Hạnh phúc là gì? bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra …

(thơ Dương Hương Ly)

Hạnh phúc là gì? câu hỏi muôn thuở, chưa bao giờ cũ. Con người sinh ra, trưởng thành khác nhau nhưng tất cả đều mưu cầu một điều chung: hạnh phúc. Mà hình như hạnh phúc không thể thiếu tự do: tự do tư tưởng, tự do tinh thần, tự do thân thể… bị cầm tù thì vui sao được?

Chúng ta luôn khao khát, kiếm tìm những gì mà nội tâm ta cảm thấy thiếu thốn. Và có lẽ 100% chúng ta đều kiếm tìm hạnh phúc, bình an. Cuộc sống chứa đựng vô vàn mâu thuẫn khó lý giải. Ví dụ: nắng lên là vui, nhưng nắng mãi là mệt. Cũng như vậy, trong chúng ta tiềm ẩn một nhu cầu tự do mãnh liệt, song hành với nhu cầu, thậm chí khát khao được gắn kết, được yêu thương, được bám rễ – thuộc về ai đó, nơi nào đó, hay điều gì đó.

Để rồi, giữa những niềm vui, sự sôi động và cả những tiếng cười, những giọt nước mắt sung sướng của sự gắn kết, yêu thương đó, con người lại thiết tha mong ước những phúc giây đơn độc, một mình … bởi lẽ chúng ta là một thực thể phức hợp của các cảm xúc trộn lẫn giữa buồn, vui, yêu, ghét, sợ hãi, khát khao … của nội tâm vừa vô thức vừa có ý thức. Giữa những mâu thuẫn với thống nhất đan xen, con người mải miết đi tìm kiếm mà không biết tìm đâu để có được cảm giác trọn vẹn tràn đầy, cảm giác ‘hạnh phúc viên mãn’, ‘tự tại’, ‘bình an’ không thay đổi.    

Phải chăng ràng buộc là điều kiện của niềm vui?

Trở lại với sự mâu thuẫn của cuộc sống, một mối quan hệ gắn bó mật thiết thỏa mãn được nhu cầu gắn kết, được yêu thương và mang lại cảm giác an toàn dù chưa phải sự bình an, những giây phúc thăng hoa tuy chưa phải hạnh phúc thực sự, vốn là khao khát tự nhiên của con người.

Cho tới một ngày, sự thân thuộc trở thành lệ thuộc; sự gắn bó thành ràng buộc thì phiền phức phát sinh, khi mỗi người đều thiếu không gian/thời gian để được là chính mình. Bởi vì dù ít hay nhiều trong sự gắn kết, tính cá nhân bị ảnh hưởng, mỗi người (dù vô thức hoặc có ý thức) đều đeo mặt nạ dầy mỏng khác nhau để ‘vừa vặn’ trong mối quan hệ mong ước – với suy nghĩ và trông đợi rằng mối quan hệ (mong ước) ấy sẽ là nguồn hạnh phúc dài lâu – và nếu thiếu mối quan hệ đó, thì mình còn giá trị gì? Mình sẽ ra sao đây? Những suy nghĩ khiến chúng ta trở nên bị giam cầm, phụ thuộc vào một sự gắn kết xuất phát từ những mong đợi mơ hồ, và cả những vết thương sâu thẳm chưa được chữa lành của bản thân – những vết thương tưởng chừng ngủ yên, cho tới khi đối phương hay mối quan hệ không ổn, không như mơ ước, lập tức trỗi dậy mang đến những nỗi khổ niềm đau cùng nỗi sợ hãi len lỏi trong từng phút giây của cuộc sống.

Từ thói quen xã hội và gia đình, chúng ta nhầm tưởng rằng: một mối quan hệ, một ai đó để yêu thương và được yêu thương trở thành chỉ dấu, thậm chí cội nguồn của hạnh phúc. Chúng ta trở nên khát khao được sống trong tình yêu. Khi có người yêu, chúng ta cảm thấy tự tin, vui sướng, có phần hãnh diện, và chúng ta gán các cảm giác đó với hạnh phúc. Chính vì vậy, khi mối quan hệ bắt đầu có vấn đề, chúng ta dễ dàng rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng với bản thân, với đối tác và đôi khi, cả vấn đề ngoại tình.

Vậy làm sao để hạnh phúc mà vẫn tự do?

Giá trị tự do luôn là niềm khao khát của con người. Và chỉ khi chúng ta trải qua nỗi cô đơn, lặn sâu vào sự đơn độc của bản thân, thì chúng ta mới có thể trải nghiệm được giá trị tự do tuyệt đối: tự do nơi chính tâm trí mình. Như vậy, mất kết nối với chính mình mới là điều khiến cho chúng ta trở nên bơ vơ, lạc lõng và yếu đuối. Khi cảm giác cô đơn trỗi dậy, chúng ta cảm thấy buồn bã và lập tức có nhu cầu kết nối với người khác mà  không nhận ra rằng chính bản thân mình mới là người đầu tiên chúng ta cần thân mật, thấu hiểu và gắn kết.

Không ít người nói, cái giá của tự do là cô đơn, có phải thế chăng? Một vòng lẩn quẩn khiến cho chúng ta cảm nhận cuộc đời như những tấn bi hài kịch. Khi không có ai để kết đôi thì cảm giác cô đơn, một mình, lạc lõng, tự ti về bản thân. Thiếu thốn năng lượng yêu thương đem đến cảm giác chông chênh, bơ vơ, yếu đuối. Còn khi kết đôi, thì than ôi là rắc rối, mệt mỏi, căng thẳng. Rất nhiều trong chúng ta đang trong hoàn cảnh tréo ngoe, rơi vào sự phân vân rối loạn giữa việc lựa chọn tự do hay tiếp tục chịu đựng sự ràng buộc để giữ ảo tưởng, thậm chí hình ảnh rằng mình đang hạnh phúc – bởi sự nhầm lẫn rằng cô đơn là cảm xúc tiêu cực, là đáng thương, tội nghiệp, là không có ai yêu thương trân trọng mình, là giá trị của bản thân mình tụt giảm, ngược lại, có ai đó yêu mình có nghĩa là mình có giá trị.

Thực ra, sự đơn độc là trạng thái cơ bản của con người – sinh ra một mình và ra đi cũng một mình, tuyệt đối không thể chia sẻ, chưa kể giữa những thăng trầm của cuộc sống, ai là người thật sự thấu hiểu mọi nỗi niềm? Như vậy, nếu chúng ta hiểu sâu sắc về sự đơn độc của bản thân, chúng ta có thể tận dụng cơ hội để tận hưởng, biết ơn và mến yêu cuộc sống. Bởi lẽ, sự đơn độc giúp chúng ta quay vào bên trong, dành thời gian để quan sát và lắng nghe chính mình, để hiểu về giá trị chân thật của chính mình. Khi ấy chúng ta mới ‘là mình’ nhất, chân thật và hồn nhiên như khi ta còn là đứa trẻ hoàn toàn trong sáng. Dũng cảm đối diện và sống vui với sự đơn độc của bản thân sẽ giúp chúng ta phát triển một nội tâm mạnh mẽ, đồng thời hiền hòa, êm dịu – như bàn tay non nớt của em bé có thể nắm rất chặt ngón tay của Mẹ. Khám phá và thấu hiểu bản thân mình mang lại khả năng cảm nhận sự thú vị và niềm vui của sự tự gắn kết – niềm vui không cần bất cứ ai, hay lý do nào từ bên ngoài. Cô đơn chỉ là một trạng thái cảm xúc: tạm thời và luôn thay đổi. Nếu chúng ta có thể hưởng thụ nỗi cô đơn để tìm hiểu bản thân và xây dựng giá trị cho đời sống của mình, thì chẳng phải nỗi cô đơn đó đã giúp cho ta sống sâu sắc và chân thật hơn sao? và khi ấy, cảm giác cô đơn trở thành sự đơn độc tự do bởi nó cho chúng ta cơ hội kết nối với bản thể thẳm sâu nội tại, để tự nuôi dưỡng năng lượng sống của bản thân, để trui rèn sự mạnh mẽ nội tâm, sẵn sàng và đủ sức vượt qua mọi biến cố của cuộc đời. Một tâm trí hồn nhiên, cởi mở, sẵn sàng tận hưởng sự thăng trầm của cuộc sống với sự mãnh mẽ đầy yêu thương, chẳng phải là cội nguồn của hạnh phúc sao?

Và kỳ lạ thay, khi chúng ta an trú vào sự đơn độc tự do sâu thẳm trong bản thân, thấu hiểu chính mình, thì mọi sự gắn kết bên ngoài trở nên đầy niềm vui, trở thành sự hân hoan mặc cho những thăng trầm. Ta gắn bó mà không phụ thuộc. Ta yêu thương sâu sắc mà không lụy bởi tình yêu.

Câu trả lời đơn giản đến vậy, mà sao giờ ta mới nhận ra? Nào hãy cùng trở về với chính mình, âu yếm nội tâm mình, hãy nuôi dưỡng tình yêu nội tại cho tròn đầy, để sẵn sàng trao tặng và sẻ chia mà không bao giờ vơi cạn – bởi tự do chính là điều kiện cần của hạnh phúc./.

bài thơ: Con Chim Nhảy Nhót

tác giả: Chử Văn Long

Em như con chim nhảy nhót trên đồng
Anh giăng lưới tình yêu bắt được
Rồi tháng ngày quên đi tiếng hót
Quên cả nụ cười giọng nói ngây thơ

Anh đan chiếc lồng yêu thương thật đẹp
Nhốt em vào và nhốt cả anh
Ở trong ấy quên đời chật hẹp
Và dần dần quên cả trời xanh

Con đường quê màu hoa cỏ dại
Bước sớm mai ta vẫn đi về
Nhưng chẳng còn dừng chân để hái
Chẳng còn thầm thì chờ đợi si mê

Giọt nước mắt ướt vai anh, em khóc
Nhớ lại sao như là chuyện mơ màng
Đâu rồi nhỉ những ngây thơ hạnh phúc
Ơi con chim nhảy nhót trên đồng

guest
2 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments