này thực ra khá bình thường với trẻ em và thanh thiếu niên. Bởi vì chúng có khả năng “phát hiện sự công bằng” nhạy bén hơn người lớn – do sự hồn nhiên, và phi thực tế trong tư duy. Tuy nhiên, nếu trẻ luôn giữ cảm giác ‘bất công’ này và bắt đầu thường xuyên cảm thấy mình là nạn nhân, thì vấn đề trở nên nghiêm trọng. Và khi đó, cha mẹ có thể sẽ thấy con mình bắt đầu thao túng mọi người bằng những điều này để đạt được thứ mình muốn.

Khi đứa trẻ cảm thấy mình là nạn nhân, nó sẽ bắt đầu hành xử kiểu nạn nhân. Ví dụ, trẻ gây rối rồi đổ lỗi cho người, hoặc thứ khác ‘vì nó làm con tức’; không làm bài tập ‘vì con mệt’ và nếu bị phê phán ở lớp thì ngay lập tức cho rằng ‘vì thầy cô trù úm’ v.v  Nên lưu ý rằng kiểu hành vi thao túng dựa trên suy nghĩ ‘bất công-nạn nhân’ này thường bắt đầu ở môi trường gia đình, và cha mẹ vô tình bị cuốn vào đó. Từ từ, hành vi này có thể lan sang các lĩnh vực khác trong cuộc sống của trẻ, trở thành: thầy cô giáo không công bằng; trường học không công bằng, các bạn không công bằng … Nếu không thay đổi, thì lối suy nghĩ này có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi thiếu niên và cuối cùng là đến tuổi trưởng thành, và sẽ trở thành một trạng thái tâm trí mãn tính: do hoàn cảnh, do sếp không công bằng hoặc là do vợ/chồng v.v

Trẻ em quen với cách nghĩ và tâm lý nạn nhân, than vãn sẽ trở thành người lớn đổ lỗi, kêu ca, dễ nghi ngờ hoặc gán động cơ xấu cho những người xung quanh. Hơn nữa, chúng sống một cuộc sống thụ động, không chịu trách nhiệm cải thiện hoàn cảnh khó khăn của mình, mà cứ chịu đựng nỗi đau khổ của mình và chờ ai đó đến ‘cứu’.

Cha mẹ nên làm gì?

Điều phức tạp là đôi khi có những tình huống thực sự không công bằng. Ví dụ, trẻ bị bạn lớn hơn hoặc cả một nhóm tập hợp lại để bắt nạt. Cha mẹ có thể cảm thấy bất an, lo lắng và thậm chí tức giận. Trong tình huống này, điều nên làm là đồng hành với trẻ, cùng trẻ giải quyết vấn đề chứ không phải tự giải quyết theo kiểu tự nói chuyện với cô giáo, làm lớn chuyện v.v… bởi trẻ sẽ vừa xấu hổ, vừa tự cảm thấy mình là nạn nhân. Khi trẻ được hỗ trợ, ủng hộ, được tự suy nghĩ để tìm cách xử lý và được tôn trọng, thì trẻ sẽ không thấy mình là nạn nhân, thay vào đó trẻ sẽ học được cách nhận trách nhiệm và đối diện với các tình huống khó khăn trong cuộc sống.

Điều cực kỳ quan trọng là cha mẹ làm cho con mình hiểu được thông điệp rằng cha mẹ sẽ hỗ trợ con tìm ra lời giải cho vấn đề của con – và việc đổ lỗi không phải, cũng như không mang đến giải pháp. Việc dung dưỡng tâm lý nạn nhân chẳng những không giúp trẻ vượt qua được khó khăn, mà ngược lại còn dần dần ảnh hưởng đến cách chúng nhìn thế giới như một nơi bất công và không công bằng. Lối suy nghĩ tiêu cực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ của trẻ và cuối cùng là khả năng sống hạnh phúc cũng như thành công trong cuộc sống của chúng.

Vậy cha mẹ nên làm gì nếu cho rằng con mình có tâm lý nạn nhân? Xin tham khảo một vài gợi ý sau đây:

  1. Rõ ràng và rành mạch về sự bất công và công bằng cũng như về trách nhiệm. Ví dụ: khi trẻ phàn nàn rằng thầy cô không công bằng khi phê phán, ghi sổ hay phạt con cho ‘lần duy nhất con không làm bài tập’, cha mẹ có thể xác nhận rằng: ‘con nói đúng, đôi khi cuộc sống thật bất công. Nhưng con vẫn cần phải hoàn thành bài tập về nhà’. Điều quan trọng là, sự rõ ràng, rành mạch cần được biểu lộ cùng sự quan tâm, chân thành. Trẻ em sẽ nhận ra ngay sự mỉa mai hay gay gắt dù nhỏ nhất. Bởi đây là một bài học khó, và đối với hầu hết trẻ em, cảm xúc phần lớn là chân thật. Việc cha mẹ thể hiện sự đồng cảm thực sự, nhất là để giải thích rằng có những điều không công bằng trong cuộc sống của chúng ta, sẽ giúp rất nhiều trong việc việc dạy trẻ cách đối mặt với sự bất công đó và cách vượt qua điều đó. Khi trẻ được tôn trọng và được hiểu, trẻ sẽ dễ dàng đáp lại bằng sự hợp tác, đồng thuận, tuy việc thực hành có thể cần nhiều thời gian.
  2. Chủ động làm một tấm gương cho con. Tránh sử dụng những từ ngữ có thể khiến trẻ thấy cha mẹ tỏ ra bất lực và là nạn nhân như “khổ thân tôi” hoặc ‘mẹ không thể làm gì được’. Tránh liên tục phàn nàn về những nỗi đau khổ của mình trước mặt con bạn dưới danh nghĩa giải tỏa hoặc trút giận vì điều đó sẽ chỉ tạo ra những cảm xúc tiêu cực ở trẻ. Đồng thời, cho trẻ thấy rằng cha mẹ có khả năng đóng góp và tạo sự khác biệt trong môi trường xung quanh bằng cách giúp đỡ người khác hoặc cư xử tử tế với người khác. Khuyến khích và cho phép con chủ động làm điều tương tự trong khả năng của mình. Thể hiện sự kiên quyết khi bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, lên tiếng nếu cảm thấy mình bị xâm phạm v.v .. sẽ dạy cho trẻ rằng chúng không cần phải thụ động đón nhận sự bất công hoặc vi phạm mà có quyền tự bảo vệ và được bảo vệ.
  3. Giải quyết vấn đề. Thảo luận với trẻ xem con dự định đối phó với sự bất công đó như thế nào. Giả sử trẻ đăng ký nhóm thực hành vật lý ở lớp nhưng cảm thấy mình chưa được tham gia đủ. Luôn có những bạn giỏi hơn, hoặc những bạn ‘còi to’ và thật khó đối với một người có thể làm được, mong muốn thực hành nhưng không ‘đến lượt’. Là cha mẹ, chúng ta cần giúp trẻ hiểu được bài học cuộc sống này. Khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng hết sức, kể cho trẻ ví dụ về những điều tương tự đã xảy ra với chính mình trong quá khứ. Thông điệp ở đây là: Bất công có thể xảy ra, đó chỉ là một phần của cuộc sống – và cách chúng ta xử lý nó mới là điều quan trọng nhất.
  4. Không để cảm giác tội lỗi điều khiển phản ứng của mình. Khi cha mẹ cảm thấy con mình đang bị đối xử bất công, cha mẹ có thể dễ dàng ‘bù đắp’ cho con bằng cách chiều chuộng: cha mẹ làm thay trách nhiệm của con hoặc cho con vật chất như quần áo, đồ điện tử hoặc tiền. Thử nhìn lại xem việc nuông chiều con khi chúng coi mình là nạn nhân có thể đã bắt đầu từ đâu. Có thể trẻ đã bị bắt nạt khi còn nhỏ? hoặc có lẽ vợ/chồng bạn đã ly hôn và bạn cảm thấy tội lỗi vì điều đó? Hoặc trẻ ốm yếu từ bé và bạn thấy mình có lỗi vì ‘không biết cách chăm sóc trẻ’? v.v Tâm lý này của cha mẹ là hiểu được, nhưng cần lưu ý rằng về lâu dài chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, bởi vì đứa trẻ biết rằng sẽ có người ‘bù đắp’, thậm chí nó được chiều hơn mỗi khi nó thấy mọi thứ thật bất công. Điểm mấu chốt là khi cha mẹ xử lý tình huống bắt đầu từ cảm giác tội lỗi, thì có nhiều khả năng cha mẹ dung dưỡng, ủng hộ cảm giác trở thành nạn nhân ở con mình.
  5. Không chấp nhận sự bất công nhưng cũng không phủ nhận nó. Với tư cách là cha mẹ, chúng ta dễ dàng khơi dậy cảm giác nạn nhân của sự bất công ở con mình. Ví dụ, nếu giáo viên không công bằng trong mắt trẻ, cha mẹ rất có thể nói ‘giáo viên đó luôn xử tệ với con, có lẽ thầy/cô đó không ưa con’ và điều này càng khiến trẻ được củng cổ cảm giác mình là nạn nhân. Mặt khác, việc tranh cãi với con về cảm giác của chúng không phải là điều nên làm, bởi vì dù cha mẹ hay thầy cô có ‘đúng’ đi chăng nữa, cảm giác bất công vẫn tồn tại, do cảm xúc nằm bên ngoài mọi lý lẽ logic, đúng sai. Khi đứa trẻ cảm thấy điều gì đó không công bằng, việc người khác nói/thuyết phục/tranh cãi điều đó là hợp lý sẽ không thực sự thay đổi cảm giác của trẻ, ngược lại còn làm trẻ mất phương hướng vì sự khác biệt giữa cảm xúc của trẻ với lý luận của cha mẹ. Vì vậy, đừng tranh cãi với trẻ về điều đó; chỉ cần rõ ràng rành mạch với sự đồng cảm.
  6. Cha mẹ luôn có thể thay đổi câu trả lời của mình. Ngay cả khi cha mẹ đã ủng hộ quan điểm của con mình về sự bất công của thế giới – và con mình là nạn nhân – trong một thời gian dài, thì điều này luôn có thể thay đổi với tư cách là cha mẹ. Không bao giờ là quá muộn. Đôi khi chỉ cần nói: ‘bố mẹ sẽ không dung dưỡng thái độ của con về sự bất công nữa’ và bắt đầu giúp trẻ giải quyết vấn đề làm thế nào để trẻ cũng thay đổi, học cách đối diện với thực tế, là trẻ sẽ hướng theo và tự thay đổi.

Một số cách đơn giản sau đây có thể giúp trẻ tránh được vòng xoáy tâm lý bất công-nạn nhân:

ảnh minh họa: internet.
  1. Hướng dẫn trẻ thấy các mặt của việc đã xảy ra thay vì chỉ tập trung vào sự khó chịu. Điều này giúp trẻ học cách nhìn vấn đề đa chiều, tránh được cảm giác tủi thân, tự thương hại mình. Dành thời gian nói với trẻ về những điều tốt, điều hay cha mẹ thấy hoặc học được mỗi ngày, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn sẽ nêu gương cho trẻ về thái độ lạc quan và lòng biết ơn. Tạo thói quen hàng ngày, ví dụ hỏi con về những điều thú vị trong ngày, chơi trò kể tên ba hay năm điều tốt đẹp đã xảy ra v.v…
  2. Giúp trẻ nhận ra và xem xét lại các suy nghĩ không hợp lý, tiêu cực như đổ lỗi cho người khác, đưa ra kiểu dự đoán ‘tình huống xấu’, sử dụng những từ cường điệu như ‘luôn luôn’, ‘lúc nào cũng…’ hoặc ‘không bao giờ’. Hướng dẫn trẻ thay thế những suy nghĩ phi lý bằng những suy nghĩ hợp lý và thực tế. Dạy trẻ chịu trách nhiệm cá nhân về hành động của mình, giúp trẻ thấy rằng điều tốt vẫn xảy ra ngay cả trong những tình huống tồi tệ, khích lệ trẻ tự suy nghĩ và đưa ra các giải pháp khả thi cho các vấn đề (hoặc những dự đoán tiêu cực của trẻ). Giúp trẻ phân biệt kiểu tư duy mọi thứ hoặc màu đen hoặc màu trắng và tư duy màu xám – không có gì đều tốt hoặc đều xấu. Một số trẻ có xu hướng nhìn vấn đề bi quan hơn những trẻ khác. Nhưng chỉ cần giúp đỡ một chút là chúng có thể nhận ra rằng các suy nghĩ tiêu cực có thể không chính xác. Giúp trẻ nhận thức suy nghĩ tiêu cực bằng cách tìm kiếm các trường hợp ngoại lệ cho các quy tắc. Ví dụ, nếu trẻ khăng khăng: ‘con chẳng bao giờ làm được điều gì thú vị’, thử nhắc chúng về những hoạt động thú vị mà chúng đã tham gia. Nếu trẻ nói: ‘không ai thích con cả’, thử chỉ ra những người thấy con rất thú vị.
  3. Đối diện với các cảm xúc không thoải mái hoặc khó chịu như sợ hãi, lo lắng, tức giận và buồn bã. Những đứa trẻ có kỹ năng đối phó lành mạnh sẽ ít khi thổi phồng những việc nhỏ nhặt thành thảm khốc. Khi trẻ mắc lỗi, chỉ kỷ luật hành vi không hợp lý chứ không kỷ luật cảm xúc của trẻ. Luôn cho trẻ biết rằng cảm xúc là tự nhiên, điều quan trọng là cách xử lý chúng. Hướng dẫn trẻ bày tỏ cảm xúc của bản thân một cách lành mạnh và giúp chúng tránh chìm vào sự tủi thân mỗi khi buồn bã. Việc cha mẹ nên làm là xác nhận cảm xúc của trẻ bằng các cách nói như ‘mẹ biết hiện tại việc này thật khó khăn với con’ hoặc ‘mẹ có thể thấy là con đang (rất) buồn’ … sau đó khuyến khích trẻ hiểu rằng con vẫn có quyền lựa chọn cách đối phó với những khó khăn đó. Hãy giúp trẻ có niềm tin vào khả năng của bản thân để vượt qua.
  4. Dạy trẻ phân biệt giữa những gì trẻ có thể kiểm soát và những gì trẻ không thể. Khuyến khích trẻ tìm ra và tập trung vào những việc trẻ có thể kiểm soát thay vì thất vọng về những việc không thể hoặc ít có khả năn kiểm soát. Cho trẻ hiểu rằng khi con không thể kiểm soát hoặc thay đổi môi trường xung quanh thì ít nhất con có thể kiểm soát hoặc thay đổi thái độ, suy nghĩ, hành động, lựa chọn và nỗ lực của bản thân. Điều này không dễ dàng, cha mẹ cần có sự kiên trì và bao dung để giúp trẻ dần dần hình thành khả năng tự thay đổi cách suy nghĩ.
  5. Dậy trẻ tư duy và kỹ năng tìm giải pháp: Thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề có xu hướng dẫn đến thái độ tiếp cận cuộc sống thụ động hoặc đổ lỗi, sợ trách nhiệm. Khi trẻ hướng vào việc tìm giải pháp, trẻ sẽ nhanh chóng vượt qua cảm giác khó chịu, sợ hãi. Ví dụ: khi trẻ không biết cách làm bài tập toán, trẻ có thể bị điểm kém và cảm thấy chán nản, tự trách mình. Nếu trẻ hiểu rằng có thể tìm ra lý do và giải pháp, năng lượng của trẻ sẽ tập trung vào việc tiến bộ hơn, chứ không vào sự sợ hãi hoặc khó chịu.
  6. Giúp đỡ người khác: trẻ em rất dễ nghĩ rằng chúng đang gặp phải những vấn đề lớn nhất trên thế giới. Cho chúng thấy rằng còn rất nhiều người khác đang gặp phải những vấn đề lớn hơn có thể giúp chúng nhận ra rằng mọi người đều phải đối mặt với những khó khăn. Ngoài ra, giúp đỡ người khác có thể cho trẻ hiểu được rằng dù chúng còn nhỏ, dù chúng gặp phải vấn đề gì, chúng vẫn có khả năng giúp đỡ người khác. Điều này xây dựng lòng tự hào bản thân cho trẻ.

Nuôi, dạy trẻ em là gánh vác trách nhiệm lớn lao, nhiều khó khăn. Cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp đỡ trẻ phát triển, xây dựng một thái độ sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. Trong quá trình lớn lên, mọi đứa trẻ đều có thể gặp các tình huống và cảm xúc mình là nạn nhân, và điều này là hoàn toàn tự nhiên. Giúp trẻ nhận thức được và vượt qua, sẽ dần dần định hình trẻ trở thành con người mạnh mẽ, thấu hiểu và trách nhiệm – những viên gạch ban đầu cho một cuộc sống hạnh phúc và thành công mà cha mẹ nào cũng mong muốn cho con mình./.

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments