Chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ trẻ em. Chẳng hạn, ta kiên nhẫn như thế nào?

Franklin P. Adams – nhà báo Mỹ

Trẻ dậy thì (tuổi teen) nhiều khi có những nỗi niềm u buồn rất vô cớ. Nhiều khi trẻ ủ rũ nhưng không muốn cha mẹ hỏi han hay giúp đỡ. Ở Việt nam chưa có con số thống kê, tuy nhiên theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có 1.1% trẻ từ 10–14 tuổi và 2.8% trẻ từ 15–19 tuổi mắc chứng trầm cảm nói chung. Như vậy với số lượng trẻ em ở độ tuổi 10-18 là 10 triệu, nước ta có thể có từ 110 ngàn đến 280 ngàn thanh thiếu niên mắc trầm cảm. Và đây chỉ là con số dựa trên trẻ có thăm khám.

Lứa tuổi thanh thiếu niên (teen và hậu teen) là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những thay đổi xung quanh. Trầm cảm tuổi thanh thiếu niên là một rối loạn tâm thần gây ra bởi cảm giác buồn chán kéo dài và mất hứng thú. Bệnh không những ảnh hưởng tới suy nghĩ, cảm xúc và hành vi mà còn có thể gây ra các vấn đề về tâm lý và sức khỏe của trẻ. Trầm cảm ở thanh thiếu niên không đơn giản là sự yếu đuối hay vấn đề tâm lý đơn thuần có thể vượt qua được bằng sức mạnh ý chí – nó có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng và cần phải được xem xét  nghiêm túc. Các triệu chứng bệnh trầm cảm ở hầu hết trẻ vị thành niên dễ điều trị bằng tư vấn tâm lý và trong một số trường hợp, có thể dùng thuốc.

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm tuổi thanh thiếu niên

Bao gồm thay đổi hành vi và thái độ, từ đó có thể gây ra những căng thẳng và các rắc rối ở trường học, ở nhà hay trong các hoạt động xã hội.

  1. Thể chất thay đổi: cơ thể mệt mỏi, uể oải là dấu hiệu bệnh trầm cảm ở thanh thiếu niên.
    • Khi mắc trầm cảm các em thanh thiếu niên thường có biểu hiện mệt mỏi, chán nản, không muốn làm việc gì cả. Cơ thể uể oải, thiếu sức sống tuy không có bệnh lý cụ thể. Trẻ có thể trở nên khó ngủ dẫn đến mất ngủ, hoặc ngược lại có thể ngủ quá nhiều.
    • Ngoài ra, sự thay đổi khẩu vị cũng khá rõ rệt. Trẻ có thể chán ăn hoặc ngược lại, có thể ăn rất nhiều dẫn dến tăng cân. Có thể bắt đầu hành vi sử dụng bia rượu, chất kích thích.
    • Tự nhiên hay than phiền về cơ thể: đau người, đau đầu, khó chịu không rõ nguyên nhân. Đôi khi trẻ suy nghĩ chậm chạp và các cử chỉ cơ thể cũng trở nên chậm chạp. Việc suy nghĩ, tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ trở nên khó khăn.
  2. Tâm lý thay đổi rõ rệt. Khi bị trầm cảm các em thường phải vật lộn với cảm xúc của bản thân. Cảm giác chán nản khiến các em thường có xu hướng nóng tính hơn, dễ bị kích động, bồn chồn, nổi cáu vô cớ, đập phá đồ đạc thậm chi quát tháo, la hét. Ở những trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tự làm tổn thương bản thân như lấy dao cắt vào tay, chân, châm lửa đốt hoặc đục thêm lỗ đeo khuyên hoặc xăm, có ý định tự tử hoặc cố gắng tự tử. Ở một số trẻ, cảm giác chán nản bao trùm, buồn rầu vô cớ, đôi khi tuyệt vọng hoặc có cảm giác trống rỗng. Luôn thấy tự ti, cảm giác tội lỗi. Ám ảnh về các thất bại từng xảy ra hoặc phóng đại việc tự đổ lỗi/tự phê bình. Trẻ cực kì nhạy cảm với việc bị từ chối hoặc thất bại và đôi khi cần sự bảo đảm về cảm xúc và giá trị thường xuyên từ cha mẹ, bạn bè hoặc người yêu.
  3. Mất hứng thú trong công việc và sở thích, kể cả bạn bè: mắc trầm cảm khiến thanh thiếu niên không còn cảm giác hứng thú với bất cứ công việc gì, ngay cả những công việc yêu thích trước kia. Các em có thể chán học, lực học giảm sút thậm chí bỏ học. Trẻ không quan tâm đến gia đình hay bạn bè, trở nên thờ ơ lãnh đạm. Nếu cha mẹ thấy các em có biểu hiện hờ hững với tất cả mọi việc, không còn nhắc đến bạn bè, không còn thích đi giao du với bạn v.v… thì cần quan tâm chú ý ngay tới các em vì rất có thể đây là biểu hiện của chứng bệnh trầm cảm ở thanh thiếu niên.
  4. Luôn có cảm giác bản thân không có giá trị, vô dụng. Trầm cảm khiến các em thanh thiếu niên luôn có những suy nghĩ bi quan, tự ti, luôn cảm thấy bản thân kém cỏi, vô dụng và nguy hiểm hơn là suy nghĩ tự tử để giải thoát bản thân, giảm gánh nặng cho mọi người. Các em có thể trở nên thờ ơ với vẻ ngoài của mình, tự cô lập, không muốn tiếp xúc với mọi người, xã hội.
  5. Sử dụng chất gây nghiện hoặc rượu: rất dễ cho rằng đây là một giai đoạn nổi loạn của trẻ. Tuy nhiên, trẻ có thể đang cố gắng để che giấu một vài nỗi đau, vì vậy hãy dành thời gian để tìm hiểu, chia sẻ với con mình.
  6. Dễ bỏ cuộc, khó tập trung, hay nhầm lẫn: nếu thấy trẻ khó khăn hoặc không thể đưa ra quyết định, không thể tập trung, hành xử kiểu bất cần vô trách nhiệm thì cha mẹ cần hết sức lưu ý.

Tóm lại, nếu thấy con em mình độ tuổi thanh thiếu niên có biểu hiện tách rời ra khỏi bạn bẻ, xã hội, chỉ thích ở một mình thì cần chú ý vì đây là biểu hiện ban đầu của căn bệnh trầm cảm.

Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm tuổi thiếu niên

Tuy chưa hoàn toàn được biết rõ, những yếu tố sau đây được cho là có liên quan trực tiếp tới chứng bệnh này, như:

  1. Áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội: Những áp lực từ việc học hành, từ các mối quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội cũng như việc dạy dỗ từ gia đình, nhà trường gây cho các em thanh thiếu niên cảm giác căng thẳng, stress, mệt mỏi, áp lực lớn và kéo dài sẽ khiến các em bị trầm cảm;
  2. Ám ảnh từ những vết thương tinh thần từ nhỏ như cách cha mẹ tương tác, dậy dỗ; bị lạm dụng thể xác hoặc tinh thần; người thân yêu của các em qua đời, các em bị bỏ mặc cảm xúc v.v…
  3. Do tâm, sinh lý thay đổi gây trầm cảm: Ở tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn các em đang dậy thì, tâm sinh lý ở giai đoạn này đang thay đổi nên các em chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về một vấn đề gặp phải. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi cá nhân. Nếu không được định hướng đúng thì những suy nghĩ và hành vi tiêu cực sẽ ám ảnh các em gây nên những hành động đáng tiếc;
  4. Do nguyên nhân sinh học: sự biến đổi hoặc hư hại các chất dẫn truyền thần kinh, làm cho chức năng cảm thụ của hệ thần kinh bị thay đổi dẫn đến trầm cảm;
  5. Do di truyền: Những người có người thân bị trầm cảm thường có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn những người bình thường;
  6. Do lối sống, lối suy nghĩ không lành mạnh: Suy nghĩ tiêu cực, thiếu dẫn dắt của cha mẹ hoặc người thân. Các thói quen xấu như lười vận động, nghiện điện tử, thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng các loại chất kích thích… là những nguyên nhân gây suy giảm thể chất, suy nhược thần kinh dẫn đến dễ bị trầm cảm.

Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trầm cảm ở thiếu niên

  1. Có vấn đề làm ảnh hưởng tiêu cực tới sự tự tin như béo phì, bị khuyết tật, có khúc mắc với bạn bè, bị bắt nạt kéo dài hoặc rắc rối với khả năng hay kết quả học tập;
  2. Từng là nạn nhân hoặc từng chứng kiến các hành vi bạo lực như lạm dụng thể xác hoặc xâm hại tình dục;
  3. Có các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, chứng chán ăn tâm thần hoặc rối loạn ăn uống;
  4. Mắc chứng tăng động giảm chú ý (tập trung) (ADHD);
  5. Có tính hay phụ thuộc hoặc ỷ lại, hay tự phê bình hoặc bi quan.

Cha mẹ có thể làm gì?

Tuy rất khó để phân định rõ được sự khác biệt giữa những thay đổi thất thường của lứa tuổi vị thành niên và trầm cảm tuổi teen, cha mẹ có thể nói chuyện với con và cố gắng xác định xem con có khả năng đối mặt với những cảm xúc đầy thử thách hay dường như cuộc sống của con đang quá nặng nề? Hãy tìm hiểu xem con có động lực hay không? có hoài bão và mơ ước gì? từ những câu chuyện và chia sẻ của con, cha mẹ sẽ đánh giá đúng được tình hình tâm lý của con và có những tác động kịp thời, giúp trẻ vượt qua các khó khăn ở tuổi dậy thì và tuổi thanh niên.

Việc hỏi ý kiến của các bác sĩ và chuyên gia tư vấn là cần thiết. Quan trọng nhất là hãy luôn đảm bảo và cho con trẻ hiểu rõ rằng con có thể tâm sự với cha mẹ về bất cứ điều gì, kể cả những chuyện tế nhị và khó khăn nhất. Việc cha mẹ bộc lộ sự thấu hiểu, bao dung, chia sẻ với con mình chính là nguồn hỗ trợ tin cậy và chắc chắn nhất cho việc giữ gìn sức khỏe tinh thần và chữa lành cho trẻ khi cần thiết.

Coaching cho tuổi Teen (tổng hợp)

♥ Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ, đừng ngại liên hệ với coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới ♥ (Sử dụng mã liên hệ ‘Teen’ để nhận khai vấn miễn phí)

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments