Thước đo tối hậu của một người đàn ông không phải là việc anh ta làm gì khi thuận buồm xuôi gió, mà anh ta như thế nào vào những thời điểm khó khăn…

Martin Luther King, Jr.

Trầm cảm ở nam giới là một tình trạng bệnh lý khá nghiêm trọng nhưng nhiều người hoặc không nhận ra, hoặc cố gắng phớt lờ hay từ chối điều trị. Vì nhiều lý do, chứng trầm cảm ở nam giới thường không được quan tâm, chẩn đoán kịp thời, từ đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đôi khi là bi thảm. Nhưng khi được điều trị, bệnh trầm cảm ở nam giới hầu như thuyên giảm nhanh chóng. Hiểu rằng trầm cảm là một bệnh tâm lý dễ gặp – tuy không thông thường như cảm cúm nhưng cũng cũng không ít hơn bệnh huyết áp hay đau cơ xương khớp – và hoàn toàn có thể giải quyết triệt để, chúng ta sẽ có cái nhìn thân thiện hơn đối với căn bệnh này, và nhờ sự thân thiện đó, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua nó.

Nguyên nhân gây trầm cảm ở nam giới

Không có nguyên nhân duy nhất nào gây trầm cảm ở nam giới. Các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội đều đóng vai trò cũng như các lựa chọn về lối sống, các mối quan hệ và kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống.

Mặc dù bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể bị trầm cảm trong một giai đoạn hoặc thời điểm nào đó của cuộc đời, nhưng có một số yếu tố nguy cơ khiến đàn ông dễ bị tổn thương hơn, chẳng hạn như:

  • Cô đơn và thiếu hỗ trợ xã hội
  • Thiếu khả năng đối phó hiệu quả với căng thẳng
  • Thiếu khả năng tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình, bạn bè
  • Ở giai đoạn thay đổi tâm lý như độ tuổi thanh thiếu niên, độ tuổi mãn dục nam
  • Đối diện với khó khăn (công việc, kinh tế, gia đình, sức khỏe bản thân …) trong khoảng thời gian dài
  • Tiền sử lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện
  • Sang chấn tâm lý hoặc bị lạm dụng thời thơ ấu
  • Người lớn tuổi có ít giao tiếp xã hội

Tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng

Trầm cảm ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ theo những cách khác nhau. Mặc dù trầm cảm xảy ra ở nữ nhiều hơn, nhưng mức độ ở nghiêm trọng lại thường gặp ở nam giới, do trầm cảm có thể bị che giấu bởi hành vi đối phó không lành mạnh.

Ví dụ:

  • Nam giới trầm cảm thường dễ thấy cáu kỉnh, cảm thấy bị cô lập hoặc tự thu mình lại, giảm nhu cầu giao tiếp, giảm tương tác trong gia đình
  • Một số đàn ông khi trầm cảm có nhu cầu ‘trốn thoát cảm xúc’ bằng cách làm việc mọi lúc, luôn luôn bận rộn tìm việc để làm
  • Họ có thể bắt đầu uống rượu bia nhiều hơn và lạm dụng chúng

Triệu chứng trầm cảm ở nam giới

Tuy còn cần tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu, điều rõ ràng là các triệu chứng trầm cảm khác nhau ở nam và nữ, có thể do chất hóa học trong não, hormone, thể chất, tính cách và kinh nghiệm sống của mỗi bên. Đàn ông có xu hướng sử dụng các kỹ năng đối phó – lành mạnh và không lành mạnh – khác hơn nhiều so với phụ nữ. Những khác biệt này cũng có thể xuất phát từ vai trò truyền thống của nam giới, vốn không được khuyến khích việc thể hiện cảm xúc – đặc biệt là các cảm xúc được cho là ‘yếu đuối’, ‘ít nam tính’ – và được ‘định hướng’ để mạnh mẽ, theo đuổi thành công, quyền lực và cạnh tranh.

Dưới đây là chín triệu chứng trầm cảm phổ biến mà mọi người đều trải qua (nam, nữ và phi giới tính, ở các độ tuổi), cần phải có ít nhất 5 trong số này để được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm:

  1. Tâm trạng chán nản: Cảm thấy buồn bã hầu như suốt ngày, gần như mỗi ngày.
  2. Mất hứng thú và niềm vui: Giảm rõ rệt sự hứng thú/niềm vui trong tất cả (hoặc gần như tất cả) hoạt động trong hầu hết thời gian trong ngày.
  3. Thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng (ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường).
  4. Rối loạn giấc ngủ (quá nhiều hoặc quá ít).
  5. Di chuyển chậm hơn bình thường hoặc thực hiện các động tác vô nghĩa do lo lắng (ví dụ như vặn tay).
  6. Thiếu năng lượng: Cảm thấy mệt mỏi gần như mỗi ngày.
  7. Cảm thấy tội lỗi quá mức và/hoặc vô giá trị.
  8. Gặp khó khăn trong việc tập trung và/hoặc đưa ra quyết định.
  9. Có suy nghĩ lặp đi lặp lại về cái chết, ý nghĩ tự tử hoặc đôi khi ước mình chết đi.

Tuy nhiên, các hành vi khác ở nam giới có thể là triệu chứng trầm cảm bao gồm:

  1. Có vấn đề trong việc hòa hợp với người khác, bao gồm với bạn đời, con cháu và các thành viên khác trong gia đình;
  2. Có hành vi ‘trốn chạy cảm xúc’, làm việc quá sức;
  3. Thường xuyên có bất ổn trong cơ thể, chẳng hạn như đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa và các loại đau đớn khác
  4. Có vấn đề với việc sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất gây nghiện;
  5. Có tâm lý và hành vi kiểm soát người khác, hung hăng, bạo lực hoặc lạm dụng, thao túng;
  6. Hay khó chịu hoặc tức giận, và vượt quá tầm kiểm soát;
  7. Có các hành vi nguy hiểm, bốc đồng, liều lĩnh trong hoạt động như lái xe, trèo leo v.v…
  8. Kiêu ngạo (như một cách để che giấu sự bất an)

Như vậy có thể thấy, các dấu hiệu trầm cảm ở nam giới không phải lúc nào cũng giống như 9 triệu chứng phổ biến. Do đó, nguy cơ bị bỏ qua, chẩn đoán muộn, sai hoặc bị bỏ sót chứng trầm cảm là lớn. Vì vậy việc nhận thức được các dấu hiệu trầm cảm đôi khi khác nhau như thế nào giữa hai giới là rất quan trọng và cần thiết.

Những hành vi nêu trên có thể là dấu hiệu trầm cảm, tuy nhiên chúng có thể trùng lặp với các vấn đề sức khỏe tâm thần khác hoặc có thể liên quan đến tình trạng bệnh lý khác. Cả hai trường hợp đều cần có sự trợ giúp của người có chuyên môn để tìm ra nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.

Trầm cảm ở nam giới thường không được chẩn đoán kịp thời

Có nhiều lý do, trong đó thường gặp như:

  1. Không nhận ra trầm cảm. Bình thường chúng ta cho rằng cảm giác buồn bã, chán nản hay xúc động thái quá là triệu chứng chính của bệnh trầm cảm. Nhưng đối với (nhiều) đàn ông, điều này không chính xác. Đôi khi, nhức đầu dai dẳng, các vấn đề về tiêu hóa, cảm giác mệt mỏi, khó chịu hoặc đau nhức kéo dài lại là triệu chứng của trầm cảm. Từ sự nhầm lẫn này, người đàn ông có thể cảm thấy chán nản, bị cô lập (thấy không ai hiểu mình) hoặc họ tự cô lập bản thân, tìm cách phân tâm để không phải đối mặt với cảm xúc hoặc các mối quan hệ xung quanh.
  2. Xem nhẹ các triệu chứng. Hoặc là vì sự hiểu nhầm nói trên, hoặc nam giới có thể không muốn thừa nhận với bản thân hoặc bất kỳ ai khác rằng họ đang bị trầm cảm, nên họ xem nhẹ hoặc thậm chí phớt lờ, che đậy, sử dụng những hành vi không lành mạnh để giấu giếm. Tuy nhiên, trầm cảm không được quan tâm, điều trị sẽ chỉ khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên tồi tệ hơn.
  3. Không muốn nói về bệnh trầm cảm và các triệu chứng của nó: khó khăn để cởi mở khi nói về cảm xúc của mình với gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Phần nhiều nam giới được dậy và được học cách tập trung vào sự tự chủ, sự độc lập, sự mạnh mẽ của bản thân. Họ có thể cho rằng việc thể hiện cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc liên quan đến bệnh tâm lý là không nam tính và vì vậy họ cố gắng che đậy chúng, dần dần việc nói về bản thân và cảm xúc của bản thân càng khó khăn hơn.
  4. Không muốn điều trị sức khỏe tâm lý, tâm thần. Ngay cả khi cho rằng mình bị trầm cảm, có thể họ cũng không muốn được chẩn đoán hoặc điều trị vì lo lắng rằng sự kỳ thị về bệnh liên quan đến tâm lý hay tâm thần có thể gây mất hình ảnh, thậm chí tổn hại cho công việc hoặc khiến gia đình và bạn bè mất đi sự tôn trọng đối với họ.

Nguy cơ của nam giới trầm cảm và một số gợi ý vượt qua

Mặc dù nhiều phụ nữ có ý định tự tử hơn nam giới nhưng nam giới lại có nhiều khả năng tự tử thật sự hơn. Bởi vì đàn ông có thể hành động đột ngột vội vã hơn vào thời điểm có ý nghĩ tự tử, họ ít thể hiện các dấu hiệu cảnh báo hơn phụ nữ (chẳng hạn như nói về việc tự tử …). Ngoài ra, đàn ông có nhiều khả năng chuyển sang sử dụng chất gây nghiện để đối phó, điều này làm tăng các cảm xúc tiêu cựu và nguy cơ tự tử.

Các việc ban đầu có thể làm khi bản thân hoặc người thân là nam giới bị trầm cảm

  • (khuyến khích) liên hệ với một người bạn thân hoặc người trong gia đình mà họ cảm thấy tin tưởng, an toàn để được trợ giúp về tinh thần;
  • (khuyến khích) nói chuyện với một người có tiếng nói, được tin tưởng và tôn trọng;
  • (khuyến khích) đặt hẹn với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Nhận trợ giúp là cần thiết

Yêu cầu giúp đỡ có thể khó khăn đối với đàn ông. Nhưng nếu không điều trị, trầm cảm sẽ không biến mất và có thể trở nên tồi tệ hơn. Trầm cảm không được điều trị có thể khiến bản thân và những người gần gũi đau khổ. Nó có thể gây ra vấn đề trong mọi mặt của cuộc sống bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, công việc, mức độ và khả năng hòa hợp với người khác và thậm chí cả sự an toàn cá nhân.

Trầm cảm, ngay cả khi đã ở mức độ nặng, thường thuyên giảm khi dùng thuốc hoặc tư vấn, bao gồm cả liệu pháp nói chuyện, còn được gọi là liệu pháp tâm lý. Đôi khi cả thuốc và tư vấn cùng được sử dụng. Đi tìm sự trợ giúp tinh thần là dấu hiệu của sức mạnh, bởi xin lời khuyên hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần đòi hỏi sự dũng cảm đối diện với bản thân và xã hội.

Làm việc với người có chuyên môn về sức khỏe tâm thần có thể giúp:

  1. Học cách lưu ý đến và nhận ra các cảm xúc của bản thân, đồng thời lập kế hoạch làm thế nào để cải thiện các cảm xúc đó;
  2. Học cách điều chỉnh và chuyển hóa căng thẳng, chẳng hạn như thiền định, chánh niệm;
  3. Học cách điều chỉnh suy nghĩ của bản thân và thử những cách tiếp cận mới cho các tình huống quen thuộc trong cuộc sống, công việc;
  4. Học cách lập thứ tự ưu tiên: điều gì là quan trọng trong cuộc sống của bản thân và hướng tới những giá trị đó;
  5. Lập các mục tiêu thực tế và sắp xếp theo thứ tự dựa trên tầm quan trọng;
  6. Học cách tìm sự hỗ trợ tinh thần từ phối ngẫu, đối tác, đồng nghiệp, người thân trong gia đình hoặc bạn bè. Tìm hiểu cách tạo kết nối xã hội và tham gia vào các hoạt động xã hội.
  7. Học cách để trở nên quyết đoán và mạch lạc hơn trong việc cởi mở và xử lý cảm xúc của bản thân. Trở nên quyết đoán là yêu cầu một cách hợp lý  trong các mối quan hệ và các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Và từ chối hay bày tỏ sự bất đồng quan điểm một cách bình tĩnh.
  8. Phát triển trí tuệ cảm xúc: Đàn ông cảm nhận rất sâu sắc. Tuy nhiên, không phải lúc nào đàn ông cũng biết chắc chắn mình nên làm gì với những cảm xúc mạnh mẽ khi chúng trỗi dậy. Tuy không phải tất cả đàn ông đều như vậy, nhưng nhìn chung, con trai ít cơ hội phát triển trí tuệ cảm xúc hơn con gái. Họ có nguy cơ bị yêu cầu “đàn ông lên”. Vì vậy đàn ông bỏ qua cảm xúc và hành động như thể không có chuyện gì xảy ra, thay vì khám phá các phản ứng của bản thân và sử dụng chúng.

Một số ý tưởng cho nam giới đang trầm cảm

  • Nên tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc các hoạt động từng ham thích, chẳng hạn như thể thao, âm nhạc, đọc sách, chăm sóc sức khỏe (yoga, khí công, bấm huyệt v.v…), đánh cờ, câu cá, vẽ tranh, thiền v.v… hay bất kỳ sở thích lành mạnh nào khác. Nỗ lực cố gắng dù đôi khi không muốn.
  • Nỗ lực giúp đỡ những người xung quanh khi có thể. Nghiên cứu cho thấy tâm trạng được cải thiện nhiều việc giúp đỡ mọi người. Vì vậy, hãy tìm mọi cách – dù lớn hay nhỏ – giúp đỡ người khác từ những việc vặt trong gia đình cho tới việc làm điều gì đó tốt đẹp cho ai đó.
  • Rủ ai cùng tham gia hòa nhạc, xem phim, kịch, bảo tàng hay đi mua sắm … rồi cùng thảo luận
  • Nên đợi cho đến khi cảm thấy tinh thần tốt hơn trước khi đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như thay đổi công việc, mua bán lớn, ly hôn v.v…
  • Liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp cũ hoặc người thân ở xa.
  • Lên lịch trình cho bản thân và lựa chọn lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, không hoặc sử dụng điều độ rượu để có sức khỏe tâm thần tốt hơn.

Học cách xác định cảm xúc và cách thể hiện chúng một cách thích hợp (thay vì tích tụ và bùng nổ) sẽ giúp nam giới nhẹ nhàng thoát khỏi trầm cảm. Có rất nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh trầm cảm cả trực tuyến và tại các trung tâm y tế. Vì vậy, đừng bỏ qua, đừng cố gắng tự mình đối phó và đừng e ngại tìm kiếm sự hỗ trợ.

Sức khỏe tinh thần là điều luôn luôn nên được ưu tiên quan  tâm, chăm sóc cho một cuộc sống thanh thản, vui vẻ, an lành!

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments