Không khó để duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, thử áp dụng 10 điểm dưới đây vào thói quen hàng ngày và xem cơ thể thay đổi như thế nào.

1. Tăng cường nông sản theo mùa.

Nông sản theo mùa như cam quýt, bưởi, dứa, dưa chuột, xà lách, cà rốt, cà chua, củ cải và các loại rau lá xanh đậm như rau cải, rau ngót vv là nguồn cung cấp Vitamin C, vitamin A, và chất xơ tuyệt vời cũng như nguồn canxi, sắt và các chất dinh dưỡng khác – hãy tìm những cách sáng tạo để đưa chúng vào chế độ ăn uống của mình. Nên lưu ý rằng nông sản theo mùa sẽ dồi dào dưỡng chất hơn sản phẩm trái mùa.

2. Duy trì vận động.

Hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tuần hoàn. Mặc dù chưa có một nghiên cứu cụ thể nào đưa ra kết luận rõ ràng về tác động trực tiếp của việc tập thể dục đến việc duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, nhưng vận động thường xuyên là một phần quan trọng trong lối sống lành mạnh tổng thể. Không cần tập nặng hay quá sức, chỉ cần duy trì lối sống năng động là cơ thể của chúng ta đã được lợi ích rất nhiều!

3. Duy trì giấc ngủ chất lượng tốt và thời lượng đủ.

Khi thiếu ngủ, cơ thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Mặc dù nhu cầu ngủ khác nhau nhưng theo các nghiên cứu khoa học, trung bình người lớn cần 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Nếu cảm thấy lịch hoạt động thông thường dẫn đến việc thiếu ngủ, có thể thử đi ngủ sớm hơn từ 10 đến 15 phút mỗi đêm, tăng lên từng mỗi tuần hoặc hai tuần cho đến khi đạt được mục tiêu.

4. ‘Tận dụng’ cơ hội thăng bằng năng lượng ngay khi thức dậy.

Việc đầu tiên khi thức dậy thường có ảnh hưởng cả ngày, vậy nên thức dậy thế nào? Thay vì lao ngay vào ngày mới với những lo lắng về công việc trước mắt hay bị ngập lụt với thông tin từ bên ngoài, nên dành cho bản thân một chút thư giãn, có thể là cốc nước ấm với vài lát chanh, hoặc cốc trà thảo mộc, hay nước cam tươi cung cấp vitamin C đánh thức các vi khuẩn đường ruột sau giấc ngủ say, giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

5. Xử lý căng thẳng một cách thông minh.

Mặc dù khả năng dễ bị căng thẳng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và có thể khác nhau tùy theo từng người, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng mãn tính có ảnh hưởng rõ rệt đến hệ thống miễn dịch. Mối liên hệ giữa căng thẳng và sức khỏe miễn dịch vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu nhưng rõ ràng việc giảm căng thẳng mãn tính là một điều quan trọng cho sức khỏe tổng quát.

Thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, áp dụng các bài tập giúp nâng cao nhận thức về cơ thể như yoga, xoa bóp … thiền, đi dạo giữa thiên nhiên hay ngâm chân/tắm với muối và tinh dầu đều là các ý hay để giảm căng thẳng, giúp cả cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi.

6. Vitamin vui vẻ: ánh nắng mặt trời.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vitamin D giúp hỗ trợ sức khỏe và hệ thống miễn dịch của cơ thể, cải thiện tâm trạng, vì vậy hãy lưu ý cho thêm thức ăn (hoặc bổ sung ở dạng thuốc) giúp đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Vitamin D có trong cá béo (tốt nhất như cá mòi, cá thu, cá hồi …), lòng đỏ trứng cũng như trong một số loại thực phẩm có tăng cường vitamin D (sản phẩm từ sữa, sữa đậu nành vv). Cố gắng bổ sung một vài loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống hàng ngày để hỗ trợ duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.

7. Kẽm: khoáng chất quan trọng cho sức khỏe.

Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein; Kẽm giúp tổng hợp- bài tiết hormone tăng trưởng làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn. Có mặt trong các loại hạt (hướng dương, hạt bí, hạt điều …), hải sản (hào, cá mòi, tôm …), trứng và nấm Đông cô … việc bổ xung kẽm vào bữa ăn là không khó khăn. Tuy nhiên để hấp thụ kẽm dễ dàng, nên bổ xung các nhóm thực phẩm chứa vitamin A, B, C như rau xanh, quả mọng.

8. Nước: yếu tố không thể thiếu.

Uống đủ nước là một trong những việc tốt và dễ dàng nhất để giữ sức khỏe. Nó không chỉ làm cho làn da sáng lên mà còn tác động đến hệ thống miễn dịch của. Nói chung, mức độ thấp nhất là từ 750ml đến 1 lít nước mỗi ngày vào mùa lạnh. Vào mùa hè và nếu hoạt động nhiều cần tăng lượng nước. Theo dõi số lần đi tiểu và màu của nước tiểu giúp nhận biết lượng nước là đủ hay quá ít/quá nhiều.

9. Men tiêu hóa rất cần thiết cho hệ miễn dịch.

Men tiêu hóa tăng cường hệ vi sinh vật tự nhiên của cơ thể và có thể hỗ trợ phân hủy các thành phần không tiêu hóa trong chế độ ăn uống hàng ngày, để tạo ra các hợp chất có lợi có thể chuyển đổi thành năng lượng, cạnh tranh với vi khuẩn xấu và tương tác với các tế bào trong ruột. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục xem xét tìm thêm bằng chứng giữa mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật và sức khỏe miễn dịch. Để bổ sung hệ vi sinh vật sẵn có trong cơ thể, nên tiêu thụ thực phẩm có chứa men vi sinh thường xuyên. Men vi sinh có mặt trong thực phẩm tươi (rau, củ, quả) và thực phẩm lên men (như dưa, cà, tương đậu nành, miso, sữa chua, sữa kefir, kim chi và vi tảo) hoặc ở dạng thực phẩm bổ sung như Yakult là một ví dụ. Đọc thêm về lợi ích vô giá từ thực phẩm lên men tại đây.

10. Lắng nghe cơ thể và điều chỉnh kịp thời.

Cơ thể con người là một bộ máy hoàn hảo, thông minh và tinh vi nhất. Trong cuộc sống thường nhật chúng ta thường làm mọi việc theo thói quen. Khi một thói quen dẫn đến các hệ quả tiêu cực, cơ thể thường lập tức phát tín hiệu qua da (ngứa, thay màu, nổi mụn), qua hệ bài tiết (tháo dạ hay táo bón; đi tiểu rắt hay tiểu đêm …), qua tâm trạng (cáu bẳn, buồn chán, mệt mỏi) v.v để giúp chúng ta nhận ra, và tự điều chỉnh. Vì vậy, đừng bỏ lỡ những tín hiệu sớm, và thay đổi kịp thời trước khi bệnh tật hình thành!

Bạn đang làm gì để hỗ trợ hệ thống miễn dịch của mình? Hãy chia sẻ!

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments