Nuôi dạy trẻ em mạnh mẽ dễ hơn chữa lành người lớn tổn thương.

Frederick Douglass nhà cải cách xã hội người Mỹ gốc Phi

Tình yêu là một trong những tình cảm nguyên sơ nhất mà con người có thể trải nghiệm được. Trong suốt thời thơ ấu, mối liên hệ tình cảm mà chúng ta phát triển với những người xung quanh đóng một vai trò quan trọng trong việc chúng ta trở thành người như thế nào khi trưởng thành. Mỗi đứa trẻ, bất kể thân phận, tính cách hay vẻ ngoài, đều có những nhu cầu cơ bản – nhu cầu cảm thấy được bảo vệ, tôn trọng, được tự do thể hiện bản thân và quan trọng nhất là được yêu thương. Những nỗi đau từ sự thiếu thốn tình cảm hoặc bị bỏ mặc cảm xúc trong thời gian trẻ lớn lên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, tinh thần và để lại ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý.

Trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tất cả các loại lạm dụng, ngược đãi, bỏ bê hay những trải nghiệm khác có khả năng gây thương tổn (đôi khi ở mức nghiêm trọng) xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi. Những tổn thương này dễ bị bỏ qua và xem nhẹ nhưng có ảnh hưởng sâu sắc và nghiêm trọng đến cơ thể và tâm sinh lý của đứa trẻ dưới 18 tuổi.

Các hình thức trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu là gì?

tranh của danh họa người Anh, Charles Burton Barber, internet.

1. Lạm dụng

  • Lạm dụng tình cảm: cha mẹ hoặc người chăm sóc chính của trẻ mắng, chửi, chê bai, khinh thường, xúc phạm, đôi khi kèm bạo lực làm cho đứa trẻ sợ hãi và ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần. Ngoài ra một yếu tố không kém nghiêm trọng là có hành vi thao túng trẻ, dùng các lý lẽ phức tạp mà trẻ không hiểu để luận tội, kết tội và ra hình phạt làm trẻ hốt hoảng lẫn lộn về tâm trí và đau đớn về tinh thần.
  • Lạm dụng thân thể: trẻ bị đánh đập, xô đẩy cơ thể hoặc bị ném đồ vật vào người, có thể mạnh đến mức gây thương tích (nghiêm trọng).
  • Lạm dụng tình dục: Một người trưởng thành (họ hàng, bạn bè của gia đình hoặc người lạ) đã có bất cứ hành vi hay cố gắng nào liên quan đến (quan hệ) tình dục với trẻ.

2. Tổn thương trong gia đình

  • Cha/Mẹ đối xử bằng bạo lực: bị cha hoặc mẹ (hoặc người nuôi dưỡng) hay những người thân hành hạ, ném đồ vật vào trẻ, đập mạnh bằng một vật nào đó liên tục trong ít nhất vài phút, bị đe dọa hoặc đã bị gây tổn thương bằng hung khí.
  • Gia đình có thành viên lạm dụng chất gây nghiện: Một thành viên trong gia đình là người nghiện các chất kích thích như rượu, ma túy đá, heroin v.v…
  • Gia đình có thành viên mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng: Một thành viên trong gia đình được chẩn đoán trầm cảm nghiêm trọng, tâm thần phân liệt, thực hiện hành vi tự sát (kể cả khi tự sát không thành)…
  • Cha mẹ ly thân hoặc ly dị: Cha mẹ trẻ đã từng ly thân hoặc ly dị.
  • Thành viên gia đình bị giam giữ: Thành viên trong gia đình đã đi tù.

3. Không được chăm sóc hoặc chăm sóc không đầy đủ

  • Bị bỏ mặc về cảm xúc: không có hoặc thiếu sự quan tâm, khích lệ khiến trẻ cảm thấy quan trọng, cảm thấy đặc biệt, cảm thấy được yêu thương, mọi người trong gia đình nhìn nhận giá trị của nhau bằng nhiều cách, cảm thấy gần gũi và gia đình được nhìn nhận như là một nguồn lực hỗ trợ.
  • Bị bỏ mặc về thể xác: khi trẻ bị đói, bố mẹ không đủ tỉnh táo hoặc ở quá xa để chăm sóc trẻ. Thiếu ít nhất thành viên nào đó trong gia đình chăm sóc trẻ, bảo vệ trẻ và đưa trẻ đến bác sĩ khi cần thiết.

Các yếu tố tác động đến mức độ ảnh hưởng tâm lý của trẻ

Những trải nghiệm tiêu cực nêu ở trên ảnh hưởng lên trẻ theo nhiều cách khác nhau. Với một số trẻ em và thanh thiếu niên, ảnh hưởng tiêu cực có thể kéo dài về sau, cho tới tận tuổi trung niên gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ lên bản thân người đó khi đã trưởng thành; tuy nhiên, những đứa trẻ khác lại có thể gặp hậu quả ít gây ảnh hưởng hơn. Các trải nghiệm khác trong cuộc sống và hoàn cảnh gia đình – cả tích cực và tiêu cực – đều tác động đến tính dễ bị tổn thương hoặc khả năng phục hồi của trẻ khi đối mặt với sự ngược đãi, hay các vấn đề trong cuộc sống của người trưởng thành sau này. Xem thêm dưới đây các ví dụ:

  • Độ tuổi và giai đoạn phát triển xảy ra ngược đãi: một số bằng chứng cho thấy trẻ càng nhỏ vào thời điểm bắt đầu bị ngược đãi, càng có nhiều khả năng chúng gặp phải các vấn đề sau này trong cuộc sống;
  • Mức độ nghiêm trọng của ngược đãi: mức độ nghiêm trọng của lạm dụng hoặc bỏ mặc càng cao thì khả năng gây ra kết quả tiêu cực càng cao;
  • Loại lạm dụng và/hoặc bỏ mặc: các loại ngược đãi khác nhau có thể liên quan đến các hậu quả tiêu cực khác nhau;
  • Nhận thức của trẻ em hoặc thanh thiếu niên về việc lạm dụng: hậu quả tồi tệ hơn có thể xảy ra nếu nạn nhân trải qua cảm giác tự đổ lỗi, xấu hổ hoặc bị kỳ thị;
  • Mối quan hệ giữa đứa trẻ với người gây ra các cảm xúc tiêu cực: ví dụ, bị anh/chị trêu chọc hoặc đánh mắng sẽ ít ảnh hưởng hơn bị cha mẹ đối xử tàn tệ.

Các vết thương cảm xúc có thể dẫn đến những rắc rối gì?

Việc lạm dụng hay bỏ mặc trẻ em có thể ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố phát triển có liên quan đến nhau: thể chất, tâm lý, cảm xúc, hành vi và xã hội.

tranh của danh họa người Đức Adolf Lins, internet.

1. Các vấn đề về mối quan hệ gắn bó và mối quan hệ giữa các cá nhân

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị lạm dụng hay bỏ mặc có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về gắn bó không an toàn hoặc vô tổ chức (luôn cần người để gắn bó, bất chấp lý do hoặc hậu quả) khi trẻ ở tuổi vị thành niên và ngay cả sau khi đã trưởng thành. Sự gắn bó với người chăm sóc trẻ em là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xã hội và cảm xúc sớm của trẻ. Đối với trẻ em, cha mẹ/người chăm sóc đáng lẽ ra là nơi an toàn, bảo vệ và thoải mái đối với trẻ, nay lại trở thành nơi nguy hiểm hay gây hại. Nếu không có sự bảo vệ và hỗ trợ từ người chăm sóc chính, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể khó tin tưởng người khác khi gặp nạn, điều này có thể dẫn đến những trải nghiệm lo âu, sợ hãi hoặc tức giận dai dẳng.

Gia đình không an toàn làm thay đổi quá trình phát triển bình thường của trẻ, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và tương tác của trẻ với người khác và ảnh hưởng đến khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ lành mạnh trong suốt cuộc đời của chúng. Các đánh giá của tài liệu này đã báo cáo rằng ngược đãi trẻ em có liên quan đến các mối quan hệ bạn bè có vấn đề trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Hơn nữa, những khó khăn trong quan hệ bạn bè có thể là tiền thân của những khó khăn trong mối quan hệ lãng mạn.

2. Các vấn đề về học tập và phát triển

Có nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa trẻ em bị ngược đãi và các khó khăn trong học tập và/hoặc thành tích học tập kém. Bị lạm dụng hay bị bỏ mặc trong những năm đầu đời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát triển của trẻ, đặc biệt là trong tầm quan trọng của lời nói và ngôn ngữ.

Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng trẻ em bị ngược đãi có thành tích học tập thấp hơn so với các nhóm trẻ khác.

3. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Nghiên cứu gần đây cho thấy các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm và rối loạn lo âu, liên quan đến việc trẻ từng bị lạm dụng và bỏ bê, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Các nghiên cứu trên đều cho thấy mối liên hệ cao giữa bị ngược đãi và trầm cảm ở tuổi thiếu niên, ngoài ra các rối loạn ăn uống, bao gồm chán ăn và hành vi tự hủy hoại, cũng có thể liên quan đến lạm dụng và bỏ bê trẻ em.

4. Tự sát sớm

Bị lạm dụng hay bỏ mặc từ thời thơ ấu làm tăng đáng kể nguy cơ về ý tưởng tự tử và cố gắng tự tử ở những người trẻ tuổi. Đặc biệt, lạm dụng tình dục có thể liên quan cụ thể đến hành vi tự tử vì nó liên quan chặt chẽ với cảm giác xấu hổ và tâm trạng tự đổ lỗi.

5. Lạm dụng chất gây nghiện

Các tác động tâm lý của lạm dụng và bỏ bê trẻ em có thể dẫn đến các vấn đề lạm dụng rượu và ma túy ở tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành.

6. Các vấn đề về hành vi đặc biệt là hung hăng, bạo lực và hành vi phạm tội

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lạm dụng và bỏ mặc trẻ em có liên quan đến các vấn đề về hành vi ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Những đứa trẻ bị ngược đãi thời thơ ấu càng có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về hành vi ở tuổi thiếu niên. Các hành vi ngược đãi thường tạo ra các hành vi nội tâm (thu mình, buồn bã, bị cô lập và chán nản) và các hành vi bên ngoài (hung hăng hoặc hiếu động) trong suốt thời thơ ấu.

Ngoài việc cảm thấy đau đớn và đau khổ, trẻ em bị lạm dụng hoặc bị bỏ bê còn có nguy cơ gây đau đớn cho người khác và phát triển các hành vi hung hăng và bạo lực ở tuổi thiếu niên. Nhiều nghiên cứu cho thấy trực tiếp bị lạm dụng thể chất hoặc tiếp xúc với bạo lực gia đình là những yếu tố dự báo nhất quán về bạo lực ở độ tuổi thanh thiếu niên.

7. Vấn đề về sức khỏe thể chất và mang thai ở tuổi vị thành niên

Nhiều nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng rõ rệt của việc lạm dụng hay bỏ mặc đến sự phát triển chậm hay lệch lạc của trẻ. Những hậu quả tiêu cực của việc mang thai sớm do hoạt động tình dục gây rủi ro ở tuổi vị thành niên cũng có thể liên quan đến những trải nghiệm lạm dụng và bỏ bê khi còn nhỏ.

tượng mẹ và bé do nghệ sĩ Han Meilin tạc, internet.

Làm gì để đảm bảo tương lai hạnh phúc và thành công cho con?

Trẻ em là tương lai của gia đình, là món quà của cuộc sống. Chúng có quyền được yêu thương và được đối xử với sự tôn trọng, được cho phép tự do thể hiện con người tự nhiên, hồn nhiên và lớn lên với sự tự tin lành mạnh và có ý thức rõ ràng về giá trị của bản thân – những yếu tố cơ bản giúp trẻ trưởng thành tự trọng, mạnh mẽ, và có thể phát huy tối đa nội lực sẵn có, từ đó xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Tâm lý vững vàng và cân bằng sẽ là nền tảng cho khả năng tạo dựng và tận hưởng cuộc sống của trẻ sau này.

Các bậc cha mẹ có sứ mệnh thiêng liêng. Coi trọng trẻ như những cá nhân độc lập, tôn trọng, chăm sóc bảo vệ trẻ như những mầm cây còn non nớt và uốn nắn trẻ đúng theo khả năng và tố chất sẵn có là trách nhiệm lớn lao và đáng trân trọng của những người đi trước./.

(Coaching cho tuổi Teen tổng hợp)

♥ Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ tinh thần, đừng ngại liên hệ với coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới ♥ (Sử dụng mã liên hệ ‘Teen’ để nhận khai vấn miễn phí)

Tham khảo thêm:

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments