sau tuổi 40 con người ta mới thực sự sống; trước đó là thời gian tìm hiểu cuộc sống.

Carl Jung – nhà tâm lý học Thụy Sĩ

Khủng hoảng tuổi trung niên, là gì?

ảnh minh họa: internet.

Là cuộc khủng hoảng ở thời kỳ biến động cảm xúc ở tuổi trung niên (thường từ 40-60 tuổi, cũng có khi sớm hơn), đặc trưng bởi mong muốn thay đổi mạnh mẽ. Cuộc khủng hoảng này bao gồm nhiều vấn đề mà cả nam lẫn nữ giới phải đối mặt như những vấn đề về tâm lý, xã hội, thể chất liên quan đến sự lão hóa, cái nhìn về tuổi già, bệnh tật và cả sự ra đi.

Tuổi trung niên là con đường để nhìn lại, tổng kết và tự định hình bản thân một lần nữa.

Hầu hết các thống kê và những người được hỏi cho rằng cuộc khủng hoảng mà họ trải qua, là bởi một sự kiện chính nào đó hơn là vì tuổi tác. Đó có thể là cuộc ly hôn, mất việc, một người thân từ trần, hay thay đổi chỗ ở… Dù được gọi tên thế nào đi nữa thì trung niên là giai đoạn xảy ra những thay đổi nhất định trong việc cảm thụ và nhìn nhận thế giới. Nhiều người định nghĩa nó như thời kỳ của những biến động và thay đổi của cá nhân, thời kỳ khủng hoảng cảm xúc.

Với nhiều người, tuổi trung niên là giai đoạn mà các mối quan hệ và vai trò đang diễn ra thay đổi. Một số người bước vào tuổi trung niên phải chăm sóc cha mẹ già. Những người khác cảm thấy trống rỗng, hoặc cảm nhận con cái mình đang trưởng thành quá nhanh. Một số gia đình có sự chênh lệch về cảm nhận với phối ngẫu của mình, dẫn đến cảm giác cô đơn, hoặc muốn tìm sự đồng cảm ở bên ngoài gia đình, người thân hoặc những người bạn cũ.

Những dấu hiệu thường thấy của cuộc khủng hoảng tuổi trung niên:

– cảm giác trống rỗng

– chán ngán việc làm đến độ muốn bỏ việc, những công việc trước kia mang đến cho bạn niềm vui giờ trở nên buồn chán

– xuất hiện những mối quan tâm tới tôn giáo, triết học, trong khi lòng muốn trốn chạy khỏi tất cả

– mất nhiều thời gian hơn cho việc chăm chút tủ quần áo, xuất hiện những thay đổi tự nhiên trong việc chọn tông màu, kiểu dáng thời trang

– hoặc, bạn lại thích lối sống đơn giản, thích hồi tưởng về tuổi thơ hoặc tuổi trẻ

– quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, phát hiện những vấn đề của mình về trí nhớ, dễ dàng bị stress…

– nuối tiếc quá khứ

– thay đổi đáng kể thói quen sinh hoạt như ăn, ngủ …

– giảm hoặc tăng cân rõ rệt

– thay đổi thấy được trong tâm trạng, như gia tăng sự cáu kỉnh, tức giận, buồn bã hoặc lo lắng, vui quá hay buồn quá

– thay đổi các mối quan hệ bình thường

Những người ở tuổi trung niên nên làm gì?

Hãy suy ngẫm, thay vì hối tiếc

Với một số người, tuổi trung niên là thời gian hối tiếc: chọn sai ngành nghề, hoặc không tạo ra được cuộc sống mà họ từng mơ ước, sức khỏe suy giảm. Thêm vào đó, quá trình lão hóa ở giai đoạn này đang ngày càng rõ. Một số người bắt đầu đổ bệnh, số khác nhận ra sự suy giảm thể lực của mình.

Đối với một số cá nhân, trung niên là thời gian cho họ suy ngẫm. Họ có thể nhìn lại những năm tháng đã trôi qua và đặt câu hỏi cuộc đời mình sẽ ra sao nếu chọn một con đường khác. Từ đó họ xác định được mục tiêu cho mình và bắt tay vào hành động. Thay vì tiếc những năm đã qua, họ có thể bắt đầu cố gắng để đạt được những mục đích lớn hơn trong nửa sau của cuộc đời.

Tự vấn và sẵn sàng cho thay đổi

ảnh minh họa: internet

Điều quan trọng là, với mong muốn thay đổi nội tâm, ta cần xem xét và đánh giá lại cuộc sống của mình, mối quan hệ đối với thế giới xung quanh, chấp nhận rằng mình đã không còn như ngày trước. Ta có thể đặt cho mình các câu hỏi động chạm tới hầu hết các lĩnh vực: công việc, gia đình, đời sống cá nhân, tình dục sức khỏe, cha mẹ. Hãy lập ra một danh sách câu hỏi: “Mình muốn gì, làm việc ở đây hay ra đi?”, “Mình cần gì để hạnh phúc?”, “Mình sống để làm gì?” vân vân

Con người giai đoạn này nên tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn mình, đồng thời lắng nghe lời kêu gọi từ nội tâm, để đáp ứng. Thông thường, chúng ta sẽ tìm cách chống lại sự thay đổi: chúng ta sợ mất đi con người cũ, vai trò, vị thế của mình – tất cả những gì chúng ta đã làm, và những gì đã làm nên chúng ta, ở nửa đầu của cuộc đời.

Điều nghịch lý là nếu chúng ta không chịu từ bỏ cái đã qua, ta sẽ không thể thêm vào điều gì mới mẻ mà sẽ càng đánh mất nhiều hơn – đánh mất tương lai. Mức độ trưởng thành nội tâm của chúng ta, khả năng thấu hiểu thế nào là thành – bại, niềm tin rằng những kế hoạch mới có thể đưa ta tới những thắng lợi với hương vị mà ta chưa từng biết … sẽ giúp cho việc chấp nhận sự thay đổi nhẹ nhàng hơn.

Tìm (lại) chính mình trên một tâm thức mới

Trên thực tế, chính cảm giác trống rỗng, chính sự khủng hoảng sẽ giúp chúng ta hiểu những gì đang xảy ra với mình, và nếu may mắn, ta còn hiểu được mình hơn. Nhiều người tìm kiếm những nguồn lực hỗ trợ ở những lĩnh vực mà trước đây họ chưa chú ý đến. Điều đó lý giải việc tìm tới tôn giáo ở nửa sau của cuộc đời trở nên phổ biến.

Khi lâm vào khủng hoảng tuổi trung niên, ta hay khóc thương cho những gì đã không làm được, nhưng khi chạm được vào nhận thức rằng cuộc sống chúng ta luôn là “ở đây và bây giờ”, ta sẽ mở ra cho mình một không gian rộng lớn các cơ hội và thử thách mới.

Nói về lứa tuổi này, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung cho rằng đây là giai đoạn con người tiến tới nhận thức trọn vẹn, đầy đủ về chính mình: một phần của cái “tôi” nửa đầu đời đã nhường chỗ cho phần khác của cái tôi mà trước đây ta đã giữ trong bóng tối, để có thể sống và tồn tại dưới nhãn quan của kẻ khác.

Nay, chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi cho chính mình: “Tôi muốn để lại gì cho mai sau?”, “Mục đích sống của tôi là gì?”, “Yêu thương chính mình là như thế nào?’ “Làm sao để ta có thể đồng nhất với bản thân mình, quan tâm tới chính mình?”. Carl Gustav Jung nói đây là giai đoạn con người suy ngẫm về tất cả những điều này, không phải vì nỗi sợ hãi, mà vì chúng là những đòi hỏi xuất phát từ chính tâm hồn của chúng ta.

Chúng ta nỗ lực để trở nên (hay tìm lại sự) nguyên vẹn về mặt nội tâm, đạt được sự viên mãn chân thật.

Và đó chính là ý nghĩa thực sự của những thay đổi tuổi trung niên.

(Trạm Yên tổng hợp và phân tích)

Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ tinh thần, đừng ngại liên hệ với coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới (Sử dụng mã liên hệ ‘CTN’ để nhận khai vấn miễn phí)

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments