Đường ruột là nơi cư trú của cả một thế giới sống động – với số lượng đông đảo gấp nhiều lần loài người cư ngụ trên Trái đất.

“Ruột ơi là Ruột” của Giulia Enders.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học mới nhất xác nhận rằng vô số vấn đề sức khỏe mãn tính phát sinh từ bên trong đường ruột của chúng ta. Vậy câu hỏi là:

Đường ruột của chúng ta bị ảnh hưởng từ đâu?

Tôi thuộc trong nhóm những người tin rằng hầu hết các vấn đề sức khỏe đều bắt nguồn từ tâm trí. Những lựa chọn của chúng ta khi phản ứng với căng thẳng, các thói quen sinh hoạt hàng ngày, thực phẩm chúng ta sử dụng. Hơn nữa, trong quá trình tham gia khoa Tâm Lý học và Phật học, tôi cũng được hiểu thêm rằng những tổn thương trong quá khứ, những ký ức đau buồn, các lối mòn suy nghĩ và đặc biệt là những nỗi sợ hãi và lo lắng không mất đi mà tích trữ trong các tế bào, trong ngũ tạng, đôi khi đến hàng thập kỷ. Chúng âm thầm kích hoạt các thay đổi, hoặc tạo lối mòn trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến những chuyển biến từ từ trong cơ thể và gây ra các chứng viêm nhiễm, đau đầu và nhức mỏi, hệ thống miễn dịch suy yếu, mất cân bằng hormone, suy giảm chức năng tiêu hóa v.v…

Hệ thống ruột trải dài từ miệng qua thực quản tới dạ dày đến ruột và kết thúc ở trực tràng. Tất cả những gì qua đi môi sẽ được tham quan toàn bộ con đường này. Thực phẩm đã qua chế biến, rượu (kém chất lượng; quá độ và thường xuyên); thức ăn thiếu chất xơ, dư thừa chất đạm; các loại thuốc như kháng sinh và thuốc giảm đau thông thường (như ibuprofen) v.v… có thể gây hại cho ruột và phá vỡ sự cân bằng cực kỳ quan trọng giữa vi khuẩn tốt và xấu trong ruột, gọi chung là ‘hệ vi sinh vật đường ruột’ của chúng ta.

Các nghiên cứu khoa học về hàng nghìn tỷ vi khuẩn và vật liệu di truyền của chúng – những thứ tạo nên hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta – có điểm chung là: đều nhận thấy sự thật đáng kinh ngạc về việc vi khuẩn trong ruột ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta theo những cách hoàn toàn hoang sơ và kỳ diệu.

Tại sao vi khuẩn đường ruột quan trọng đối với sức khỏe? 7 công năng chính:

  1. Điều hòa miễn dịch và kháng mầm bệnh (chống lại các vi trùng xấu, bao gồm cả virus mang độc tính cao như Corona)
  2. Điều hòa các phản ứng tự miễn dịch
  3. Điều chỉnh trong quá trình viêm nhiễm
  4. Sản xuất các vitamin như vitamin K và vitamin B (lạ phải không? vi khuẩn tạo ra vitamin trong ruột đó!)
  5. Tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng
  6. Chuyển hóa và giải độc từ thực phẩm, môi trường và thuốc
  7. Sản xuất ra axit béo chuỗi ngắn – các vi khuẩn tốt của chúng ta lên men xơ thực vật để tạo ra các axit béo chuỗi ngắn và sử dụng chúng làm nguồn năng lượng chính cho tế bào ruột, chiếm 5-10% nhu cầu năng lượng của con người! các axit béo chuỗi ngắn này cũng có tác dụng chống viêm nhiễm.

Chúng ta mắc chứng rối loạn sinh lý đường ruột theo cách nào?

Khi có sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong ruột của chúng ta, vô số vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Từ xoang đến da, từ não đến khớp, từ tiêu hóa đến khả năng sinh sản. Sự mất cân bằng này được gọi là ‘rối loạn sinh học’ và nguyên nhân chủ yếu là do:

  • chế độ ăn uống chứa nhiều tinh bột và đường tinh luyện,
  • không đủ chất xơ, thừa chất đạm
  • có cơ địa nhạy cảm với một số loại thực phẩm,
  • kháng sinh và một số loại thuốc giảm đau,
  • chất độc từ môi trường hoặc công việc,
  • căng thẳng mãn tính.

Vậy tại sao rối loạn sinh học lại gây rắc rối? Theo định nghĩa thì rối loạn sinh học là trạng thái trong đó hệ vi sinh vật đường ruột (được tạo thành từ hàng nghìn tỷ vi khuẩn – men, nấm và vi rút – nhưng chủ yếu là vi khuẩn) tạo ra các tác động có hại. Như vậy rối loạn sinh học là trạng thái thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột gây hại cho sức khỏe của chúng ta

Những tác hại này xảy ra khi có:

  • thay đổi về số lượng hoặc chủng loại vi khuẩn bên trong đường tiêu hóa (chúng ta nên có rất nhiều loài vi khuẩn có lợi trong ruột mình. Thật không may, hầu hết chúng ta không được như vậy vì việc sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau, các căng thẳng trong cuộc sống và lựa chọn thực phẩm kém);
  • thay đổi trong hoạt động trao đổi chất (vi khuẩn có quá trình trao đổi chất riêng và tạo ra các hợp chất có lợi hoặc có hại cho chúng ta);
  • thay đổi trong cách phân bố của chúng (ví dụ như vi khuẩn vốn cư trú tại ruột già nhưng nếu chúng xâm nhập vào ruột non vô trùng thì có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi nghiêm trọng sau mỗi bữa ăn, táo bón hoặc tiêu chảy, và đau bụng).

Khi những thay đổi này xảy ra với hệ vi sinh vật và tình trạng rối loạn sinh học bắt đầu xuất hiện thì mọi thứ mà hệ vi sinh vật đường ruột thường làm để duy trì sức khỏe đều có thể trở nên tồi tệ (xem lại danh sách trên về 7 công năng chính của vi khuẩn đường ruột). Các vấn đề ở hệ tiêu hóa và bài tiết là những rắc rối đường ruột rõ ràng nhất. Nhưng nhiều khi chúng ta có thể mắc chứng rối loạn sinh lý đường ruột mà không gặp bất kỳ vấn đề nào ở đường tiêu hóa. Như vậy chúng ta có thể gặp vấn đề ở đâu đó trong cơ thể, nhưng nguồn gốc lại từ ruột. Sao có thể như thế được?

Đường ruột ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể như thế nào?

Đông y có câu ‘tâm khai khiếu ở ruột non’ – trong đó, Tâm chủ về thần chí hay các hoạt động về tinh thần, tư duy. Đồng thời Tâm và Tiểu trường (ruột non) là một cặp Biểu Lý trong hệ thống Lục phủ Ngũ tạng. Như vậy có thể thấy mối liên quan mật thiết giữa hai bộ phận mà Tây y đặt tên là ‘trục ruột-não’. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm ảnh hưởng của ruột tới não như thế nào qua các điểm sau đây:

  1. Sự cân bằng vi khuẩn đường ruột bị phá vỡ gây ra rối loạn sinh học và viêm nhiễm;
  2. Lớp niêm mạc ruột siêu mỏng bị suy yếu và tình trạng “rò rỉ ruột” (hay còn gọi là tình trạng tăng tính thấm của ruột) phát triển;
  3. Vi khuẩn xấu, protein không tiêu hóa hết và chất độc sẽ rò rỉ qua thành ruột vào máu. Xem ruột như một ống nước thải. Nếu đường ống này bị hỏng, những thứ bẩn thỉu sẽ rò rỉ ra phần còn lại của ngôi nhà;
  4. Hệ thống miễn dịch nhận ra những phân tử lạ này trong máu, xác định chúng là quân địch chứ không phải quân ta và chuyển sang chế độ phòng thủ-tấn công. Khi hệ thống miễn dịch ở chế độ này, luôn có sự giải phóng các cytokine gây viêm vào máu. Khi quá nhiều có thể gây ra cơn bão cytokine, nơi các phản ứng viêm tăng cao và kéo dài. Tình trạng viêm này là nguồn gốc của nhiều bệnh mãn tính có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận hoặc hệ thống nào của cơ thể và thậm chí đi qua hàng rào máu não, ảnh hưởng đến chức năng não, khả năng tập trung và tâm trạng.
  5. Nguy cơ mắc bệnh tự miễn (như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, vảy nến, đa xơ cứng v.v …) tăng lên vì khi hệ thống miễn dịch tăng cường tấn công, nó có thể hoạt động sai hoặc do “phản ứng chéo”, bắt đầu tấn công các mô lành của chính cơ thể.

