Người lạc quan nhìn thấy chiếc bánh vừng vòng, người bi quan nhìn thấy mỗi cái lỗ hổng.

Oscar Wilde – nhà văn nổi tiếng người Ai-len

Không vâng lời, vi phạm các nguyên tắc do bố mẹ hay nhà trường đặt ra, cư xử hỗn hào v.v là lúc trẻ học cách tự xác định giới hạn, thử nghiệm cái tôi của chính mình và cũng là cách trẻ đánh giá mối quan hệ giữa chúng với bố mẹ, thầy cô. Vậy bố mẹ nên hành xử như thế nào để trẻ vừa được tự do trải nghiệm, đồng thời trở nên có trách nhiệm và biết phân biệt đúng sai?

ảnh: Edouard Boubat, 1955. Internet.

1. Tận dụng thời điểm này để hướng dẫn và dạy dỗ trẻ: Khi trẻ mắc lỗi chính là lúc bố mẹ có thể dạy cho con trưởng thành hơn. Trẻ luôn luôn biết là chúng đang vi phạm một nguyên tắc nào đó, vì vậy, thay vì nổi giận hay trừng phạt, bố mẹ có thể tìm hiểu lý do tại sao trẻ làm như vậy? điều gì thôi thúc trẻ? Có phải các qui định đó không hợp lý trong cách nhìn của trẻ? Từ đó, cha mẹ và trẻ có thể cùng nhau tìm ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình với cả hai bên. Không có các vi phạm của trẻ, việc giúp trẻ hiểu các nguyên tắc và giúp trẻ trưởng thành là rất khó khăn. Vì vậy không nên bi kịch hóa hoặc phức tạp hóa vấn đề khi trẻ mắc lỗi, thay vào đó cha mẹ nên nhìn nhận lỗi lầm của trẻ như các cơ hội giúp con trưởng thành hơn.

2. Thảo luận sự việc xảy ra với trẻ bằng cách đặt câu hỏi và khuyến khích trẻ tìm câu trả lời: Cha mẹ thường có thói quen tự đưa ra quyết định, giải pháp hoặc phán xét đúng-sai. Việc này có lợi ích là tiết kiệm thời gian, nhưng có nhiều hạn chế. Thứ nhất, trẻ thường không “tâm phục, khẩu phục” với cha mẹ; thứ hai, trẻ không hiểu rõ lý do tại sao chúng lại phải làm như vậy, hoặc tại sao cư xử như thế là không đúng; thứ ba trẻ sẽ dễ mắc lỗi hơn, do tâm lý muốn vượt ra ngoài các khuôn khổ mà chúng không thực sự hiểu. Việc đặt câu hỏi khiến trẻ suy nghĩ sẽ rất hữu ích. Ví dụ, khi trẻ vi phạm qui định hoặc cư xử thiếu lễ độ, cha mẹ có thể thảo luận để giải quyết vấn đề với con. Hãy hỏi trẻ lý do khiến trẻ hành xử như vậy? Theo ý trẻ thì hướng giải quyết ra sao, cha mẹ nên xử lý thế nào? Trẻ có xứng đáng bị phạt hay không? Ban đầu trẻ có thể không thể tự mình đưa ra bất kỳ giải pháp nào, nhưng với các gợi ý và thảo luận cùng cha mẹ, trẻ sẽ dần dần học được lối tư duy biện chứng, có cách tiếp cận vấn đề logic, hợp lý và trưởng thành hơn.

3. Luôn giữ thái độ bình tĩnh, từ tốn, bao dung đồng thời nghiêm khắc và kiên quyết với trẻ: Trẻ luôn nhìn cha mẹ như hai hình mẫu song song. Cha mẹ vừa là những người trẻ yêu quí nhất đồng thời là những người có thẩm quyền nhất đối với trẻ. Điều này dẫn đến các cảm xúc phức tạp của trẻ, vừa muốn nghe lời, vừa muốn bất tuân. Đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì khi trẻ đang chứng minh cái tôi của mình, việc bất tuân của trẻ có thể dẫn đến các xung đột nặng nề trong gia đình. Thái độ cư xử bao dung nhưng nghiêm khắc của cha mẹ sẽ giúp trẻ củng cố tình cảm với cha mẹ, đồng thời tự tìm cho mình các giới hạn hợp lý khi thử trải nghiệm và khám phá chính mình.

4. Cùng nhận biết và hiểu các cảm xúc của trẻ: Trẻ có thể hành xử tiêu cực khi chúng bị cảm xúc chi phối. Khi trẻ không thể đối phó với những cảm xúc của mình, chúng sẽ tìm cách gây chú ý và đôi khi việc này dẫn đến việc trẻ nói năng hỗn hào, cử chỉ hung hăng, bất cần. Cha mẹ có thể tìm hiểu cảm xúc của con cũng như giúp trẻ tự nhận biết các cảm xúc của mình bằng các câu hỏi như: “Con cảm thấy thế nào?”; “Bố/Mẹ có cảm giác là con đang thất vọng, có đúng không?”; “Có vẻ như con không hoàn toàn hài lòng với quyết định vừa rồi của bố mẹ, phải không?”; “con nói dối là vì con đang sợ điều gì vậy?”: v.v.. Sau khi giúp trẻ nhận diện cảm xúc của mình, cha mẹ có thể lánh đi chỗ khác. Hãy cho trẻ không gian và sự yên tĩnh, giúp trẻ bình tĩnh lại và tự tìm cho mình câu trả lời.

5. Tránh việc biến cuộc nói chuyện thành cãi vã với trẻ bằng cách nói một cách ngắn gọn và trực tiếp vào vấn đề: Cha mẹ có thể thử nói điều gì đó với trẻ, đơn giản như: “con có lý” hoặc “bố/mẹ sẽ suy nghĩ thêm” hoặc “bố biết”; “mẹ hiểu ý con” với giọng từ tốn và bình thản và kết thúc ở đó. Với chỉ vài từ và một giọng nói bình thường, cha mẹ có thể giải quyết tình huống, giúp trẻ giữ thái độ đúng mực thay vì làm cho mọi câu chuyện thành các cuộc đôi co.

6. Âu yếm, gần gũi trẻ: Khi trẻ buồn phiền hay giận giữ, đôi khi tất cả những gì chúng cần là cảm giác được cha mẹ quan tâm, thấu hiểu, hoặc đơn giản hơn là một cái ôm của mẹ hay một cái vỗ vai của bố. Cha mẹ có thể âu yếm con và nói rằng bạn hiểu vấn đề của trẻ. Hãy thừa nhận rằng con đang lớn lên, đang học hỏi, con có nhiều khó khăn và bạn cũng vậy, vì thế hãy cùng nhau giải quyết và vượt qua các thử thách trong quá trình trưởng thành của con.

Trong quá trình trưởng thành, trẻ không thể tránh khỏi lỗi lầm. Thái độ của cha mẹ với lỗi lầm của trẻ chính là la-bàn giúp trẻ định hình nhân cách và phẩm giá của mình. Cha mẹ luôn có quyền lựa chọn thái độ của mình, trước khi lựa chọn, hãy hiểu rằng trẻ mắc lỗi không phải vì chúng muốn như vậy, không phải vì chúng không tôn trọng cha mẹ hay không có tình cảm với cha mẹ, mà vì đơn giản là chúng đang lớn./.

Coaching cho tuổi Teen.

Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ tinh thần, đừng ngại liên hệ với Coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới (Sử dụng mã liên hệ ‘Teen’ để nhận khai vấn miễn phí)

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments