Cúc Tâm tư mang tới năng lượng của nguyên tố Lửa. Những bông hoa xinh đẹp rực rỡ khơi nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, sự tự thể hiện, ý chí tự do, đam mê, tình yêu và vẻ đẹp …

theo truyền thống Ayurveda

Cúc tâm tư, cúc kim tiền hay tên gọi khác là cúc xu xi có tên khoa học Calendula officinalis là một trong những loại thảo dược dễ trồng nhất và được sử dụng rộng rãi, nó có một vị trí đáng chú ý trong số các loại thảo mộc bản địa. Khi nở rộ, những mảng màu tươi sáng của hoa tạo nên cảnh quan vô cùng xinh đẹp, làm cho tâm hồn người ngắm hoa sảng khoái và thư giãn. Loài hoa này  này đã được sử dụng làm thảo dược trong nhiều thế kỷ, theo nhiều phương thức khác nhau. Không chỉ đặc biệt hữu ích cho bệnh ngoài da, chữa lành vết thương, vết bỏng hay phát ban, cúc tâm tư còn được dùng như một phương thuốc truyền thống (ở châu Âu, Ấn độ) để hỗ trợ hệ thống tiêu hóa (đặc biệt là gan), hệ miễn dịch và lưu thông máu. Thời gian gần đây, loài cây này còn được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ trong điều trị ung thư.

hoa cúc tâm tư giống kép – ảnh internet

Đặc điểm

Cúc tâm tư rất dễ trồng, đòi hỏi rất ít chăm sóc. Có thể trồng trong vườn hay trong chậu, thậm chí đôi khi nó mọc hoang. Cây mọc lẻ, cao từ 30 đến 40 cm. Các đầu hoa có màu từ vàng nhạt tươi đến màu cam đậm. Thân và lá mọng nước, nhiều lông nên cảm giác dính khi chạm vào. Có cả giống đơn mỏng manh và giống kép có đầu hoa đầy cánh, với nhị hoa sẫm hoặc nhạt màu. Giá trị dược liệu của chúng là như nhau. Trong y học dân gian, cả hoa, thân và lá của cây đều được thu hái và sử dụng.

Ở vùng thời tiết ấm áp, hoa cúc tâm tư có thể được trồng gần như quanh năm. Loài cây này ưa đất ẩm (nhưng không ướt, cần thoát nước tốt), nhiều nắng sẽ cho nhiều hoa. Trồng nơi bóng râm cây phát triển chủ yếu là lá, hoa nhỏ hơn.

Cúc tâm tư là thức ăn cho ong, bướm. Với khả năng đuổi một số loại côn trùng, đây là loài hoa hỗ trợ tốt cho để trồng xen với các loại rau củ như cà chua, dưa chuột, khoai tây, bí đỏ…

Trà làm từ hoa cúc tâm tư có thể uống thường xuyên mà không cần lo lắng về tác dụng phụ. Với công dụng làm sạch máu, nó là một trợ thủ đắc lực trong bệnh viêm gan truyền nhiễm. 1 đến 2 cốc mỗi ngày có tác dụng kỳ diệu. Cúc vạn thọ làm sạch, kích thích tuần hoàn và cải thiện quá trình chữa lành vết thương.

Cách thu hái và bảo quản

Có thể thu hái khi hoa bắt đầu nở, vào lúc trời nắng và sương đã tan hoàn toàn. Khi đó sức mạnh chữa bệnh của nó là cao nhất. Nếu để dự trữ, chỉ nên thu hoạch vào những ngày khô ráo. Có thể hái và dùng tươi cho đến tận cuối mùa thu, nếu cây không bị bệnh.

Để bảo quản dùng lâu dài, nên cắt cả cây, treo hoặc tãi trên mẹt, trong bóng râm. Nếu có thể sấy lạnh thì rất tốt. Thành phẩm khô hoàn toàn là khi sờ vào nghe tiếng sột soạt của cây lá khô, và bóp vỡ dễ dàng. Bảo quản trong túi giấy sạch, sau đó cuộn kỹ và cho vào hộp nhựa có gioăng cao su, hoặc túi có khóa zip. Nên chia nhỏ từng túi để tiện sử dụng. Mỗi lần mở một túi nhỏ để hạn chế ẩm mốc.

Nếu chỉ thu hoạch hoa: có thể hái khi bông hoa đã nở từ 1/3 đến cho tới nở gần hoàn toàn, cắt cả phần đài hoa.

Công dụng

Trong cuốn sách ‘Sức khỏe từ khu vườn của Thượng Đế’, bà Maria Treben, nhà dược học nổi tiếng người Áo, kể về những ca chữa bệnh kỳ diệu từ loài hoa này, như làm lành và giảm đau vết thương bị cưa ở tay, thuốc mỡ giúp giảm nhanh tình trạng viêm tĩnh mạch, các vết loét do giãn tĩnh mạch, bỏng lạnh hay bỏng nhiệt. Ngoài ra, bà còn sử dụng thuốc mỡ và phần còn lại của chế phẩm thuốc mỡ cho bệnh nhân có các vết loét ở vú, ngay cả khi chúng là ác tính.

Thuốc mỡ hay thuốc sắc từ loại thảo mộc tươi cũng có thể được sử dụng thành công cho bệnh về da. Ví dụ tình trạng nhiễm nấm ở vùng sinh dục có thể được chữa lành nhanh chóng nhờ ngâm hông với nước đun toàn bộ cây cúc tâm tư. Với nấm da chân, có thể ngâm chân với thảo dược. Bên cạnh thuốc mỡ, thuốc chiết xuất có cồn từ Cúc tâm tư (xem phần ‘hướng dẫn’ bên dưới) cũng rất hữu ích và đặc biệt thích hợp để đắp lên vết thương, vết bầm tím và bong gân, thậm chí là vết loét mưng mủ hoặc giống ung thư, những vết loét do nằm lâu và những vùng bị sưng tấy.

Không chỉ Abbé Kneipp (nhà dược học nổi tiếng người Đức) tin rằng cúc tâm tư là một phương thuốc tự nhiên cho sự phát triển ác tính, mà nhiều bác sĩ thời hiện đại sau này cũng tin như vậy. Cúc tâm tư là phương thuốc quan trọng nhất để dùng cho các bệnh ung thư nếu đã quá muộn để phẫu thuật và khuyên nên uống trà cúc tâm tư hàng ngày trong thời gian dài. Nước ép tươi của cúc tâm tư có thể được sử dụng thành công ngay cả trong bệnh ung thư da. Các vết đốm ở bện viêm da quầng, được đắp bằng nước ép tươi nhiều lần trong ngày trong thời gian dài, có thể biến mất; điều tương tự cũng xảy ra với các đốm sắc tố và đốm nâu ở người cao tuổi, cũng như các mảng da thô ráp, giống như ung thư.

Gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra chất lượng chữa bệnh độc đáo của cúc tâm tư trong điều trị ung thư. Xem thêm Calendula officinalis: Vai trò tiềm năng trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư.

thân, hoa và lá cây cúc tâm tư giống đơn – ảnh internet

Bên trong, cúc tâm tư được sử dụng như một loại trà cho các rối loạn tiêu hóa, đau bụng và loét dạ dày, cũng như viêm ruột già, phù nề và máu trong nước tiểu. Nó rất tốt cho các bệnh nhiễm trùng do vi-rút và vi khuẩn trong nước tiểu.

Vì cúc tâm tư cũng có lợi cho bệnh viêm gan truyền nhiễm, nên nó là một phương thuốc tuyệt vời để điều trị các rối loạn về gan. Hoa, lá và thân cây được pha với nước sôi. Không nên cho thêm đường vào trà. Đối với các rối loạn nêu trên, hãy uống 3 đến 4 cốc mỗi ngày, khoảng một thìa canh mỗi 15 phút.

Một tách trà pha từ 1 thìa canh hoa khô với ¼ lít nước sẽ giúp tẩy giun. Nước ép từ thân cây tươi có thể loại bỏ mụn cóc và ghẻ, nước sắc đun sôi có thể chữa lành bệnh mụn rộp (herpes) nếu các bộ phận bị ảnh hưởng được ngâm trong đó. Trà uống thường xuyên sẽ thanh lọc máu. Các vết loét và khối u giống ung thư, nứt nẻ chân, loét chân, loét đùi và cả vết thương ác tính, mưng mủ, không lành sẽ được cải thiện bằng cách rửa bằng thuốc sắc với lượng bằng nhau của cúc tâm tư và cỏ tháp bút. Sử dụng một thìa canh đầy hỗn hợp thảo dược khô trên với ½ lít nước.

Hướng dẫn sử dụng

  • Trà: 1 thìa cà phê đầy thảo mộc với ¼ lít nước.
  • Ngâm hông: Hai nắm tay đầy thảo mộc tươi hoặc 100 gram thảo mộc khô cho một lần ngâm (xem thêm tại đây).
  • Dùng để rửa: 1 thìa canh thảo mộc đầy hãm hoặc đun trong 5 phút với ½ lít nước.
  • Chiết xuất cồn: Ngâm 1 nắm hoa trong 1 lít rượu vodka. Để ngoài nắng hoặc ở nhiệt độ khoảng 25° C trong 14 ngày.
  • Thuốc mỡ/dầu: Thái nhỏ 2 nắm gồm cả lá, thân và hoa. Đun sôi lăm tăm 500ml dầu dừa và cho hoa đã thái nhỏ vào, khuấy đều, nhấc chảo ra khỏi bếp, đậy nắp và để yên trong một ngày. Ngày hôm sau, hâm nóng, lọc qua một miếng vải đũi và đổ vào lọ sạch đã chuẩn bị trước.
  • Nước ép tươi: Rửa sạch lá, thân và hoa, sau đó cho vào máy ép nước.

Bạn có biết ?

Được coi là một chỉ báo mưa vào thời xa xưa, bởi nếu các đầu hoa của cúc tâm tư khép lại sau 7 giờ sáng, trời sẽ mưa vào cùng ngày.

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments