Ngâm Hông (Sitz Bath hay ‘ngâm mông’ theo cách gọi của ngành Thực Dưỡng) là ngồi trong bồn hay chậu cho nước ngập qua hông. Đây là một phần trong hệ thống chữa bệnh bằng thủy liệu pháp, được phổ biến từ lâu ở châu Âu. Hãy cùng tìm hiểu thêm một chút về phương pháp phòng và chữa bệnh đơn giản này, vốn được cho là có thể giúp giải quyết rất nhiều rắc rối trong cơ thể như vấn đề về tiêu hóa, bệnh trĩ, tắc nghẽn gan, đau khớp, đau thần kinh tọa, thận, bàng quang, các bệnh ở tử cung cho nữ, tiền liệt tuyến cho nam. Ngâm hông còn giúp giải quyết chứng mất ngủ do nhiễm lạnh vùng bụng/thận, tiểu đêm v.v… đặc biệt ở phụ nữ.

Lợi ích của ngâm hông là gì?

ảnh minh họa: cô gái thư giãn trong bồn ngâm hông được người Anh phát minh và sử
dụng từ thế kỷ 19, internet.

Ngâm hông có ích cho cơ thể vì nó kích hoạt toàn bộ các dây thần kinh, các mạch máu vùng bụng và vùng xương chậu, là nơi bao bọc rất nhiều cơ quan nội tạng quan trọng và là trung tâm năng lượng ở mỗi giới. Ở nữ là tử cung nơi kinh Can đi qua, ở nam là kinh Thận. Khi vùng này bị lạnh thì toàn bộ năng lượng cơ thể bị ứ trệ, ách tắc gây ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe. Các biểu hiện từ nhiều bệnh ở hệ tiêu hóa, hệ sinh dục, hệ bài tiết, xương khớp có phần nguyên nhân từ việc năng lượng bị rối loạn. Lạnh tử cung là nguyên nhân của khó đậu thai, đẻ non, viêm nhiễm trong tử cung, u bướu, đau lưng mãn tính. Lạnh thận là nguyên nhân của đuối sinh lý, thấp khớp, rụng tóc, lãng tai ở nam giới.

Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều lý do dẫn đến việc hầu hết chúng ta đều bị lạnh vùng này. Ví dụ như: sinh hoạt, ăn uống không hợp tự nhiên, ăn nhiều đồ lạnh, uống nước đá hoặc bị cảm lạnh nhưng không được xử lý triệt để v.v… Bảo vệ và chăm sóc vùng trung tâm năng lượng này là tác động vào điểm lợi hại và cốt yếu cho sức khỏe. Đặc biệt từ lứa tuổi trung niên, tiền mãn kinh ở phụ nữ và bước vào đàn ông khi bắt đầu mãn dục, việc ngâm hông sẽ giúp lưu thông khí huyết, phòng tránh được các rắc rối nhỏ và ngăn chặn chúng trở thành khó khăn lớn.

Cả Đông y và Tây y, đều nhận ra tầm quan trọng của khu vực trung tâm này. Tây y nhắc tới đám rối thần kinh vùng thắt lưng hay hông, liên quan đến đôi chân, hệ sinh dục, hệ bài tiết. Trong khi đó, Đông y lưu ý tới điểm gặp nhau của hai mạch Đốc & Nhâm (điều chỉnh hai phần Âm và Dương hay kinh Can và kinh Thận của cơ thể) cùng rất nhiều kinh mạch xuất phát từ các chi đi tới vùng đầu qua trung tâm này.

Ngâm hông là một phương pháp đơn giản, rẻ tiền, nhanh chóng giúp lưu thông khí huyết, thải độc. Nước mát, nước ấm, hoặc nước nóng cùng muối và/hoặc một số thảo dược giúp làm loãng các chất nhầy trong cơ thể sẽ được đào thải qua đường bài tiết, hô hấp hoặc mồ hôi cùng với muối lưu cữu trong quá trình ăn uống. Khí huyết lưu thông và thải độc, tăng năng lượng cơ thể là những yếu tố giúp cho liệu pháp thủy sinh ngâm hông trở nên phổ biến và được ưa thích cho tới ngày nay ở cả phương Đông lẫn phương Tây.  

Dụng cụ, nguyên liệu và cách làm

Chuẩn bị dụng cụ:

  1. Chậu to: đủ để ngồi lọt vào trong, thành chậu cao đủ để giữ nước ngập quá vùng hông. Chân chạm được xuống đất (người lớn). Hiện nay có rất nhiều loại chậu ‘ngâm mông’ bằng gỗ, bằng nhựa trên thị trường;
  2. Thảo dược: 50g (nửa lạng) đến 100g (1 lạng) khô cho một lần ngâm. Nếu dùng tươi thì lượng gấp đôi. Có thể chỉ dùng Muối Biển tự nhiên (tỷ lệ 50g muối cho mỗi lít nước) và/hoặc Gừng (lượng như thảo dược). Ở phương pháp Thực Dưỡng, người ta dùng cả Rong Biển hoặc hạt Mù tạt cho việc này; (tham khảo thêm tại đây)
  3. Nước đun sôi/lạnh: đủ dùng;
  4. Khăn tắm và quần áo khô;
  5. Trà hoặc nước uống ấm sau khi ngâm.
ảnh minh họa: lá củ cải khô, internet.

Chuẩn bị nước ngâm:

  • Cách 1: đun sôi thảo dược/gừng mài, rồi để lăm tăm từ 10 đến-15 phút. Lọc bỏ bã. Thêm nước vào chậu để sao cho khi ngồi, mực nước ngập quá phần xương hông (ngập thận) nhưng không chạm đến vùng tim (ngực). Độ ấm của nước: có thể dùng nước mát hoặc ấm. Trong trường hợp muốn ngâm nóng thì kiểm tra nhiệt độ để đủ chịu được nhưng không gây bỏng hoặc quá rát. Lưu ý da ở phần phụ mỏng và nhậy cảm hơn da ở tay, do đó nên kiểm tra độ nóng của nước cẩn thận trước khi ngồi vào chậu. Một vài lần ngâm sẽ đem lại kinh nghiệm nhiệt độ thế nào là vừa.
  • Cách 2: ngâm thảo dược với nước lạnh qua đêm, trước khi sử dụng có thể pha thêm nước hoặc đun ấm/nóng nước này và dùng như hướng dẫn ở trên.

Một số lưu ý:

  • Đàn ông khi còn trong độ tuổi hoặc còn nhu cầu sinh con, chỉ nên ngâm nước thảo dược ấm (bằng nhiệt độ cơ thể) hoặc mát. Ngâm nước nóng có thể ảnh hưởng chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên, từ độ tuổi bắt đầu mãn dục nam (sau 40) hoặc khi có các bệnh lý xương khớp, thận, bệnh tiền liệt tuyến … thì việc ngâm nước nóng sẽ rất hữu ích.
  • Nên ngâm nơi kín gió. Nếu thấy lạnh, nên phủ khăn mỏng, hoặc chỉ vén áo lên quá ngực, đi tất;
  • Nên có chỗ dựa lưng, đầu: do khi ngâm cơ thể thư giãn, cơ lưng và cơ cổ sẽ mềm đi;
  • Nếu đầu gối đau khi co, có thể kê ghế nâng chân cho thoải mái;
  • Có thể ngâm từ 15 đến 30 phút tùy độ nóng của nước. Khi kết thúc, lau khô hoặc không lau mà quấn khăn tắm và giữ ấm.
  • Sau khi ngâm, nên uống bổ sung trà thảo mộc hoặc thức uống ấm không gây kích thích.
  • Nghỉ ngơi yên tĩnh ít nhất 30 phút đến 1 giờ, trước khi vận động trở lại.
  • Không nên ra ngoài gió lạnh trong vòng 3 tiếng sau khi ngâm.
  • Nước đã ngâm có thể dược dùng lại từ 1 đến 2 lần. Cần đun nóng lại.
  • Ngâm bao nhiêu lần là đủ: hai, ba ngày một lần hoặc nhiều hơn nếu thấy cần thiết.
  • Lưu ý sức khỏe: ngâm hông thường là an toàn. Tuy nhiên những người có bệnh tim mạch nên có trợ giúp và theo dõi, do nước nóng có thể gây tăng hoặc rối loạn nhịp tim.
  • Hết sức thận trọng khi sử dụng cho người già và trẻ em nhất là khi có nước nóng, nước sôi. Đặc biệt với người già vì sự nhạy cảm với nhiệt độ giảm, dễ bị bỏng.

Các loại thảo dược cơ bản có thể sử dụng để ngâm hông

Lá Củ Cải, lá Ngải cứu, lá Trầu không, lá Trà ta, lá Lốt v.v…: dùng các lá già là tốt nhất – thường là lá mà người bán bỏ đi. Dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần khi không đúng mùa. Ở một số cửa hàng Thực Dưỡng có lá Củ Cải khô và/hoặc lá Trà Ban cha.

  1. Lá Củ Cải, lá Ngải cứu, lá Trầu không, lá Lốt, lá Bàng … ngoài tính diệt khuẩn, kháng khuẩn thì đều có khả năng lưu thông khí huyết. Trong đó, lá Củ Cải đặc biệt tốt trong việc làm loãng chất nhầy tích tụ, giúp làm sạch dễ dàng phần phụ của cả nam và nữ giới. Đặc biệt tốt cho các bệnh phụ khoa ở nữ giới và tiền liệt tuyến ở nam giới;
  2. Gừng: có tính ấm, giúp năng lượng bốc lên trên và hoạt khí. Nó có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với muối hay với thảo dược khác, giúp cân bằng và thúc đẩy quá trình thải độc. Khi dùng có thể mài, giã hoặc đập nhỏ cho vào túi vải thô (lanh, đũi) và ngâm nước sôi hoặc đun lửa thật nhỏ, đủ lăm tăm trong 15 phút.
  3. Cây Long Nha thảo có công dụng đặc biệt đối với gan và thận. Trong y học truyền thống phương Tây, người ta dùng loài thảo dược này để làm trà tẩy sạch gan và mật; chữa bệnh về xương khớp, xử lý một số rắc rối ở thận và bàng quang, hỗ trợ bệnh mất ngủ;
  4. Cây Vấn vương thơm có tác dụng đặc biệt đối với hệ bạch huyết, gan, tuyến tụy và lá lách. Nó giúp kéo các chất độc tích tụ ở các bộ phận ra ngoài, làm sạch toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, thảo mộc này còn được dùng để tắm, rửa mặt để chữa một số bệnh về da;
  5. Muối biển tự nhiên: ngoài tính sát khuẩn thì theo lý thuyết thực dưỡng, nó còn kéo năng lượng xuống phía dưới, hút độc ra bên ngoài. Kết hợp muối-gừng-thảo dược giúp cân bằng và hoạt khí, do gừng có tính ấm, bốc lên trên và thúc đẩy tuần hoàn.

Nên mua thảo dược từ các cửa hàng hữu cơ hoặc cửa hàng Thực Dưỡng tin cậy. Nếu không thể, thì làm sạch trước khi sử dụng như sau:

Với lá tươi: nên ngâm lượng lá chuẩn bị dùng ngập nước đã hòa tan cùng:

  • từ 1 đến 1.5 thìa canh bột baking soda cho mỗi lít nước. Ngâm 30 phút rồi rửa sạch bằng nước vòi;
  • giấm ăn, theo tỷ lệ 9 phần nước 1 phần giấm. Ngâm 20-30 phút rồi rửa sạch;
  • muối biển, theo tỷ lệ 1 lít nước 1 thìa canh muối. Ngâm 30 phút và rửa sạch.

Với lá khô: quá trình phơi khô đã giúp phân hủy phần lớn thuốc trừ sâu, vì vậy chỉ cần rửa kỹ dưới nước vòi là được.

Trên đây, bài viết cung cấp một số thông tin và kiến thức cơ bản về liệu pháp thủy sinh ngâm hông, để từ đó chúng ta có thể chủ động tìm hiểu sâu hơn, thử nghiệm và thực hành để bảo vệ và duy trì sức khỏe cũng như sự cân bằng cho bản thân. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, và những cách tốt nhất thường là đơn giản nhất.

Chỉ cần chúng ta thực sự quan tâm./.

(tổng hợp)

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments