Dù có chuyện gì xảy ra, dù hôm nay sự thể có tồi tệ đến đâu thì cuộc sống vẫn tiếp diễn và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn…

Maya Angelou

Chữa lành thường là một quá trình khó khăn và diễn ra từ từ. Biết rằng mình đang trên con đường phục hồi bao gồm việc quan sát những thay đổi trong cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân theo thời gian. Dưới đây là những dấu hiệu nhận thấy việc chữa lành cảm xúc đang có tiến triển tích cực:

Tâm trạng ổn định hơn: Khi các vết thương được chữa lành, biến động cảm xúc mãnh liệt sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng ta cảm thấy cân bằng hơn, tâm trạng thay đổi thất thường giảm đi và ít nghiêm trọng hơn.

Bớt lo lắng hay sợ hãi: Khi hồi phục, chúng ta có thể nhận thấy cảm giác lo lắng và sợ hãi giảm đi. Những tình huống từng mang lại cảm giác bị đe dọa hoặc ngộp thở giờ đây gây ra những phản ứng ít gay gắt hơn. Mặc dù tổn thương có thể khiến chúng ta bị nhốt trong quá khứ bằng những ký ức đau buồn, nỗi oán hận v.v. nhưng việc chữa lành giúp chúng ta tập trung hơn vào hiện tại và lên kế hoạch cho tương lai mà không thường xuyên sợ hãi.

Tăng khả năng đối phó và tự phục hồi: Chúng ta có thể nhận thấy khả năng đối phó với căng thẳng của mình tốt hơn và dễ dàng, nhanh chóng phục hồi sau thất bại. Điều này cho thấy một nền tảng cảm xúc vững chắc đang được xây dựng lại.

Các mối quan hệ lành mạnh hơn: Việc chữa lành thường dẫn đến việc cải thiện chất lượng các mối quan hệ. Chúng ta có thể thấy dễ dàng hơn khi giao tiếp, bày tỏ sự đồng cảm và duy trì ranh giới lành mạnh với những người xung quanh. Điều này xuất phát từ ý thức về giá trị bản thân cao hơn thông qua chữa lành, giúp cải thiện hình ảnh bản thân và nâng cao lòng tự trọng. Chúng ta bắt đầu cảm thấy xứng đáng được hạnh phúc và tôn trọng.

Tăng khả năng tự nhận thức: Quá trình chữa lành mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân. Chúng ta trở nên nhạy cảm và nhạy bén hơn về cảm xúc của mình cũng như các tác nhân ảnh hưởng đến chúng, hòa hợp hơn với nhu cầu và cảm giác thể chất nội tại. Điều này giúp chúng ta dễ dàng điều chỉnh các phản ứng cảm xúc của mình.

Khả năng trải nghiệm niềm vui: Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của việc chữa lành cảm xúc là sự trở lại của niềm vui trong các hoạt động hàng ngày. Chúng ta bắt đầu tận hưởng cuộc sống nhiều hơn và sẵn sàng tham gia vào các sở thích, thú vui.

Bao dung và tha thứ: Cho dù đó là cho bản thân hay người khác, khả năng bao dung và sự tha thứ là những dấu hiệu mạnh mẽ của sự chữa lành. Chấp nhận những gì đã xảy ra, hiểu rằng đó là một phần câu chuyện chứ không phải toàn bộ con người mình. Buông bỏ những tổn thương và oán giận trong quá khứ có thể giải phóng không gian cảm xúc và giảm bớt xung đột nội tâm.

Chất lượng giấc ngủ tăng: Cảm xúc đau khổ thường làm gián đoạn giấc ngủ. Sự chữa lành có thể thấy rõ qua sự cải thiện về chất lượng giấc ngủ, chẳng hạn như ngủ nhanh hơn, ngủ sâu  hơn, ít tỉnh giấc giữa đêm hoặc cảm thấy sảng khoái hơn khi thức dậy.

Quan điểm tích cực về cuộc sống: Khi chữa lành cảm xúc, chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi trong quan điểm của mình về cuộc sống: nhiều hy vọng và lạc quan hơn về tương lai, ngay cả khi đối mặt với thử thách.

Lòng trắc ẩn và lòng tốt: Cuối cùng, việc chữa lành thường dẫn đến lòng từ bi với bản thân. Chúng ta tử tế hơn với bản thân và sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm của mình.

Những dấu hiệu chữa lành có thể rất khác nhau ở mỗi người. Điều quan trọng là chúng ta đón nhận và ghi nhận ngay những thay đổi này khi chúng xảy ra, đồng thời nhận ra rằng việc chữa lành không phải là một hành trình tuyến tính đi thẳng từ A đến B mà là một hành trình có những thăng trầm, có lúc lùi bước, nhưng việc tiến lên là chắc chắn và đem lại những kết quả rõ rệt về tinh thần.

Những tiến bộ tuy nhỏ, sẽ là động lực lớn lao cho chúng ta bước tiếp để chữa lành toàn diện cho niềm vui lâu bền của bản thân./.

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments