Tích cực độc hại là kiểu niềm tin rằng dù cho hoàn cảnh có khó khăn hay bi đát đến đâu thì con người vẫn nên suy nghĩ tích cực.  Đó là cách tiếp cận ‘chỉ có những rung cảm tốt” với cuộc sống. Và trong khi lạc quan và suy nghĩ tích cực đúng là có lợi ích, thì tích cực độc hại, thay vào đó, lại phủ nhận những cảm xúc khó chịu để giữ một vẻ ngoài vui tươi, mà thường là giả tạo.

Chúng ta đều biết rằng có một cái nhìn tích cực trong cuộc sống sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần. Nhưng vấn đề là ở chỗ, cuộc sống không phải luôn thuận lợi. Ai cũng có lúc phải đối diện với những cảm xúc và trải nhiệm đau đớn. Và những cảm xúc đó, dù thường khó chịu và khó giải quyết, nhưng rất quan trọng và cần được cảm nhận và được xử lý một cách cởi mở và trung thực. Tích cực độc hại đưa suy nghĩ tích cực đến mức cực đoan tổng quát hóa. Thái độ này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lạc quan mà còn giảm thiểu và phủ nhận bất kỳ dấu vết cảm xúc nào không hoàn toàn hạnh phúc hay tích cực của con người.

Những dạng tích cực độc hại

ảnh minh họa: internet

Tích cực độc hại có thể ở nhiều dạng khác nhau. Vài ví dụ mà bạn có thể đã gặp trong cuộc sống của chính mình như:

  • Khi có điều tồi tệ gì đó xảy ra, chẳng hạn như mất việc, mọi người bảo bạn “lạc quan lên” hoặc “hãy nhìn vào khía cạnh tươi sáng của vấn đề”. Mặc dù những lời như vậy thường để bày tỏ sự cảm thông, nhưng chúng cũng có thể dập tắt bất cứ điều gì bạn có lẽ sẽ muốn nói về cảm nhận của mình với sự việc đang diễn ra.
  • Sau mất mát nào đó, mọi người nói với bạn rằng “mọi thứ xảy ra đều có lý do”. Mặc dù mọi người nói như vậy với niềm tin rằng họ đang an ủi bạn, nhưng đó cũng là một cách lảng tránh nỗi đau của người khác.
  • Khi bạn tỏ ra thất vọng hay buồn bã, ai đó nói “hạnh phúc là một sự lựa chọn”. Điều này gợi ý rằng nếu bạn đang cảm thấy tiêu cực, thì đó là do bạn tự lựa chọn và lỗi là ở bạn vì đã không “chọn” để vui.

Những kiểu nói như vậy thường là với ý tốt, nhưng lại chẳng ích gì.  Tốt nhất đi nữa, thì chúng cũng chỉ như những lời sáo rỗng nhỏ nhặt giúp người nói đứng ngoài tình trạng khó khăn của người kia và không phải đối mặt với cảm xúc của họ. Còn tệ nhất, thì những câu nói này cuối cùng lại đổ lỗi cho người đang phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó khăn và làm cho họ cảm xấu hổ. 

Vậy tại sao ‘tích cực’ lại có thể ‘độc hại’?

Tích cực độc hại từ chối mọi người sự hỗ trợ thực sự mà họ cần để vượt qua những khó khăn họ đang gặp phải. Ngoài ra, nó thực sự có thể làm tổn thương những người đang gặp khó khăn. Thay vì có thể chia sẻ những cảm xúc thực và nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện, người ta lại thấy cảm xúc của mình bị gạt bỏ, bị phớt lờ hoặc hoàn toàn không có giá trị.

  • Chúng thường gây cảm giác xấu hổ: Khi một người đang đau khổ, họ cần được biết rằng cảm xúc của họ là chính đáng, tuy vậy họ có thể tìm sự giải tỏa và cảm giác yêu thương ở bạn bè và gia đình mình. Nhưng kiểu tích cực độc hại lại nói rằng những cảm xúc họ đang có là sai
  • Chúng gây cảm giác tội lỗi: Nó gửi một thông điệp rằng nếu bạn không tìm ra cách để cảm thấy tích cực, ngay cả khi đối mặt với bi kịch, thì bạn đang làm gì đó sai.
  • Chúng né tránh những cảm xúc thực sự: Tích cực độc hại hoạt động như một cơ chế tránh né. Kiểu hành vi này cho phép người ta tránh những tình huống cảm xúc khiến họ không thoải mái. Nhưng đôi khi chính chúng ta lại dùng những ý tưởng đó với bản thân, nuôi dưỡng bên trong mình những ý tưởng độc hại này. Khi có những cảm xúc khó chịu, chúng ta không xem xét đến, loại bỏ và phủ nhận chúng.)
  • Chúng cản trở sự trưởng thành: Tích cực độc hại cho phép người ta né tránh các cảm giác có thể gây đau đớn, nhưng nó cũng phủ nhận khả năng đối mặt của chúng ta với những cảm giác thách thức mà cuối cùng có thể dẫn đến sự trưởng thành và hiểu biết sâu sắc hơn.

Câu thần chú “chỉ nên tích cực” đã thành đặc biệt khó nghe đối với nhiều người do đại dịch toàn cầu COVID-1, thời kỳ mà người ta phải đối mặt với bệnh tật, hạn chế đi lại, bị quản chế, hoạt động kinh doanh bị đóng cửa, phải làm việc tại nhà, những thách thức khi học trực tuyến, mất việc và những khó khăn tài chính. Người ta phải đối mặt không chỉ với những gián đoạn lớn trong cuộc sống, mà còn với áp lực duy trì hiệu suất và sự tích cực trong một thời gian khó khăn và những nỗi đau ở nhiều cấp độ. Có thể duy trì tinh thần lạc quan khi đối mặt với những trải nghiệm và thử thách khó khăn. Nhưng những người đang trải qua chấn thương tâm lý không cần phải được bảo rằng hãy luôn lạc quan hoặc cảm thấy rằng họ đang bị đánh giá vì không duy trì một triển vọng tốt đẹp.

Các dấu hiệu nhận biết

Tích cực độc hại có thể thường tinh vi. Bằng cách học cách nhận biết các dấu hiệu, bạn có thể xác định rõ hơn loại hành vi này.

Ví dụ về cách cư xử như:

ảnh minh họa: internet
  • Gạt bỏ thay vì đối mặt với các vấn đề.
  • Cảm thấy tội lỗi vì buồn, tức giận hoặc thất vọng
  • Giấu cảm xúc thật đằng sau những câu trích dẫn kiểu ‘cảm giác tốt’ vốn có vẻ được xã hội chấp nhận hơn.
  • Che giấu hoặc ngụy trang cảm xúc thực sự.
  • Hạn chế cảm xúc của người khác vì chúng làm bạn khó chịu.
  • Trách móc người khác khi họ không có thái độ tích cực
  • Cố gắng tỏ ra khắc kỷ hay cố gắng “vượt qua” những cảm xúc đau đớn

Ví dụ về các phát biểu độc hại

  • Hãy luôn tích cực
  • Chỉ có những rung cảm tốt
  • Sự việc có thể tệ hơn
  • Mọi chuyện xẩy ra đều có lý do
  • Thất bại không phải là một lựa chọn
  • Hạnh phúc là một lựa chọn
ảnh minh họa: internet

Ví dụ về các cách biểu lộ thật sự tích cực

  • Tôi sẵn sàng lắng nghe bạn.
  • Kiểu gì thì tôi vẫn ở đây, cho tôi biết nếu bạn cần.
  • Chuyện đó chắc hẳn là khó khăn!
  • Ai cũng có lúc gặp chuyện tồi tệ, tôi giúp được gì không?
  • Thất bại là một phần của cuộc sống mà!
  • Thật tệ! Bạn cảm thấy thế là phải thôi.

Tránh kiểu tích cực độc hại như thế nào?

Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi sự tích cực độc hại — hoặc nếu bạn nhận ra kiểu hành vi này ở bản thân — thì có những cách bạn có thể làm để mở ra một phương pháp tiếp cận lành mạnh, mang tính hỗ trợ hơn. Một số ý tưởng bao gồm:

  • Kiểm soát các cảm xúc tiêu cực, nhưng không phủ nhận chúng. Cảm xúc tiêu cực có thể gây căng thẳng khi không được chế ngự, nhưng chúng cũng có thể cho bạn những thông tin quan trọng có thể dẫn đến những thay đổi có lợi cho cuộc sống.
  • Hãy thực tế về những cảm xúc bạn nên có. Khi đối mặt với một tình huống căng thẳng, bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi là điều bình thường. Đừng mong đợi quá nhiều từ bản thân. Tập trung vào việc tự chăm sóc bản thân và thực hiện các bước có thể giúp cải thiện tình hình.
  • Nhiều cảm xúc cùng lúc là hiểu được. Nếu bạn đang đối mặt với thử thách, bạn có thể cảm thấy lo lắng về tương lai nhưng cũng đầy hy vọng rằng bạn sẽ thành công. Cảm xúc của bạn phức tạp như chính tình huống đang xảy ra vậy.
  • Tập trung vào việc lắng nghe và thể hiện sự ủng hộ. Khi ai đó biểu lộ cảm xúc khó khăn, đừng chặn họ bằng những câu sáo ngữ độc hại. Thay vào đó, hãy cho họ biết rằng các cảm xúc của họ là bình thường và bạn ở đó để lắng nghe.)
  • Để ý đến cảm xúc của bản thân. Theo dõi các tài khoản mạng xã hội “tích cực” đôi khi có thể đóng vai trò là nguồn cảm hứng nhưng hãy chú ý đến cảm giác của bạn sau khi xem và tương tác với kiểu nội dung như thế. Nếu thấy xấu hổ hoặc tội lỗi sau khi xem các bài đăng “nâng cao tinh thần”, đó có thể là do sự tích cực độc hại. Trong những trường hợp như vậy, hãy cân nhắc hạn chế lướt mạng xã hội.

Cho phép mình cảm nhận các cảm giác của bản thân. Thay vì cố gắng trốn tránh những cảm xúc khó khăn, hãy tự cho phép mình cảm nhận chúng. Những cảm giác này là có thực, chính đáng và quan trọng. Chúng có thể cung cấp thông tin và giúp bạn nhìn nhận mọi thứ về tình huống mà bạn cần thay đổi. Điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn nên làm theo mọi cảm xúc của mình. Đôi khi điều quan trọng là phải dành thời gian cho chúng, đồng thời cho bản thân thời gian và không gian để phân tích, mổ xẻ tình huống trước khi hành động.

Thế nên, khi bạn đang phải trải qua khó khăn, hãy nghĩ đến những cách để truyền tải cảm xúc của bạn một cách hiệu quả. Viết nhật ký. Nói chuyện với bạn bè. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần đưa cảm xúc thành lời đã có thể giúp giảm cường độ của những cảm giác tiêu cực đó.

Đôi lời kết

Tích cực độc hại có thể khó nhận biết do các biểu hiện rất tinh vi. Và thực tế là: chúng ta đều từng như thế. Tuy nhiên, bằng việc học cách nhận biết chúng, bằng cách bắt đầu lưu ý đến những câu nói độc hại và cố gắng để bản thân cũng như những người khác được cảm nhận cảm xúc của mình, cả tích cực và tiêu cực chúng ta có thể tự giải phóng mình khỏi hành vi này và giúp mọi người (cũng như được mọi người giúp) một cách thật sự khi gặp chuyện khó khăn./.

(nguồn: Trạm Yên phỏng dịch theo trang Verywell)

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments