‘Cũng có các vị nêu nghi vấn: “Chân đèn và tượng Phật khác nhau, làm sao bình đẳng được? Chúng ta hoạt động và bàn, ghế dựa, ghế dài [bất động], làm sao bình đẳng được?” Đúng vậy! Không bình đẳng. Nhìn từ đâu mà thấy không bình đẳng? Quý vị khởi tâm động niệm nơi tướng, cho nên không bình đẳng.

Bình đẳng ở đây là nói tới cái tâm quý vị bình đẳng, chứ không phải nói tới sự bình đẳng nơi hình tướng bên ngoài. Nếu quý vị hiểu ý nghĩa này, tâm quý vị sẽ rốt ráo bình đẳng nơi cảnh giới, không phải là nói sự bình đẳng nơi tướng. Về tướng, thì năm đầu ngón tay duỗi ra dài ngắn không đều, làm sao bình đẳng được? Nếu trong cảnh giới, tâm quý vị chẳng nhiễm đắm hết thảy, tâm bình đẳng, sẽ thấy tướng bên ngoài cũng thanh tịnh. Vì sao thanh tịnh? Tướng chẳng nhiễm ô tâm, bình đẳng là nói theo cách này.

ảnh: thơ của Thiền Sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn

Hết thảy các tướng đều là giả danh lập ra, chẳng chân thật. Hết thảy sắc tướng là Y Tha Khởi Tánh, tướng danh tự là Biến Kế Sở Chấp Tánh, đều chẳng có tự tánh, chẳng có tự thể! Do vậy, hết thảy tướng quả thật là bình đẳng. Hết thảy tướng ấy, nhìn từ Thể thì chẳng những Tánh Thể là bình đẳng, mà thể chất cũng bình đẳng.

Sâm la vạn tượng theo sự quan sát của các nhà khoa học đều do các lạp tử cơ bản (elementary particles) hợp thành. Con mắt của các nhà khoa học thấy sâm la vạn tượng đều là các lạp tử cơ bản, [như vậy, nhìn từ quan điểm vật chất đều do các lạp tử cơ bản kết hợp thành thì] tướng cũng bình đẳng, nhưng [tướng bình đẳng ấy] vẫn chưa phải là rốt ráo bình đẳng đang được nói tới ở đây. Rốt ráo bình đẳng phải quan sát từ thể tính, nó là gì vậy? “Duy thị nhất tâm” (chỉ là nhất tâm).

Tận hư không, trọn pháp giới chỉ là nhất tâm. Do vậy, nếu tâm của quý vị đã nhất, nếu tâm quý vị đã bình đẳng thì sẽ nhập Nhất Chân pháp giới, chứ không phải mười pháp giới. “Nhất Chân pháp giới” là tên gọi bất đắc dĩ, bậc Địa Thượng Bồ Tát đăng địa trụ trong Nhất Chân pháp giới. Do vậy, nói theo phương diện Tính Thể hay nói theo phương diện thể chất thì tuyệt đối bình đẳng, nhưng luận theo phương diện huyễn tướng, chúng chẳng bình đẳng.

Huyễn tướng là huyễn, chẳng thật, giả đấy! Đừng bị giả tướng mê hoặc, người học Phật phải nghiêm túc đừng nhận lầm cái giả thì mới được!

(Pháp sư Tịnh Không giảng) 

Ghi chú: Tính: là nói về Lý, về thuộc tính cơ bản; Tướng: là nói về Sự, về những gì các giác quan thấy được.

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments