bạn trưởng thành khi bắt đầu làm chủ cuộc đời mình.

Joseph Campbell – giáo sư Văn học Mỹ.

Cuộc sống vốn nhiều cung bậc thăng trầm, nhiều khúc quanh ngã rẽ và mỗi người, nhờ đó, phát triển bản thân, trưởng thành về nhận thức cũng như về cảm xúc.

Trưởng thành về mặt cảm xúc là điều không hề đơn giản. Bởi lẽ, thước đo của sự phát triển về cảm xúc không nằm ở tri thức, học vấn, hay thậm chí là tuổi tác của con người. Trưởng thành về cảm xúc là quá trình học hỏi về bản thân, dựa trên đúc kết từ các mối quan hệ, từ công việc, từ những khó khăn, từ sự may mắn, từ chông gai hay thất bại, và cả từ những thành công thuận lợi trong cuộc sống.

Cảm giác an bình có lẽ là cảm giác nền của con người: sinh ra đã là vậy, trong trẻo, đẹp đẽ, hồn nhiên tươi vui và ngập tràn hạnh phúc. Nhìn một đứa trẻ mới sinh và ta sẽ hiểu. Lớn lên, đồng nghĩa với việc gom về nhiều loại cảm xúc hơn, và dường như càng có tuổi thì con người càng bị gánh nặng cuộc sống đè lên vai, đến nỗi những tiếng cười sảng khoái trở nên khó khăn và hiếm hoi.

Làm sao để trở lại hồn nhiên và tươi sáng như vốn thế?

Hãy cùng tham khảo ba cách đơn giản có thể giúp chúng ta hiểu chính mình hơn và trưởng thành hơn mỗi ngày:

ảnh minh họa: internet.
1. Chấp nhận, hiểu và từ đó chuyển hóa các cảm xúc của bản thân

Có nhiều sự việc, lý do có thể mang đến cảm giác khó chịu. Ví dụ như đau khổ khi chia tay người yêu, chán nản khi công việc không như ý, tức giận vì bị qua mặt, ghen tỵ với thành công của đồng nghiệp, ấm ức với sự thiếu công bằng, tự mãn khi thành công hay kiêu ngạo với những kết quả mà mình đạt được, v.v …

Thay vì chối bỏ, tìm cách đổ lỗi cho người khác hay trốn tránh những xúc cảm không mấy dễ chịu ấy bằng cách tìm vui che lấp suy nghĩ về chúng, để trưởng thành về mặt cảm xúc, ta nên học cách nhận diện sự có mặt của các cảm xúc hiện tại, tìm hiểu chúng, và từ đó chuyển hóa các cảm xúc của mình.

➢ Dành thời gian để quan sát bản thân, nhìn nhận sâu sắc hơn về những gì mình đang trải qua để hiểu chính mình và các cảm xúc của mình.

➢ Cho dù những cảm xúc có khó chịu, đau đớn hay khác thường, thì chúng cũng thể hiện cảm giác thật sự của bản thân, vì vậy thay cho việc lấn át, che dấu hoặc bỏ mặc chúng, ta cần biết rằng, cảm xúc như giận giữ, thất vọng, đau khổ, tự mãn v.v … là hết sức bình thường. Câu hỏi quan trọng là: điều gì làm các cảm xúc đó phát sinh? Và ta sẽ làm gì với chúng?

➢ Tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn đến cảm xúc của bản thân, từ đó tìm ra các lỗ hổng tâm lý của chính mình. Dần dần học hỏi để chuyển hóa tâm lý và tâm linh lên tầm cao hơn.

2. Có ý thức về những ‘lỗ hổng’ trong tâm lý của bản thân

Trong cuộc sống, chúng ta không thể thiếu các mối quan hệ. Và chính từ các mối quan hệ này, chúng ta có thể học cách nhận thức sâu sắc về chính mình. Tại sao mình vui khi ở cạnh người này, bực bội với người kia? Tại sao sếp dường như luôn trù úm người nọ?

Những câu hỏi rất dễ bị bỏ qua, hoặc chỉ được giải quyết trên bề mặt. Sau này, chúng lặp lại ở những trạng huống khác, hình thái khác, và nếu một người không có thói quen quan sát, sẽ dễ dàng bỏ lỡ mối liên hệ giữa chúng, dẫn đến việc tìm hiểu nguồn gốc vấn đề trở nên khó khăn hơn.

Để trưởng thành về mặt cảm xúc, một người cần học cách quan sát bản thân mình và luôn sẵn sàng tiếp nhận phản hồi đến từ những người xung quanh.

☙ Những lời chỉ trích, phê bình được tiếp thu và đánh giá khách quan, trên cơ sở hiểu biết chính mình và các giá trị tự thân.

☙ Các cảm xúc (tạm gọi là ‘tiêu cực’) như buồn bã, hằn học, thất vọng, uất ức hay nóng giận, tủi thân dần được tìm hiểu cặn kẽ nguồn cơn. Chúng thường dẫn ta đến với các lỗ hổng tâm lý của bản thân.

☙ Xác định và xây dựng hệ giá trị cá nhân, từ đó chuyển hóa các cảm xúc ‘tiêu cực’ bằng sự tò mò, muốn tìm hiểu chính mình và người đối diện; và niềm vui mỗi khi tự mình vượt qua được các trở ngại nội tâm.

3. Tự trọng và tôn trọng

Khi một người yêu quí và chấp nhận bản thân một cách toàn diện, với cả khuyết điểm và ưu điểm, họ sẽ thay đổi cách người khác nhìn nhận về họ, và thay đổi cách họ nhìn nhận người khác. Lòng tự trọng không chỉ là nền tảng cho một mối quan hệ tốt đẹp, mà còn là yếu tố cơ bản để trưởng thành về cảm xúc.

♡ Tự trọng đồng nghĩa với việc tôn trọng các cảm xúc của bản thân: không bỏ mặc hoặc đè nén, không gán các giá trị thấp kém vv … mà tìm hiểu và học cách chuyển hóa chúng.

Tôn trọng đồng nghĩa với việc thể hiện sự đồng cảm, hỗ trợ người khác về cảm xúc, đồng thời giữ khoảng cách nhất định, không áp đặt mà để người kia được tự do giải quyết cảm xúc của bản thân.

Tại sao sự trưởng thành về cảm xúc lại quan trọng?

Một người trưởng thành về cảm xúc sẽ tìm thấy sự an bình trong tâm hồn, đồng thời họ sống có trách nhiệm với chính mình và những người xung quanh.

Khi một người sống có trách nhiệm với bản thân, họ không bỏ mặc hay ngược đãi chính mình. Họ trở nên quan tâm đến mình nhiều hơn, và dần thấu hiểu bản thân hơn. Từ việc hiểu mình, họ xây dựng được sự cảm thông chân thành với người khác.

Nhờ tự biết mình, người đó trở nên ít bị ảnh hưởng bởi bên ngoài. Họ làm chủ được các cảm xúc của mình, rồi dần dần hóa giải được các cảm xúc khó khăn và tự hòa giải được với những mâu thuẫn bên trong mình, cũng như với những người khác. Cuộc sống của họ trở nên đồng điệu với thực tại và một cách tự nhiên, họ lan tỏa cảm giác an ổn ra môi trường xung quanh.

֍ An nhiên, tự tại chính là sự trưởng thành về cảm xúc, trưởng thành về nhận thức và trưởng thành trong tâm hồn ֍

Bạn có muốn được như vậy không?./.

Trạm Yên, 27.05.2021

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments