Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh đóng một vai trò rất lớn trong việc chống lại bệnh tật. Hệ thống miễn dịch tạo ra các tế bào bạch cầu và protein để ngăn chặn và loại bỏ các vi sinh vật và độc tố gây bệnh. Bằng cách này, cơ thể sẽ trừ được mầm bệnh trước khi chúng nhân lên trong cơ thể và gây các bệnh nặng.

khoa học thường thức

Nhận biết sức khỏe của hệ thống miễn dịch và cách bạn có thể giữ nó ở trạng thái tốt nhất.

Lần cuối cùng bạn cảm thấy thực sự khỏe mạnh là khi nào? Với mỗi người, sức khỏe khác nhau (rõ rệt) theo từng giai đoạn cuộc đời. Chúng ta có thể dễ dàng rơi vào kiểu bỏ qua những điều (tưởng như) vớ vẩn nhưng lại khiến cơ thể khó chịu cả ngày. Như thỉnh thoảng bị nghẹt mũi, uể oải vào buổi sáng (hoặc buổi chiều hay buổi tối). Thức dậy cạn năng lượng, không có cảm hứng làm việc … nhưng rồi vẫn qua từng ngày, nghe quen quen, phải không?

Tuy nhiên, việc thường xuyên bỏ qua những rắc rối ‘nho nhỏ’ này, cuối cùng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như việc hình thành bệnh mãn tính. Vì vậy, hãy dành chút thời gian, nghiêm túc cùng nhau tìm hiểu hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Thông thường chúng ta ít khi quan tâm đến cơ thể, cho đến khi lăn ra ốm. Lúc đó ta thường tự hỏi làm thế nào để tăng cường hệ thống miễn dịch của mình một cách nhanh chóng. Biết các dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể giúp chúng ta sớm nhận ra các thay đổi trong cơ thể, khi ‘bệnh’ còn  đang ở mức hình thành.

Hệ thống miễn dịch là gì?

Hệ thống miễn dịch cực kỳ tinh vi và có kết cấu phức tạp! Nó ảnh hưởng đến mọi bộ phận khác trên cơ thể. Phần đông chúng ta không hiểu tầm quan trọng của việc giữ cho hệ thống miễn dịch của mình khỏe mạnh. Căng thẳng liên tục, thiếu ngủ hoặc làm việc quá sức có thể gây tổn hại cho hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tổn thương.

Điều quan trọng là trước tiên chúng ta cần hiểu hệ thống miễn dịch trước khi có thể bắt đầu làm cho nó mạnh mẽ hơn! Có hai loại trong hệ thống miễn dịch nói chung, hệ thống miễn dịch bẩm sinh và hệ thống miễn dịch thích ứng của bạn.

Miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh là thứ mà mỗi người sinh ra đã có. Nó tạo thành tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh và các vi trùng khác xâm nhập cơ thể. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch thích nghi sẽ hình thành theo thời gian khi cơ thể một người gặp một mầm bệnh mới. Nếu cơ thể thấy kẻ xâm lược cụ thể nào đó mà nó từng ghi nhận, nó có thể phát động một cuộc tấn công phù hợp chống lại kẻ xâm lược đó để giữ an toàn.

Hệ thống miễn dịch mạnh nhất khi nào?

Tuy hệ thống miễn dịch của con người thường mạnh nhất ở tuổi dậy thì và suy giảm theo tuổi tác, nhưng nó cũng có thể được cải thiện hay suy yếu theo thời gian. Cũng giống như bất cứ điều gì khác, nó cần được duy trì. Thường xuyên thức trắng đêm, ăn uống sinh hoạt không cân bằng và bỏ qua những dấu hiệu nhỏ của bệnh tật đều có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Những dấu hiệu đầu tiên ở hệ miễn dịch khỏe mạnh

Có nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang hoạt động mạnh và đây là năm dấu hiệu nhận biết.

1. Đầu óc tỉnh táo

Thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi thì bình thường. Nhưng điều đó không nên thường xuyên. Một trong những dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh là cảm giác tỉnh táo và nhận thức rõ nét suốt cả ngày.

Ví dụ, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa ruột và não, thường được gọi là trục ruột-não. Hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ hệ thống miễn dịch, góp phần mang lại sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sự tỉnh táo về tinh thần.

2. Dễ ngủ và ngủ ngon.

Không chỉ là ngủ qua một đêm, mà còn thức dậy với cảm giác ‘đã được nghỉ ngơi đầy đủ’ thay vì cảm thấy như thể mình có thể, hoặc muốn ngủ thêm vài giờ nữa. Đây là dấu hiệu cho thấy một giấc ngủ chất lượng tốt.

Nếu có thể theo dõi giấc ngủ của mình, ngay cả khi không nhớ hoàn toàn chính xác, thì việc nhận biết các cảm giác từng đêm đều có giá trị vì chúng có thể liên quan đến sức khỏe miễn dịch.

3. Ít ốm vặt, chóng khỏi.

Sau một đợt ốm, không tiếp tục bị bệnh khác, rồi lại một bệnh khác nữa vv … Khi hệ thống miễn dịch hoạt động tối ưu, nó có thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật một cách hiệu quả. Những người có hệ thống miễn dịch mạnh có xu hướng ít bị nhiễm trùng và hồi phục nhanh.

4. Điều tiết tốt cảm xúc của bản thân.

Khi một người cảm thấy không khỏe, thậm chí chỉ trong tiềm thức, điều đó có thể ảnh hưởng đến cách họ hành xử (với bản thân và người khác). Điều tiết cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe miễn dịch. Và khỏe mạnh có nghĩa là không chỉ có sức khỏe thể chất tốt, mà tinh thần cũng rất quan trọng.

Căng thẳng thường xuyên và những cảm xúc tiêu cực làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm giảm đáng kể khả năng chống lại nhiễm trùng. Mặt khác, các cảm xúc tích cực và khả năng xử lý căng thẳng hiệu quả có thể tăng cường phản ứng miễn dịch, thúc đẩy sức khỏe tổng thể và khả năng phục hồi chống lại bệnh tật.

5. Vui tươi tự nhiên

Như bậc thầy tâm linh và yoga Swami Satchidananda nói: ‘một người khỏe mạnh vui sướng trong mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng thoải mái và an lạc cả thân và cả tâm. Họ chẳng ghét ai và cũng không khó chịu với bất cứ điều gì. Tình yêu thương bao la tỏa ra từ bên trong họ…’ điều này có thể dễ dàng hiểu và cảm nhận. Khi hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể được bảo vệ, cac cơ quan đều làm việc tốt, tinh thần phấn chấn và vì vậy, dễ vui vẻ. Ngược lại khi mệt mỏi, ta thường dễ bực bội căng thẳng, dễ khó chịu cả với những điều nhỏ nhặt không vừa ý.

Các dấu hiệu hệ thống miễn dịch yếu

Biết được hệ thống miễn dịch khỏe bằng cách nắm biết được điểm yếu của nó. Dưới đây là năm điều quan trọng cần quan tâm.

1. Tín hiệu từ hệ tuần hoàn: huyết áp và nhịp tim tăng cao.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn với hệ thống miễn dịch. Nếu đột nhiên nhận thấy nhịp tim của mình tăng lên (mà không có lý do cụ thể) hoặc cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, hãy chú ý – đừng bỏ qua.

Có sự tương tác phức tạp giữa hệ thống miễn dịch, huyết áp và nhịp tim. Các yếu tố căng thẳng hoặc nhiễm trùng cấp tính có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời như một phần phản ứng tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra, các vấn đề mãn tính với hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến các vấn đề dai dẳng ở hệ tuần hoàn.

2. Tín hiệu từ hệ tiêu hóa.

Nhận thấy mình liên tục đầy hơi hoặc thấy mệt sau khi ăn, bất kể là ăn gì, là không bình thường. Hệ thống tiêu hóa và hệ thống miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong cơ thể con người. Trên thực tế, một phần đáng kể các tế bào miễn dịch của cơ thể nằm ở đường tiêu hóa.

Kết nối này rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể và cảm giác hạnh phúc. Chức năng miễn dịch suy giảm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ vi sinh vật, từ đó gây rối loạn khả năng tiêu hóa của bạn.

3. Tín hiệu từ thói quen sinh hoạt

Thức thâu đêm, ăn vặt, uống nhiều bia rượu hoặc hút thuốc thường xuyên đều có thể liên quan và cản trở sức mạnh của hệ thống miễn dịch. Một số lựa chọn trong lối sống có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn. Và ngược lại.

Ví dụ, một chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, quá nhiều đường tinh luyệ, ít thực phẩm tươi như trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt sẽ dẫn tới việc thiếu hụt dần các chất dinh dưỡng thiết yếu hỗ trợ chức năng miễn dịch. Việc thiếu vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như vitamin C, vitamin D và kẽm, có thể làm giảm phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn.

4. Tín hiệu từ cơ thể: bệnh vặt liên miên.

Ốm vặt liên tục thường là dấu hiệu của hệ thống miễn dịch suy yếu. Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Khi hệ thống miễn dịch bị suy giảm, cơ thể sẽ dễ mắc nhiều loại bệnh khác nhau, dẫn đến việc ốm đau thường xuyên hoặc liên tục.

Nếu thường xuyên thức dậy với cảm giác đau họng, sổ mũi hoặc nhức đầu thì nên cảnh giác. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang suy yếu và không thể chống lại mầm bệnh hiệu quả như trước đây.

5. Tín hiệu từ hệ miễn dịch: viêm nhiễm mãn tính.

Đây là một dấu hiệu trực tiếp cho thấy hệ thống miễn dịch không khỏe mạnh như mong đợi. Viêm mãn tính làm gián đoạn sự cân bằng miễn dịch, làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và dẫn đến tăng khả năng mắc bệnh. Kiểm soát tình trạng viêm nhiễm thông qua việc điều chỉnh sinh hoạt là rất quan trọng để duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và hiệu quả.

Một số cách để tăng cường hệ thống miễn dịch

1. Vận động vừa đủ, hợp lý.

Tập thể dục có lợi cho toàn bộ cơ thể, đặc biệt là cho hệ thống miễn dịch. Nó cũng giúp giảm viêm và giảm căng thẳng, giúp cho giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm.

2. Ưu tiên giấc ngủ, cả thời lượng và chất lượng.

Thật dễ dàng để đánh giá thấp vai trò của giấc ngủ trong việc giữ cho cơ thể khỏe mạnh, nhưng sự khác biệt giữa việc nghỉ ngơi đầy đủ với việc liên tục thức khuya hoặc cắt giảm thời gian ngủ có thể có tác động cực kỳ tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Nếu bạn không thể đáp ứng việc ngủ từ bảy đến chín tiếng, thì thử lùi giờ đi ngủ từng chút một mỗi tuần, dần dần tăng thêm thời gian nghỉ ngơi.

3. Điều tiết căng thẳng.

Căng thẳng thường xuyên gây kiệt sức, làm tổn hại nghiêm trọng cho hệ thống miễn dịch. Đảm bảo dành chút thời gian mỗi ngày, hoặc ít nhất là mỗi tuần, tìm cho bản thân sự bình lặng— có thể là thiền, hòa mình với thiên nhiên, tán gẫu với bạn bè hay người thân, thư giãn, đọc sách, nghe nhạc, xem phim, nấu một món ăn khoái khẩu, nhẩy hoặc múa vv —bất cứ điều gì tự thấy phù hợp!

4. Giữ ẩm cho cơ thể.

Nước rất quan trọng đối với sức khỏe cơ thể. Nước dễ hấp thu hơn nếu có thêm chút thảo mộc, hoa quả. Nếu khó khăn trong việc cung cấp đủ nước, thử thêm một số loại trái cây, hoa tươi, quả nhiều nước vào chế độ ăn uống, chẳng hạn như dưa chuột, dưa hấu, cam, chanh, bưởi, cà chua, vv. Một số thảo mộc như cây Vấn Vương, đứng đầu trong việc làm sạch hệ miễn dịch và giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ nước.

5. Hít thở, hít thở, hít thở!

Đáng kinh ngạc là việc tưởng chừng như đơn giản nhất là thở, lại có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống miễn dịch. Việc hít thở sâu và đều, giúp điều chỉnh lượng ô xy trong máu, điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch. Ngay khi cảm thấy căng thẳng khó thở, hoặc tức giận, hãy hít sâu thở đều vài lượt. Tạo thành thói quen thường quan sát hơi thở của bản thân.

6. Tăng cường sử dụng thức ăn tươi và thức ăn thực vật.

Trái cây, rau và hoa (hữu cơ) rất tốt cho hệ thống miễn dịch, đặc biệt là 7 loại thực phẩm sau. Chuyển sang chế độ ăn sử dụng thực vật có thể mang lại những lợi ích đáng kinh ngạc cho sức khỏe của bạn.

Bây giờ chúng ta đã biết hệ thống miễn dịch khỏe mạnh ‘trông’ ra sao và cách tăng cường hệ thống miễn dịch của mình—hãy cùng nhau lưu tâm thường xuyên. Giữa cuộc sống bộn bề, ta có thể dễ dàng quay lại thói quen phớt lờ sức khỏe của mình. Chỉ cần nhớ những gì đã đọc ở đây, tìm hiểu sâu hơn nếu quan tâm và tập trung vào việc hướng tới giữ cho bản thân tốt nhất, là mọi thứ sẽ dần thành thói quen.

Cần thêm thông tin ? Đây là 10 cách giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và đây là lợi ích cho hệ miễn dịch từ việc kích thích phản xạ bàn chân./.

Chúc sức khỏe!

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments