Ruột là nơi chứa đựng mọi cảm giác. Đường ruột bị ô nhiễm không chỉ làm tê liệt hệ thống miễn dịch mà còn phá hủy cảm giác và khả năng đồng cảm với người khác. Độc tố trong ruột tạo ra các vấn đề về thần kinh. Bệnh tự kỷ có thể được chữa khỏi bằng cách giải độc dạ dày của trẻ nhỏ…

Suzy Kassem – nhà thơ, nhà văn người Mỹ gốc Ai cập.

Detox hay thải độc theo nghĩa đen có nghĩa là loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Bình thường thì quá trình này luôn diễn ra tự nhiên trong cơ thể, nhưng sống trong thế giới ngày nay, hít thở không khí ô nhiễm và tiêu thụ thực phẩm bẩn cũng như thực phẩm chế biến sẵn cùng với nguồn nước không sạch, đôi khi chúng ta cần hỗ trợ để giúp hệ thống thải độc của cơ thể được giảm tải.

Không chỉ những bữa tiệc tất niên ở cơ quan, Tết là dịp để tụ họp gia đình, bạn bè gặp gỡ v.v … đồng nghĩa với việc có nhiều lý do để ăn, uống và vui vẻ bên nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên, thời điểm phổ biến nhất để mọi người cân nhắc việc thải độc là sau Tết, khi hệ quả của những cuộc gặp gỡ hân hoan bắt đầu đặt gánh nặng lên cơ thể. Mùa Xuân mang đến những hy vọng mới và sự ấm áp. Cùng với chồi non và nắng ấm, niềm vui dấy lên và suy nghĩ như được chắp cánh, cảm giác tươi mới khi nhìn thấy màu xanh non của mầm, tiếng hót của những chú chim và bằng cả trái tim mình cảm nhận rằng tất cả những điều này là một món quà của Đấng Tạo Hóa. Với những cảm xúc trong lành này, chúng ta nên thanh lọc hệ thống của mình và loại bỏ chất thải. Đây cũng là thời gian mà Gan cần được nuôi dưỡng và chăm sóc, chuẩn bị cho một năm mới vì vậy sau bữa hóa vàng để tiễn Tết, có vẻ như dọn sạch cơ thể và thiết lập lại cân bằng dinh dưỡng là việc làm không thể thiếu.

Các phương pháp ‘thải độc’ có thực sự tốt hay không?

nước thanh nhiệt giải độc: chanh, dưa chuột và lá bạc hà; ảnh internet.

Có sự khác biệt lớn trong các phương pháp thải độc đang được sử dụng hiện nay. Từ thụt tháo, đến uống nước muối, hoặc nhịn ăn dài ngày v.v … tuy có hiệu quả ở mức độ nhất định, chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào đưa ra các số liệu đáng tin cậy. Hơn nữa, bản thân từ ‘thải độc’ cũng là một thuật ngữ khá rộng. Về mặt dinh dưỡng, kế hoạch ăn uống và hệ thống tiêu hóa của của từng người là khác nhau và do đó, không phải tất cả các chế độ ăn kiêng giải độc đều phù hợp với mọi người, hoặc ai cũng cần. Ví dụ, phụ nữ mang thai hoàn toàn không nên ‘thải độc’. Người đang cho con bú, người già, người thiếu cân hoặc có huyết áp cao hoặc thấp cũng tương tự. Ngoài ra, tùy vào tình trạng sức khỏe , việc cắt bỏ một số loại thực phẩm có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.

Vì vậy, trên thực tế một chương trình thải độc cần phải được thiết kế phù hợp với từng đối tượng: tuổi tác, cân nặng, giới tính, bệnh nền, các loại thuốc đang dùng v.v.. và hết sức lưu ý là không có một phương pháp thải độc nào là không có phản ứng phụ.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ cơ thể tự thải độc bằng cách thêm vào bữa ăn những thực phẩm giàu năng lượng và có tính năng thải độc cao, là an toàn và có thể dễ dàng thực hiện. Dưới đây là danh sách 7 nhóm thực phẩm tuyệt vời giúp cho cơ thể dễ dàng loại bỏ chất độc, cặn bã ra khỏi hệ thống.

Top 7 nhóm thực phẩm thải độc

1. Rau, Củ: một số loại rau, củ có tác dụng giải độc đáng ngạc nhiên, vì vậy sẽ không quá khó để bổ sung chúng nếu quyết định thải độc.

củ Dền, ảnh internet
  • Thường đứng đầu danh sách các thực phẩm giúp thải độc, củ Dền giàu sắt, canxi, magiê, betaine, vitamin B và chất chống oxy hóa, rất tốt cho việc giữ cho gan khỏe mạnh. Chúng cũng hỗ trợ cho túi mật và chứa nhiều chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa. Tiêu thụ củ dền bằng cách nào cũng đều mang lại lợi ích, và tốt nhất là ăn đúng mùa, cả lá nếu có thể;
  • Củ Ngưu bàng: một trong những loại củ dương tính nhất, được sử dụng từ châu Âu sang châu Á và châu Mỹ để giải độc đại tràng,  giúp ra mồ hôi, làm sạch máu, lợi tiểu (rất quan trọng trong quá trình thải độc). Ở Mỹ người ta dùng lá, hạt hoặc rễ ngưu bàng sắc uống như trà hàng ngày để phòng chữa ung thư. Canh dưỡng sinh gồm ngưu bàng cà rốt, củ cải và nấm Đông cô được coi là thuốc chữa bách bệnh có khả năng ngăn ngừa và trị ung thư;
  • Atisô có các hợp chất thực vật chống oxy hóa gọi là axit caffeoylquinic giúp điều trị các rối loạn về gan, đồng thời giúp giải độc thận và túi mật;
  • Tất cả các loại rau họ Cải như cải cay, hoa lơ xanh, bắp cải, cải chíp, cải mơ hay cải xoăn v.v… đều có tác dụng giải độc tuyệt vời và giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Đặc biệt phải kể đến cải xoong, là loại rau có nhiều chất sắt, nhiều canxi hơn cả sữa và lượng vitamin E gấp ba lần so với rau diếp – những chất vô cùng hữu ích khi giải độc cơ thể;
  • Cây Tầm ma (hay lá Gai, lá Han): đặc biệt tốt cho việc thải độc cơ thể với khả năng loại bỏ ure và clorua. Ngoài ra Tầm ma có tác dụng thanh huyết, lợi tiểu đồng thời giúp bổ xung sắt, can xi, magie, sắt và mangan nên quá trình thải độc hoàn toàn không gây mệt mỏi;
  • Cây Vấn vương: vị cay, tính ấm có công năng khư phong thông lạc, tán ứ, giảm đau, lợi tiểu, làm ra mồ hôi, chống bệnh Scorbut (thiếu vitamin C nghiêm trọng) và giúp ăn ngon miệng. Toàn cây có vị đắng, chát, tính bình, có công hiệu thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng, khứ ứ, chỉ thống.
  • Rau Sam: Thanh lọc cơ thể, đặc biệt là gan và ruột già. Rau Sam có vị chua nhẹ, giàu chất chống oxy hóa và chất xơ. Tuy nhiên rau Sam có tính hàn, nên khi cơ thể nhiễm lạnh hoặc đang bị rối loạn tiêu hóa đi ngoài phân lỏng không nên dùng.
  • Rau : Nấu canh hoặc làm trà có tác dụng giải khát, giải độc gan, chữa được các bệnh tả, lỵ và nhiều bệnh ngoài da (uống hoặc giã nát đắp). Rau Má còn được coi là giúp điều trị tình trạng mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, mất trí nhớ. Không nên dùng rau Má tươi xay uống trên 1 tháng liền vì có thể gây độc.
  • Củ Cải trắng: là loại củ hỗ trợ tuyệt vời cho hệ hô hấp, làm tan chất nhầy trong ruột và mạch máu.
  • Bột củ Sắn Dây (cát căn): giải độc cho cơ, làm ra mồ hôi nên có tác dụng hỗ trợ thải độc rất tốt, đặc biệt vào mùa hè.
cam, chanh; ảnh internet.

2. Trái cây

  • Họ Cam Quýt: không chỉ chanh mà cam, quýt hay bưởi đều được bán rộng rãi vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, ngoài ra chúng dễ dàng được thêm vào các món ăn để tăng thêm hương vị và cảm giác sảng khoái. Là thành phần chính trong chế độ ăn kiêng giải độc, chúng kích thích giải phóng các enzyme trong cơ thể, hỗ trợ chuyển đổi chất độc để chúng có thể dễ dàng đào thải. Người ta cũng tin rằng uống nước chanh vào buổi sáng khi bụng trống là cách tốt để cân bằng độ axit có thể hình thành trong dạ dày từ tất cả các loại thực phẩm đã được tiêu thụ trước đó.
quả Lựu, ảnh internet.
  • Nam việt quất: có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, nam việt quất được coi là siêu thực phẩm vì chất chống oxy hóa.
  • Câu Kỷ tử, thường được dùng ở dạng khô. Kỷ tử có vị ngọt hơi hàn. Ngoài tác dụng giải độc, chúng còn giúp tăng cường năng lượng và tăng cường hệ thống miễn dịch.
  • Quả Lựu: Cũng giống như Kỷ tử, là một quả bom vitamin giúp giải độc và tăng cường năng lượng cho cơ thể.

3. Gia vị: không những đem lại hương vị thơm ngon, hấp dẫn, tạo đặc trưng cho món ăn mà còn có nhiều lợi ích với sức khoẻ, đặc biệt là khả năng hỗ trợ thải độc

rau Mùi, ảnh internet
  • Tỏi: đã được sử dụng vì tác dụng chữa bệnh của nó từ thời cổ đại, được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh dịch hạch đen và chứng hoại thư. Mặc dù tỏi không loại bỏ độc tố khỏi cơ thể như các loại cây trái khác, nhưng nó hỗ trợ gan và hệ miễn dịch nhờ hàm lượng vitamin C cao. Ngoài ra, tỏi tươi chứa chất chống oxy hóa alliin sẽ phân hủy thành allicin khi được nghiền giã nát hay băm nhỏ và được tiếp xúc với không khí 10-15 phút. Allicin có nhiều đặc tính chữa bệnh mạnh mẽ;
  • Gừng: tương tự như tỏi, gừng đã mang lại lợi ích cho sức khỏe con người từ hàng ngàn năm nay. Nó có tác dụng chống viêm, chống loét và là thuốc giảm đau tự nhiên. Nồng độ cao của gingerol và shoga giúp kích thích tiêu hóa (chống đầy hơi, tiêu chảy và táo bón), tuần hoàn (ngăn ngừa đông máu) và đổ mồ hôi, do đó gừng đứng ở vị trí quan trọng trong danh sách thực phẩm giải độc và làm sạch. Ngoài ăn hay uống gừng, thủy liệu pháp ngâm hông hoặc ngâm chân với gừng xay sẽ giúp giải độc;
  • Nghệ là gia vị siêu giải độc. Nó chứa một thành phần hoạt chất làm tăng khả năng của gan để trung hòa các hóa chất độc hại;
  • Rau Mùi được cho là giúp loại kim loại nặng tích tụ trong thận và máu, làm sạch gan.
  • Rau Diếp Cá: giúp giảm mỡ thừa, thải độc đại tràng hiệu quả nhờ giàu chất xơ hòa tan.
  • Tía tô, kinh giới: làm sạch hệ hô hấp, làm đẹp da nhờ thải độc hiệu quả và làm kiềm hóa dòng máu.

4. Rong biển: chứa nhiều loại khoáng chất nhất so với bất kỳ loại thực phẩm nào và có khả năng hấp thụ chất độc ra khỏi cơ thể và kiềm hóa máu.

Một số ví dụ như:

tảo Kombu (Phổ tai), ảnh internet.
  • Tảo xoắn Spirulina có chứa chất xơ, sinh tố nhóm B và các acid béo, acid amin thiết yếu, có tính nhuận gan, nhuận tràng nên chống táo bón, dùng tảo thường xuyên sẽ giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn, giúp đưa cặn bã đường ruột xuống dần và ra khỏi ruột già dễ dàng. Điều này giúp thải độc cơ thể và ngừa ung thư đường ruột rất tốt, vì nếu khối cặn bã tồn đọng lâu ngày ở ruột già dễ sinh ra nhiều chất độc có thể gây ung thư đại tràng;
  • Tảo bẹ (tảo phổ tai) là một siêu thực phẩm. Ngoài các khoáng chất, tảo bẹ còn chứa nhiều vitamin, iốt, chất chống oxy hóa và alginate, giúp giải độc và kiểm soát cân nặng. Bạn có thể ăn tảo bẹ tươi nhưng cũng có thể dùng nó ở dạng bột, viên nang và dạng viên.

5. Trà các loại gồm trà xanh, thảo mộc và trà thảo dược.

trà từ lá cây Phan Tả Diệp, ảnh internet.

Có rất nhiều loại trà có tác dụng giải độc đặc biệt, ví dụ như:

  • Trà xanh có nhiều lợi ích giải độc, bao gồm tăng tốc độ trao đổi chất, bù nước, cải thiện khả năng miễn dịch và được cho là ngăn ngừa viêm khớp, tiểu đường, một số bệnh ung thư cũng như các bệnh thoái hóa và thần kinh;
  • Trà matcha Nhật Bản có giá trị dinh dưỡng tương đương với 10 tách trà xanh. Cả hai đều chứa chất diệp lục, không chỉ mang lại cho chúng màu xanh mà còn giúp loại bỏ các hóa chất khỏi cơ thể;
  • Trà từ lá, hoa và rễ cây Bồ công anh đầy dương tính và có khả năng giải độc mạnh mẽ, đặc biệt tốt cho gan và hệ tiêu hóa.
  • Trà từ lá, thân cây Tầm ma (hay lá Gai, lá Han): đặc biệt tốt cho việc thải độc cơ thể với khả năng loại bỏ ure và clorua. Ngoài ra Tầm ma có tác dụng thanh huyết, lợi tiểu đồng thời giúp bổ xung sắt, can xi, magie, sắt và mangan cho cơ thể.
  • Trà Phan tả diệp: giải độc đại tràng và chống táo bón. Ngoài ra các hoạt chất trong lá phan tả diệp kích thích enzym gan để thải độc, giúp làm sạch gan và loại bỏ các chất có thể gây hại.
  • Trà Nhân trần, Vối: làm sạch mạch máu, hạ huyết áp, lợi cho gan và mật. Tuy nhiên đều là các vị hàn lạnh nên lưu ý khi sử dụng.

6. Một số loại hạt rất tốt để ăn vặt hoặc xay để làm sữa thay thế cho sữa bò hay sữa đậu nành.

Các loại hạt sau đây có nhiều axit béo thiết yếu và hàm lượng chất xơ cao giúp kích thích nhu động ruột.

hạt Lanh, ảnh internet
  • Hạt Hạnh nhân giúp giải độc cơ thể và giúp ổn định lượng đường trong máu, cũng như loại bỏ tạp chất trong ruột;
  • Hạt Lanh hoặc dầu hạt lanh cung cấp đa dạng chất xơ và các chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa, giúp cơ thể đào thải độc tố một cách tự nhiên qua đường đại tràng;
  • Hạt Vừng bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của bức xạ, giải độc rượu. Sesamol, thành phần trong vừng và dầu mè đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ ADN khỏi tác hại của bức xạ. Chất sesamol cũng ngăn ngừa tổn thương ruột và lá lách. Ngoài ra, hạt vừng còn giúp gan giải độc rượu cũng như các chất gây ngộ độc khác.

7. Thực phẩm lên men

Sữa chua, Kim chi, Miso và tempeh, ảnh internet.

Là nguồn hỗ trợ hệ thống miễn dịch vô giá cho cơ thể vì chúng cung cấp vi khuẩn có lợi probiotic và prebiotic, giúp bảo vệ quần thể vi khuẩn tốt trong ruột, ngăn chặn các bệnh về đường tiêu hóa và là các cộng tác viên đắc lực cho hệ miễn dịch vốn hoạt động chủ yếu ở ruột. Các thực phẩm lên men dễ tìm và dễ đưa vào món ăn hàng ngày bao gồm

  • dưa muối, kim chi;
  • đồ uống lên men như trà kombucha, sữa kefir, Yakult, sữa chua
  • đậu nành lên men như miso, tempeh, tương ta, tương tamari
  • cơm rượu (rượu nếp)
  • giấm hoa quả như giấm chuối, giấm táo

Ngoài thải độc, thì việc hạn chế nguồn chất độc nạp vào cơ thể là vô cùng quan trọng. Những yếu tố như

  • chế độ sinh hoạt, ăn uống cân bằng, sử dụng thực phẩm giàu dinh dưỡng gồm cả chất bột, rau xanh, quả chín đúng mùa;
  • xử lý tốt căng thẳng, giữ tâm trí tích cực, hòa ái, vui tươi là hỗ trợ gan, thận và toàn bộ cơ thể.
  • hạn chế thông tin độc hại, các mối quan hệ độc hại;
  • dùng nước sạch; nạp đủ nước mỗi ngày, đặc biệt sau các bữa ăn nặng nhiều đạm ít rau
  • vận động đầy đủ giúp khí huyết lưu thông

chính là điều kiện cần cho hệ thống tự thải độc của cơ thể luôn hoạt động tốt, giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh./.

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments