Tỏi gấu làm sạch toàn bộ cơ thể, loại bỏ các chất thải cứng đầu, độc hại và tạo ra dòng máu khỏe mạnh. Những người thường xuyên ốm yếu, có vẻ ngoài nhợt nhạt hay những người mắc bệnh mụn rộp, bệnh chàm và bệnh thấp khớp, nên tôn sùng tỏi gấu như vàng. Không có loại thảo mộc nào trên trái đất này có hiệu quả trong việc làm sạch dạ dày, ruột và máu được như vậy. Thanh niên sẽ nở rộ như hoa hồng trên giàn và đâm chồi như hoa linh sam dưới ánh mặt trời, nếu biết dùng tỏi gấu.

Nhà thảo dược người Thụy Sĩ, Abbé Kuenzle.
Tỏi gấu: hoa, lá, củ và hạt. Nguồn wiki.

Mỗi mùa Xuân đều mang đến những hy vọng mới và sự ấm áp. Cả con người và thiên nhiên dường như đều cảm thấy vui mừng khi những dấu hiệu đầu tiên của màu xanh lá cây trở lại. Những chú chim đua nhau hót và tận đáy lòng ta cảm nhận rằng tất cả những điều này là món quà từ Đấng Tạo Hóa. Vào mùa Xuân, việc thanh lọc hệ thống cơ thể và loại bỏ những chất cặn bã, chuẩn bị cho một năm khỏe mạnh là điều rất đáng làm.

Tỏi gấu là loài cây chủ yếu mọc hoang dã

Có tên khoa học: Allium Ursinum, tỏi gấu bắt đầu nhú lên từ cuối tháng 2 và dần trở thành những chiếc lá dài màu xanh lá cây nhạt, sáng bóng rất giống với những chiếc lá của Lily (một loài hoa độc cũng mọc vào mùa xuân). Chúng phát triển từ một củ thon dài, được bao quanh bởi các lớp vỏ bên trong. Thân nhẵn và có màu xanh rất nhạt, đầu hoa màu trắng, cao tới 30 cm. Tỏi gấu chỉ mọc ở những khu rừng râm mát và ẩm ướt, đặc biệt nhiều ở châu Âu, bắc Á và Mỹ.

Vị của lá hơi ngọt không quá nhiều nước (hơi giống hành lá của ta), phần cuống lá giòn. Toàn bộ cây từ lá đến hoa đều thoang thoảng mùi tỏi. Nên thu hoạch trước khi ra hoa. Lá của loài cây này ngon và tốt nhất khi ăn sống vì khi nấu sẽ dai và giảm dược tính. Nếu chỉ để thỏa mãn vấn đề ngon miệng thì có thể xào nhanh trên lửa to hoặc nướng qua trong lò – sẽ đem đến hương vị vô cùng đặc biệt và khó quên, ăn nhiều có thể ghiền!

Tỏi gấu thực sự rất ngon, nhưng không chỉ vậy! Loài tỏi hoang này còn có tính dược liệu cao do giàu vitamin C, B và khoáng chất như ma giê, măng gan, đồng v.v và đặc biệt là giàu allicin, chất chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn, chống hen suyễn, điều hòa miễn dịch, hạ huyết áp và hạ mỡ máu.

Các tác dụng đã được biết đến của tỏi gấu bao gồm:

ảnh lá tỏi gấu có màu xanh nhạt và tươi sáng; internet
  • loại bỏ chất cặn bã và thanh lọc cơ thể;
  • làm lành các bệnh ngoài da mãn tính;
  • làm giảm sự hình thành mảng bám trong tĩnh mạch. Vì vậy nó có tác dụng chống xơ vữa động mạch;
  • ức chế sự vón cục quá mức của các tiểu cầu. Vì vậy nó có tác dụng chống huyết khối;
  • có tác dụng giảm nhẹ cholesterol, hạ huyết áp và giãn mạch – có thể thấy tỏi rừng tương đương với người anh em của nó là tỏi ta trong lĩnh vực này. (Giống như tỏi, do đó, đừng dùng một lượng lớn cùng với thuốc làm loãng máu hoặc các loại thuốc khác! Chỉ dùng như gia vị.);
  • có thể đem lại tác dụng kỳ diệu đối với tiêu hóa của chúng ta: nó có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm và giảm tiết dịch. Nó khử trùng dạ dày và ruột và giúp giảm đầy hơi;
  • hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa, giảm cả chứng táo bón lẫn chứng tào tháo đuổi;
  • giải độc gan, thúc đẩy sản xuất và bài tiết mật và do đó hỗ trợ quá trình thanh lọc máu;
  • có các tính chất tẩy trừ giun sán và kháng trùng;
  • được khuyến cáo sử dụng trong điều trị bệnh scobut (thiếu vitamine C);
  • rượu thuốc từ tỏi gấu có tác dụng tăng cường trí nhớ;
  • các hợp chất allyl trong tỏi rừng cũng thúc đẩy sản xuất insulin, do đó tỏi rừng cũng có tác dụng hạ đường huyết.

Dù định chế biến món gì, hãy làm khi lá tỏi còn tươi. Không phơi khô bởi nó mất phần lớn dược tính. Thành phần cung cấp các tác dụng có lợi, xét cho cùng, là allicin, một hợp chất lưu huỳnh, sẽ bị mất phần lớn khi làm khô.

ảnh: món bơ trộn tỏi gấu; internet

Các món ăn, vị thuốc gợi ý cho tỏi gấu:

  • trộn salad;
  • làm pesto (món sốt từ tỏi gấu với dầu oliu, hạt thông và phô mai) để trộn mỳ Ý;
  • dùng như gia vị tỏi/hành cho các món ăn hàng ngày như cho vào các món canh/soup, làm nhân há cảo, rắc lên xào v.v…;
  • ngâm dấm (thái nhỏ rồi ngâm với dấm trong 1 tháng; chắt bỏ lá và dùng dấm trong các món ăn);
  • làm bơ tỏi gấu (thái nhuyễn tỏi gấu rồi trộn đều với bơ đã để ở nhiệt độ phòng cho mềm. Sau khi trộn có thể cho lại vào tủ lạnh dùng với bánh mỳ v.v…);
  • ủ với rượu vang đỏ (trong 14 ngày), uống mỗi lần 1 ly nhỏ trong bữa ăn;
  • làm thuốc (ngâm rượu vodka trong 1 tháng, để gần lò sưởi hoặc lò nướng, lắc đều mỗi ngày). Dùng như rượu thuốc;
  • ngâm dầu (có thể dùng dầu oliu hay loại dầu ưng ý; ngâm trong 1 tháng, ở nhiệt độ phòng, sau đó chắt bỏ lá và dùng dầu trong các món ăn);
  • dùng như trà (hãm với nước sôi trong 3-5 phút);.

Các lưu ý khi thu hoạch tỏi gấu:

ảnh: phân biệt tỏi gấu và hoa lily, internet.

Lá tỏi gấu trông khá giống lá cây hoa độc Lily, vì vậy khi thu hoạch cần hết sức thận trọng.

  • thứ nhất, lá tỏi gấu luôn có mùi tỏi nhẹ;
  • thứ hai, lá tỏi gấu mỏng và dai hơn lá của cây Lily. Quan sát sẽ thấy lá tỏi gấu thường cong ngả hẳn xuống trong khi lá cây hoa Lily cứng và đứng thẳng.
  • thứ ba, tỏi gấu có lá màu xanh nhạt hơn và xanh sáng hơn lá cây hoa Lily;
  • thứ tư, quan trọng nhất, nếu không chắc chắn đó là cây tỏi gấu thì KHÔNG NÊN LẤY. Chỉ lấy khi thực sự chắc chắn.

Một số lưu ý khác:

  • mỗi cây chỉ nên lấy 1 đến 2 lá, luôn để lại ít nhất 1 lá cho cây tiếp tục sinh trưởng;
  • chỉ ngắt lá, không nhổ cả cây;
  • khi cây đang ra hoa, không hoặc chỉ ngắt 1-2 bông, do hoa tỏi gấu là thức ăn cho nhiều loài khác như ong, bướm, bọ v.v…;
  • thu hoạch vừa đủ dùng.

Hy vọng bài viết đã cung cấp một số thông tin hữu ích về loài cây tỏi gấu – một vị thuốc ngon lành mà thiên nhiên ban tặng. Đang vào mùa, hãy cùng nhau thu hoạch và thưởng thức nhé!

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments