trong mọi việc, sự hoàn hảo tột đỉnh chính là sự đơn giản.

Henry Wadsworth Longfellow – nhà thơ, nhà giáo dục người Mỹ.
ảnh: mười vùng phản xạ của bs W.H Fitzerald, internet.

Phản xạ học được con người biết đến và sử dụng từ xa xưa. Từ người Ai cập cổ đại cho tới người Hy lạp, người châu Á cũng như những người Da đỏ đều từng dùng phương pháp này. Ngành phản xạ hiện đại phương Tây dựa theo mô hình do bác sĩ William H. Fitzgerald (1872 – 1942), ông tổ của ngành phản xạ học người Mỹ, tìm ra. Ông chia thân thể thành 10 vùng gồm 5 vùng bên trái và 5 vùng bên phải, chạy thẳng từ các ngón chân và các ngón tay lên đầu (xem hình). Căn cứ vào sự liên hệ và phản xạ tương ứng của các bộ phận trong cơ thể ở bàn tay bàn chân, đầu mặt v.v… chúng ta thấy rằng khi tác động (bấm, bóp, day, nắn, rung) trên tay hay đầu mặt hay ở bàn chân, đều có tác động đến những bộ phận tương ứng trên cơ thể và ngược lại, khi một cơ quan nào đó có rắc rối, thì sự ách tắc hoặc rối loạn năng lượng sẽ phản ánh ở những nơi khác cùng một vùng.

Phản xạ học – cực kỳ đơn giản mà hiệu quả lại cao

Có rất nhiều các phương pháp khai thác sự phản chiếu của cơ thể trên một hoặc nhiều bộ phận để chẩn và chữa bệnh. Ở Việt nam có thể kể đến phương pháp đồng ứng trị liệu của thầy Lý Phước Lộc, diện chẩn của thầy Bùi Quốc Châu. Ngoài ra các phương pháp phổ biến rộng hơn như nhĩ châm , thiệt chẩn (chẩn bệnh qua lưỡi) xuất phát từ Trung quốc, Nhật bản v.v… đều rất hay và có những tác dụng nhất định. Phương pháp phản xạ ở chân và tay (lòng và mu bàn chân/tay) được nghiên cứu nhiều, tài liệu phổ biến rất phong phú và đa dạng. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều trường dậy về phản xạ bàn tay và bàn chân. Y học ứng dụng từ Đông sang Tây đều có các trị liệu ở chân như massage chân, ngâm chân v.v… đồng thời, trên thực tế ứng dụng, tự chữa lành đơn giản, hiệu quả nhất cũng là dùng kích thích phản xạ bàn chân hay bàn bởi nhiều lý do, một vài trong số đó là:

  • Số điểm cần tác động không quá nhiều;
  • Phương pháp tác động, trị liệu đơn giản, không yêu cầu dụng cụ đặc biệt;
  • Sơ đồ chi tiết và các điểm phản xạ đầy đủ, dễ tìm;
  • Các điểm phản xạ và các khớp nối ở chân lớn (rộng) nên dễ thao tác;
  • Toàn bộ ngũ tạng và hệ nội tiết, hệ bạch huyết đều được phản ánh ở đôi chân nên việc chữa lành toàn diện và tận gốc là có thể;
  • Dễ hình dung sự liên hệ cũng như sự thống nhất giữa các cơ quan trong cơ thể.
  • Mỗi người đều có thể tự làm cho mình khi rảnh rỗi, hoặc khi đọc sách, xem phim v.v…

Tuy chưa có bằng chứng khoa học nào về việc phản xạ học bàn chân có thể chữa lành bệnh ung thư hoặc tiểu đường, một số nghiên cứu (được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia và Viện Ung thư Quốc gia, Mỹ – xem thêm ở đây) đã chứng minh rằng kích thích phản xạ ở các chi có thể làm giảm cơn đau và do đó làm giảm lượng thuốc cần dùng; ngoài ra, các nghiên cứu này cũng xác nhận việc cải thiện tình trạng tâm thần, nỗi buồn, sợ hãi và căng thẳng, đồng thời nâng cao khả năng thư giãn và nghỉ ngơi cho bệnh nhân.

Riêng phương pháp phản xạ bàn chân đang ngày càng trở nên phổ biến vì được coi là phương pháp điều trị đặc trưng, ​​không xâm lấn, an toàn, không cần dùng thuốc hoặc chất tổng hợp. Đồng thời, việc làm quen và thực hành phương pháp này cũng rất đơn giản và ai cũng có thể tự áp dụng mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần một số hướng dẫn đơn giản và một bản sơ đồ (hoặc phác thảo) về các khu phản xạ ở bàn chân.

Các loại sơ đồ phản xạ bàn chân

ảnh: sơ đồ phản xạ theo Trung Y, internet.

Có rất nhiều sơ đồ phản xạ khác nhau theo truyền thống y học Trung Quốc, Tây Âu, Ấn độ v.v … thậm chí trong cùng một truyền thống thì đồ hình phản xạ của từng quốc gia cũng không hoàn toàn giống nhau.  Tuy nhiên sự khác biệt không quá lớn. Các phần cơ bản hầu hết đều tương đồng bởi lẽ các sơ đồ đều dựa trên nguyên lý phản xạ theo cấu tạo của cơ thể sinh học. Sẽ có một bài viết riêng so sánh một số điểm khác biệt trong khu phản xạ của Trung Y và Tây Y để tiện đối chiếu và tham khảo.

Ảnh bên là sơ đồ điểm phản xạ mu bàn chân theo Trung Y và sơ đồ theo Tây Y là ảnh dưới bên phải – để so sánh và sử dụng. Việc theo sát một sơ đồ, hoặc tham chiếu nhiều sơ đồ khác nhau đều có những lợi ích nhất định và hoàn toàn do mỗi cá nhân quyết định. Trong quá trình thực hành và rút ra kinh nghiệm, cái gì phù hợp với mình thì đều tốt.

Điều quan trọng cần lưu ý là:

  • có thể có sự chênh lệch đôi chút về sắp xếp/vị trí các cơ quan trong cơ thể ở từng người
  • tìm được điểm mà năng lượng rối loạn hoặc ách tắc, hay còn gọi là ‘điểm báo’, ‘A thị huyệt’ (theo cách gọi của môn bấm huyệt – về một điểm đau không trùng với huyệt nào trong toàn bộ hệ kinh mạch, mà là điểm cơ thể phản ánh sự ách tắc). Các điểm này cần sự kích thích, tác động để khơi thông, giúp giải phóng và điều hòa năng lượng. Cơ thể của chúng ta vô cùng tinh vi. Mỗi khi có rắc rối ở đâu đó, nó luôn luôn tìm cách báo hiệu bằng các điểm nhậy cảm như sưng, tấy, ngứa, hoặc đau (đôi khi chỉ thấy đau khi có tác động) hoặc vùng da viêm nhiễm. Trên cơ sở điểm báo, hoặc có thể tác động tại chỗ, hoặc tìm nơi tương ứng trên chân để điều hòa lại dòng tuần hoàn.
  • phản ứng của cơ thể khi tác động lên một điểm/vùng nhất định. Bằng việc quan sát và theo dõi kỹ các phản ứng khi có sự tác động giúp mỗi người tìm được cho riêng mình phương pháp/sơ đồ phù hợp.
ảnh: sơ đồ phản xạ theo Tây Y, internet.

Chẩn bệnh và trị bệnh với tâm thế gì?

Khi đã biết rõ bệnh (có chẩn đoán cụ thể) thì việc xử lý bằng day ấn phản xạ có hiệu quả rất cao, vì vậy, việc xác định vấn đề của cơ thể là hết sức quan trọng.

Để hiểu được gốc bệnh, chúng ta cần có:

  • kiến thức cơ bản về hệ nội tiết, tác động của chúng đến ngũ tạng và tuần hoàn để hiểu gốc bệnh
  • kiến thức cơ bản về hệ bạch huyết và cách cơ thể tự làm sạch, chống sự xâm nhập của bệnh tật
  • một chút kiến thức về mối liên quan giữa các cơ quan trong cơ thể
  • hoặc tư vấn từ những người có chuyên môn.

Việc chữa lành đòi hỏi sự kiên trì, có nghĩa là:

  • không vội vã khi chữa bệnh: việc hối hả khi điều trị dẫn đến những tác động quá mạnh, quá lâu dẫn đến cơ thể bị căng thẳng (quá đau đớn, ngoài khả năng đào thải độc tố v.v) dẫn đến hệ lụy từ bệnh này sinh bệnh khác, hoặc phản ứng chữa lành quá mạnh gây sốc cho cơ thể;
  • hiểu được nguồn gốc của bệnh và chữa lành từ căn bản, không chỉ chữa các triệu chứng;
  • hiểu được tỷ lệ thuận giữa thời gian mắc bệnh và thời gian chữa lành, với những bệnh lâu năm, cần thời gian lâu hơn những bệnh theo mùa như cảm lạnh, viêm họng, ngộ độc thức ăn v.v…

Một số lưu ý:

  1. Phản ứng tiêu cực: nếu thấy cơ thể có phản ứng khó chịu (nôn nao, chóng mặt, thay đổi nhịp tim đột ngột v.v…) trong hoặc sau khi kích thích khu phản xạ, nên ngừng điều trị một vài ngày trước khi thử lại.
  2. Với những bệnh mãn tính hoặc nghiêm trọng, phương pháp phản xạ bàn chân nên được coi là một phương pháp điều trị tương hỗ, có nghĩa nó là một phương pháp có thể được sử dụng cùng với thuốc thông thường để hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chữa lành chứ không nên sử dụng như một phương pháp điều trị độc lập hoặc thay thế, cho đến khi cơ thể phục hồi đến giai đoạn có thể dừng việc dùng thuốc.
  3. Phản xạ bàn chân nhìn chung rất an toàn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, không nên thực hành khi không có hướng dẫn chuyên môn:
    • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai: vì chưa có chứng minh rằng pp này không làm tăng nguy cơ chu kỳ sinh nở không tự nhiên;
    • Tình trạng da: bất kỳ sự viêm nhiễm bàn chân ví dụ như viêm da, bệnh vẩy nến hoặc thủy đậu;
    • Có chấn thương: vết nứt, vết thương không lành hoặc bệnh gút đang phát tác (tại bàn chân).

Các bài về phản xạ bàn chân tiếp theo sẽ cung cấp thông tin về hệ nội tiết và sự liên quan của nó đến ngũ tạng; hệ bạch huyết và phương pháp thúc đẩy thải độc để phòng và chữa bệnh; một số phương pháp tự chẩn đoán sơ lược v.v… để giúp chúng ta làm quen và dần dần áp dụng vào thực tế cuộc sống hàng ngày, cho bản thân và gia đình để bảo vệ sức khỏe./.

Trạm Yên tổng hợp.

Tham khảo thêm:

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments