thực phẩm đắng rất bổ dưỡng và chứa nhiều loại hóa chất có nguồn gốc thực vật có lợi ích đáng kể cho sức khỏe … một số lợi ích này bao gồm khả năng làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh như ung thư, bệnh tim và tiểu đường đồng thời tăng sức khỏe đường ruột, mắt và gan …
tạp chí Sức Khỏe Healthline.
Tính chất của vị đắng
Các vị từ âm tính sang dương tính: cay ➯ chua ➯ ngọt ➯ mặn ➯ đắng ➯ chát.
Cực dương là vị chát (có trong các loại quả như sung, ổi, vỏ quá trám, chuối xanh … ), sau đó là vị đắng. Một đặc điểm chung của tất cả các loại kháng sinh cả từ thảo dược lẫn thuốc tây là đắng và rất đắng (ví dụ: kháng sinh Tê-ta-xi-lin; vị thuốc Đại hoàng). Như vậy các chất kháng viêm mang vị (cực) đắng là một dạng tinh chất của loại vị mang tính dương. Vị đắng trong thảo dược được gọi là kháng sinh tự nhiên bởi chúng có tính kháng viêm rất mạnh, ví dụ nổi bật nhất là Xuyên tâm liên, một vị thuốc đắng rất hay gặp trong tổ hợp trị cảm cúm, hoặc dùng tắm chữa thủy đậu, viêm da; hay thuốc Berberin chữa đau bụng đi ngoài gồm các thành phần thảo dược có tính kháng viêm mạnh và rất đắng như Hoàng bá, Hoàng liên v.v… Vị đắng của các loại thảo dược trên là vị dương có tính co rút mạnh. Một vết lở loét hay sự viêm nhiễm mang tính âm (sưng, mủ, loét, phù nề, chảy nước, tháo dạ v.v) khi gặp vị đắng dương sẽ co lại, vết viêm sẽ lành nhanh chóng. Như vậy có thể thấy, những thảo dược mang tính đắng dương thường được dùng để đối trị với các chứng viêm nhiệt mang tính âm.
Khi dùng các loại thuốc thảo dược có tính đắng dương sẽ thấy mọi thứ ‘dương hóa’, ví dụ: lỗ chân lông nhỏ lại, da khô hơn (giảm nhờn), vết viêm loét se miệng, đồng thời đại tiện cứng, nước tiểu vàng v.v …
Công dụng của vị đắng với cơ thể
- Giúp hấp thu nhiều chất dinh dưỡng hơn bằng cách kích thích cơ thể sản xuất các enzyme, kích thích tiết mật để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa. Nếu lượng mật tiết ra quá ít, các cơn ợ nóng sẽ xuất hiện kèm theo chứng khó tiêu, khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc loại thải chất độc.
- Hỗ trợ sự thèm ăn tự nhiên: bên cạnh công dụng loại thải độc tố và hỗ trợ tiêu hóa, thực phẩm đắng còn có khả năng cải tạo các nụ vị giác (hạt nhỏ lấm tấm trên lưỡi) nếu như chúng được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Bên cạnh đó, bằng sự kích thích vị giác của lưỡi, nó gây tác động đến các dây thần kinh vị giác, tăng sự tiết nước bọt, đồng thời cũng gây ra sự tiết dịch dạ dày và đường mật. Tất cả những hiệu ứng này được kết hợp giúp cải thiện sự ngon miệng và tăng cường tiêu hóa, từ đó nâng cao thể lực và cải thiện khả năng miễn dịch.
- Tốt cho tim và não do các thực phẩm/dược thảo đắng có thể làm cho con người cảm thấy tỉnh táo và thoải mái vì nó có thể giúp cơ thể thư giãn, tinh thần phấn chấn và giúp khôi phục lại năng lượng. Ngoài ra theo y học cổ truyền, vị đắng có thể giảm đi sự căng thẳng về trí não, giúp cho tinh thần minh mẫn, các chức năng não tốt hơn .
- Giải phóng nhiệt và thải các độc tố trong cơ thể: các thảo dược (và thực phẩm) có vị đắng thường chứa chất sulfur, một khoáng chất vi lượng có tác dụng hỗ trợ hoạt động của gan trong việc khử độc. Đây cũng là chất khử trùng tự nhiên. Ngoài ra, thực phẩm đắng đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các cảm giác buồn chán, khó chịu, mệt mỏi … do nhiệt nóng trong cơ thể (đặc biệt ở nữ giới với chứng can uất). Giải phóng nhiệt độ cơ thể và thư giãn ruột không chỉ làm giảm cơn sốt, mà còn có thể kích thích đẩy các chất độc bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường đại, tiểu tiện. Một ví dụ tốt là bài thuốc cổ phương ‘Hoàng Liên giải độc thang’ để thanh nhiệt, tiêu độc có các vị thuốc rất đắng như Hoàng Liên, Hoàng Cầm, Hoàng Bá, Chi Tử, Bồ bồ v.v…
- Thúc đẩy chức năng tạo máu: thực phẩm và thảo dược đắng có thể duy trì các điều kiện bình thường và cân bằng của các vi khuẩn trong đường ruột. Chức năng này ức chế các vi khuẩn có hại và giúp vi khuẩn có lợi có thể giúp cải thiện chức năng của đường ruột, đặc biệt là chức năng tạo máu của đường ruột và tủy xương để cải thiện tình trạng thiếu máu.
Các loại thực phẩm, đồ uống có vị đắng phổ biến
- Rau: củ ngưu bàng, ngải cứu, họ cải (như cải sen, cải xoăn …), mướp đắng, xuyến chi, rau má, atiso, diếp xoắn (cải ô rô), diếp, lá bồ công anh non, trái ô liu, lá cỏ thi non, arugula (rau thơm rocket), bạch quả (ngân hạnh – ginkgo biloba), rau đắng, biển súc (rau đắng đất) …
- Quả: bưởi, trấp (chỉ xác/chỉ thực), nam việt quất, vỏ/hạt và múi chanh (đã vắt nước chua) …
- Đồ uống: tim sen, hoa kim ngân, hoa bia, cỏ thi (hoa/lá/thân), bột cacao, cà phê, trà xanh, trà đắng, trà từ lá hoặc nụ vối, trà rễ bồ công anh, ngải cứu, cà phê từ rễ cây diếp xoắn, trần bì (vỏ quít khô), trà than gạo lứt, rau má khô, củ ngưu bàng khô hoặc tươi…
- Gia vị: gừng, húng quế, lá xương sông, cỏ xạ hương, lá hương thảo, nghệ, riềng, trần bì (vỏ quít khô), rau/hạt mùi, thìa là (cây và hạt), tiểu hồi, nhục đậu khấu, lá nguyệt quế, nhụy hoa nghệ tây (saffron), lá chanh …
- Ngoài ra, có thể tham khảo một số bài thuốc đắng từ thảo dược như Hoàng liên giải độc thang (thanh nhiệt, giải độc), Đương quy lục hoàng thang (thanh nhiệt, giảm mồ hôi), Rượu đắng Thụy Điển (điều hòa hoạt động của ngũ tạng) … để xem xét sử dụng khi cần thiết.
Tuy vị đắng rất quí, cần biết rằng phần nhiều các thực phẩm/thảo dược có vị đắng thường mang tính hàn như hoa kim ngân, tim sen, cỏ thi, ngưu bàng, rau má … và chỉ một vài loại mang tính ôn (mát) như trà xanh, atiso tới ấm như gừng, ngải cứu, trần bì, saffron, húng quế, lá xương sông … Ngoài ra, có 2 kiểu công dụng: một thì giúp xổ thải (như Phan tả diệp, rễ Đại hoàng, Chỉ xác/Chỉ thực) còn một lại làm co rút chữa tháo dạ như kiểu Hoàng bá, Hoàng liên. Mỗi người có cơ thể khác nhau, bệnh tật khác nhau, cũng như các thực phẩm và thảo dược tuy cùng có vị đắng nhưng công dụng không đồng, vì vậy khi sử dụng nên tìm hiểu và bắt đầu từ ít đến nhiều, thời gian dùng không quá dài (với một loại thức ăn/nước uống nhất định) đồng thời luôn theo dõi và cảm nhận sự thay đổi của cơ thể để giữ sự cân bằng. Bên cạnh đó, sự kết hợp, tương tác của thực phẩm cũng hết sức quan trọng, vì vậy việc thay đổi và làm đa dạng thực phẩm nên được lưu ý./.