người ta sẽ quên những gì bạn đã nói hay đã làm, nhưng sẽ không bao giờ quên các cảm xúc mà bạn đem lại cho họ.
Maya Angelou
Một mối quan hệ độc hại ‘trông’ như thế nào?
Mối quan hệ độc hại (tiếng Anh: toxic relationship) là mối quan hệ trong đó một hoặc nhiều thành viên cảm thấy không được hỗ trợ, bị (cố tình) hiểu lầm, bị bỏ mặc, bị hạ thấp hoặc bị tấn công tình cảm, tâm trí hoặc thể xác. Về cơ bản, bất kỳ mối quan hệ nào khiến người trong cuộc cảm thấy buồn nhiều hơn vui, thường xuyên ức chế hoặc chán nản, bị lệ thuộc về cảm xúc, thấy mình là kẻ tồi tệ, hoặc thấy mình không thể hiện được những điều tốt đẹp của bản thân v.v… đều có thể đang là, hoặc sẽ trở nên độc hại theo thời gian.
Mối quan hệ độc hại có thể tồn tại trong bất kỳ liên hệ nào, từ gia đình đến bạn bè, từ đồng nghiệp cho tới các cặp đôi đang yêu. Nó có thể hiện diện ở nhiều bối cảnh khác nhau, từ chốn riêng tư đến nơi công cộng, từ nhà bếp tới phòng ngủ.
Một mối quan hệ là độc hại khi sức khỏe tâm lý, thể chất và cả tinh thần của một trong hai người bị đe dọa theo một cách nào đó.
Nên lưu ý rằng bất kỳ ai, trong một thời điểm hay giai đoạn của cuộc đời, đều có thể gặp, trải qua một mối quan hệ độc hại, trong đó mỗi người có thể là nạn nhân, là đồng phạm hoặc đáng sợ hơn, chính là thủ phạm.
Dấu hiệu của mối quan hệ độc hại là gì?
Người trong cuộc là người duy nhất biết được điều mà họ gặp trong mối quan hệ hiện tại của họ thực sự ra sao. Những dấu hiệu cho thấy một mối quan hệ độc hại có thể rất rõ ràng, ví dụ như ai đó thường xuyên đe dọa tinh thần, cảm xúc của người kia bằng những gì họ nói (hoặc đôi khi là không nói), làm hoặc không làm. Tuy nhiên, có những dấu hiệu gián tiếp, tinh vi hơn. Một trong hai người có thể cảm thấy:
- lòng tự trọng của mình bị ảnh hưởng, hoặc giảm đi theo thời gian;
- không được tôn trọng hoặc nhu cầu chính đáng của bạn không được đáp ứng;
- không được hỗ trợ, bị hiểu lầm, bị hạ thấp hoặc bị tấn công;
- chán nản, tức giận hoặc mệt mỏi sau khi nói chuyện hoặc ở bên người kia;
- bản thân thật tồi tệ;
- sợ (hãi) và luôn trong trạng thái tránh né, đề phòng;
- bị phụ thuộc về mặt cảm xúc, phải nỗ lực, cố gắng làm người kia vui bằng nhiều cách, kể cả tốn thời gian và công sức;
- luôn cho đi nhiều hơn những gì nhận lại, cảm thấy thiệt thòi, mất giá trị, kiệt sức;
- luôn là người có lỗi, đáng trách, kể cả khi điều đó là hoàn toàn phi lý;
- nhận thấy một trong hai bên xuất hiện tâm lý ‘nạn nhân’;
- thất vọng, vô vọng thậm chí tuyệt vọng về khả năng giữ mối quan hệ vui vẻ giữa hai bên.
Thế nào là hành vi độc hại?
Qua quan sát, chúng ta có thể nhận biết về các hành vi độc hại cả từ phía chính mình và từ người khác. Nhận diện các hành vi này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về bản thân cũng như về mối quan hệ mà ta đang có. Thử tham khảo các hành vi dưới đây:
- thiếu tôn trọng;
- không quan tâm, bỏ mặc;
- coi thường, lấn lướt;
- không tin tưởng;
- ghen tuông;
- không công nhận giá trị;
- ghen tỵ, đố kỵ;
- tự cho mình là trung tâm;
- ích kỷ;
- chỉ trích, phê phán không dựa trên tinh thần xây dựng;
- gây khó khăn, phiền hà, rắc rối;
- mắng nhiếc, chửi bới;
- đòi hỏi không hợp lý;
- muốn điều khiển, kiểm soát, thao túng người khác.
Các kiểu quan hệ độc hại
Như đã nói ở trên, các mối quan hệ độc hại không chỉ giới hạn trong các quan hệ tình cảm lãng mạn. Chúng có thể tồn tại trong gia đình, tại nơi làm việc hoặc giữa những người bạn. Chúng có thể trở nên cực kỳ căng thẳng hoặc để lại các hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đặc biệt khi không được xử lý hiệu quả.
Thông thường, các mối quan hệ trở nên độc hại là do cả hai bên, theo nhiều cách khác nhau. Tuy vậy, ở một số trường hợp, một số người chỉ đơn giản là mang tính độc hại và vì vậy khi ở bên cạnh họ, người khác ngay lập tức bị ảnh hưởng. Ở những trường hợp khác, việc không sớm nhận ra và xử lý triệt để các hành vi không lành mạnh, khiến mối quan hệ dần trở nên độc hại mà các bên không nhận ra cho đến khi nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc gây hệ quả lâu dài không mong muốn.
Đôi khi chúng ta cư xử theo cảm xúc của bản thân và hoàn toàn không nhận thức được ảnh hưởng của các cư xử đó đối với người khác. Cũng có thể chúng ta không nhậy cảm để nhận ra các tín hiệu giao tiếp xã hội để biết khi nào mối quan hệ đang dần trở nên độc hại. Và hậu quả của một mối quan hệ không lành mạnh còn lớn hơn những gì chúng ta có thể đã hình dung. Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra mối quan hệ giữa các quan hệ độc hại đến bệnh ở hệ tim mạch, tiêu hóa, tâm lý, thậm chí tâm thần; và cả các hành vi như uống rượu hoặc ăn uống theo cảm xúc. Ở mức độ tệ nhất, nó còn liên hệ tới tính mạng của người trong cuộc.
Nếu bạn nhận ra những dấu hiệu nhất định cho thấy bạn đang có những hành vi không lành mạnh, hoặc mối quan hệ bạn có là độc hại, bạn nên xem xét lại bản thân và đánh giá lại mối quan hệ hiện tại, càng sớm càng tốt.
Hành vi từ các cá nhân rối loạn nhân cách: ái kỷ hoặc chống đối xã hội
Phần này giới thiệu sơ lược về một số tính cách đặc biệt, hàm chứa các hành vi không lành mạnh xuất phát từ các rối loạn bên trong họ. Như đã nói ở trên, có một số người, đặc biệt là những người bị rối loạn nhân cách có xu hướng gây khó chịu cho những người xung quanh một cách ‘tự nhiên’. Trong xã hội tồn tại rất nhiều thể rối loạn nhân cách khác nhau như RLNC ám ảnh, né tránh, phụ thuộc, hoang tưởng, v.v đều gây ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi và cách tương tác của người đó với thế giới xung quanh.
Tuy nhiên rõ nhất và khó đáp ứng nhất là ở những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ (tiếng Anh: narcissists) và những người rối loạn nhân cách chống đối xã hội (tiếng Anh: sociopath). Những người này thường thích thu hút sự chú ý, sự quan tâm và sự ngưỡng mộ của người khác. Những người ái kỷ luôn có nhu cầu khiến mọi người xung quanh cảm thấy “thấp kém”. Họ có thể móc máy, xúc xiểm, cố ý hạ thấp người khác theo những cách thiếu tế nhị hoặc thậm chí buông những lời xúc phạm cho ai đó đơn giản là đang chia sẻ một thành tích đáng tự hào.
Những người bị rối loạn nhân cách ái kỷ luôn cho mình là ‘biết tuốt’, ‘giỏi nhất’ vì vậy họ rất khó thừa nhận lỗi lầm. Một là bởi họ thực sự tin rằng họ không bao giờ sai. Hai là, việc ‘nhận lỗi’ khiến bản thân họ kém hoàn hảo. Với sự ái kỷ, mất mặt đồng nghĩa với tự sát.
Còn người có rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường đổ lỗi cho người khác là ngu xuẩn hay vô dụng, đồng thời thờ ơ với những ảnh hưởng có hại thậm chí mang tính bóc lột, hành hạ của họ đối với người khác, vì vậy họ hầu như không có cảm xúc hối hận hay đồng cảm. Họ thường kiêu ngạo và ngoan cố trong khi không quan tâm đến hậu quả và thường hành xử kiểu bốc đồng, bất cần.
Không phải lúc nào những người bị các rối loạn nhân cách cũng tự nhận thức được những gì họ đang làm. Vì vậy, nếu hành vi của ai đó thường khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân, bạn sẽ cần phải quan sát và tìm hiểu bản chất thực sự của vấn đề. Trong hầu hết các trường hợp, những người rối loạn nhân cách cần có sự trợ giúp chuyên môn. Nếu họ sẽ thường xuyên hay sẽ tiếp tục xuất hiện trong cuộc sống của bạn, thì việc giữ khoảng cách với họ, hoặc ít nhất là chấp nhận rằng bạn cần phải đề phòng những gì họ làm, có thể sẽ giúp bạn tránh được rắc rối không đáng có.
Bạn không thể thay đổi họ, nhưng một số cách đơn giản sau có thể sẽ giúp bạn giảm căng thẳng khi đối mặt với các hành vi không lành mạnh mãn tính, ở những đối tượng bạn không thể dễ dàng tránh xa, như gia đình, người thân, hay bạn bè:
- nhắc nhở bản thân rằng bạn không thể và không có trách nhiệm phải thay đổi họ;
- hiểu rằng việc tranh luận đúng sai, hay đối đầu với họ có thể chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn mà không giải quyết được gì;
- nhắc nhở bản thân rằng, bạn hay các việc bạn làm không phải là lý do dẫn đến các hành vi của họ;
- tạo khoảng cách với họ khi có thể;
- giảm thời gian tương tác không cần thiết;
- chấp nhận rằng người đó là như vậy và không trông đợi bất cứ hành vi ‘thông thường’ nào từ họ;
- dũng cảm đề cập, khuyến khích họ tìm hỗ trợ chuyên môn.
Nếu bản thân bạn có các hành vi thiếu lành mạnh?
Ai cũng có những ngày vô cùng khó chịu và căng thẳng, vì vậy ai cũng có lúc cư xử không hợp lý. Nhưng nếu điều đó trở nên thường xuyên, thì bạn cần xem lại mình. Cho đến khi chính bạn nắm quyền quyết định, bạn muốn mình là ai? bạn muốn người khác tôn trọng bạn đến mức nào? bạn muốn mối quan hệ bạn đang có mang màu sắc gì? đem lại cảm xúc gì? v.v… và hành xử theo các mong muốn đó của bản thân, bạn sẽ không thể tìm được, hoặc xây dựng được một mối quan hệ lành mạnh, ở đó hai bên tôn trọng, yêu thương và tin tưởng lẫn nhau.
Bất cứ mối quan hệ nào cũng cần hai phía. Và mỗi người luôn là một trong số đó.
Luôn quan sát chính mình trước, để tìm ra nguồn gốc sự độc hại. Chỉ có cách đó, mới giúp chúng ta luôn là phần lành mạnh, dù trong bất cứ mối quan hệ nào./.
(Trạm Yên tổng hợp, phân tích)
♥ Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ tinh thần, đừng ngại liên hệ với coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới ♥ (Sử dụng mã liên hệ ‘CQH’ để nhận khai vấn miễn phí)