Như vậy, chúng ta biết rằng điều cực kỳ quan trọng là phải giữ cho đường ruột khỏe mạnh, không bị ‘rò rỉ’, không bị viêm nhiễm và phải chứa đầy đủ các vi khuẩn có lợi giúp sản xuất vitamin tốt và các axit béo ngắn để chữa bệnh cho chúng ta. Làm thế nào để chúng ta đạt được điều này? Làm thế nào để chúng ta chữa lành chứng rối loạn sinh học và rò rỉ ruột? Điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân. Trị bệnh tận gốc để có hiệu quả lâu dài.

Những điều đáng lưu tâm khi trị bệnh

Hiện nay, khi chẩn đoán ra bệnh rồi, là xong. Các triệu chứng được dán nhãn, che đậy hoặc xử lý bằng thuốc (đúng là có tác dụng nhanh nhưng đáng tiếc là ngắn hạn). Bệnh tật được ‘giải quyết’ trong vòng vài nốt nhạc. Và nếu tái lại? có thể tự theo đơn cũ là được, quá đơn giản. Ví dụ: chẩn đoán bệnh gout được điều trị bằng các loại thuốc giảm axit uric, biệt dược Colchicine và nếu đau quá thì thuốc giảm đau vài giờ một lần. Nếu sốt và viêm họng? bộ ba kháng sinh + hạ sốt + chống viêm là ba loại thuốc ai cũng có thể tự mua, không cần kê đơn. Các bác sĩ có thể kê thêm ‘men tiêu hóa’ cho trẻ em dùng kháng sinh, chính là vì họ hiểu rằng thuốc kháng sinh gây hệ lụy đến thế nào cho đường ruột và sức khỏe tổng thể. Như thế là bác sĩ có tâm.

Trên thực tế, để giải quyết tận gốc bất cứ bệnh nào, những câu hỏi sau cần được trả lời:

  • TẠI SAO lại có những triệu chứng này?
  • Hệ thống NÀO mất cân bằng và/hoặc giao tiếp không chính xác với nhau?
  • ĐIỀU GÌ đã xảy ra trong cuộc sống dẫn đến các phản ứng từ cơ thể?
  • LÀM THẾ NÀO có thể cân bằng lại cơ thể, để quá trình chữa lành đã sẵn có được kích hoạt?
  • LÀM THẾ NÀO để tối ưu hóa chế độ ăn uống và lối sống để đảm bảo sức khỏe lâu dài, suốt đời?

Một trong những điểm cơ bản và quan trọng nhất để cơ thể trở về trạng thái chữa lành là thiết lập lại chế độ ‘nghỉ ngơi và tiêu hoá’ trong cơ thể, bằng việc kích thích dây thần kinh phế vị (xem thêm ở đây), bởi nếu não không ở chế độ này, hiệu quả chữa bệnh là vô cùng hạn chế và khả năng tái mắc bệnh hoặc chuyển sang một bệnh khác là rất cao. Ngoài ra, việc đơn giản như bổ sung thực phẩm lên men vào chế độ ăn cũng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe tổng quát. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc từ thảo dược cũng như thay đổi tư duy sinh hoạt góp phần rất lớn trong việc chữa lành toàn diện – chữa lành tổng thể gồm Tâm trí–Thể xác-Tinh thần.

Không khó để nhận ra sự ảnh hưởng trực tiếp từ tâm lý lạc quan yêu đời đến sức khỏe thân thể và sự sáng suốt của trí óc. Trục tâm trí/não-ruột là một kết nối mạnh mẽ và trực tiếp. Ruột khỏe thì đầu óc nhẹ nhõm, tâm trạng bình tĩnh vui vẻ và cơ thể ít bệnh tật. Điều này đã được khoa học chứng minh./.

Trạm Yên tổng hợp.

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments