Người thầy thuốc giỏi chữa bệnh. Người thầy thuốc vĩ đại chữa trị cả người bệnh: hiểu bệnh nhân và hoàn cảnh bệnh tật của người đó.

William Osler – bác sĩ và là 1 trong 4 thành viên sáng lập Bệnh Viện Johns Hopkin.

Thế nào là bệnh mạn tính?

‘Mạn’ là từ Hán-Việt, có nghĩa là ‘chậm, từ từ’. Bệnh mạn tính là các loại/kiểu bệnh tiến triển dần dần và kéo dài, thời gian bị bệnh từ 3 tháng trở lên. Bệnh mạn tính được cho là không thể chữa khỏi hoàn toàn, mặc dù có một số bệnh có thể được kiểm soát thông qua lối sống (chế độ ăn uống, thể dục) và thuốc.  

Sống với bệnh mạn tính có thể khiến một người cảm thấy rất khó chịu, cô đơn, bế tắc, trầm cảm và thậm chí là tuyệt vọng. Một số căn bệnh mạn tính thường gặp bao gồm những bệnh không truyền nhiễm như bệnh Alzheimer và mất trí nhớ, bệnh liên quan đến khớp (viêm khớp, gout hay thống phong v.v…), hen suyễn, ung thư, bệnh Crohn, xơ nang, tiểu đường, động kinh, bệnh tim, rối loạn tâm lý (như chứng rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần, trầm cảm, một số rối loạn nhân cách v.v…), bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson và các bệnh do virus gây ra như viêm gan siêu vi C và HIV/AIDS.

Tại sao có bệnh mạn tính?

Như nhà thần kinh học và tâm lý học người Áo Sigmund Freud từng nói: ‘các cảm xúc không bộc lộ ra ngoài chẳng bao giờ chết. Chúng bị chôn sống và sau này sẽ hiển hiện ra theo những cách tệ hại hơn‘. Gần đây có nhiều nghiên cứu chứng minh được sự liên hệ trực tiếp giữa tâm lý-hành vi và các thói quen xuất phát từ tâm lý dẫn đến bệnh mạn tính, đặc biệt là các cảm xúc bị kìm nén. Việc kìm nén cảm xúc, đặc biệt với sự tức giận (lành mạnh) được đánh giá là yếu tố nguy cơ rất hay bị bỏ qua – vì nó thực sự ức chế hệ thống miễn dịch. Tức giận là một cảm xúc hết sức tự nhiên của con người, cũng giống như những cảm xúc tự nhiên khác như vui, buồn, sợ hãi hay lo lắng. Việc áp chế, kìm nén hay bộc lộ thái quá các cảm xúc tự nhiên đều dẫn đến sự căng thẳng của não bộ, và từ đó dẫn đến các rối loạn sinh học trong cơ thể.

Các yếu tố trong cuộc sống góp phần gây ra thói quen-tâm lý-hành vi mang tính nguy cơ của bệnh tật như: các sang chấn tâm lý, rối loạn cảm xúc từ tuổi thơ hay môi trường sống hàng ngày hiện tại cũng như căng thẳng phát sinh từ các mối quan hệ (gia đình, xã hội) , từ công việc v.v… Một cách vô thức chúng ta tự tạo (và hoàn toàn không nhận ra là mình đang như vậy) một môi trường cơ thể thích hợp để bệnh tật phát sinh và phát triển: môi trường ‘chiến đấu hay bỏ chạy’.

Ba thành phần liên quan đến nhau trong phản ứng căng thẳng của con người: catecholamine, trục HPA và phản ứng của hệ miễn dịch.

  • Catecholamine – Chúng bao gồm epinephrine, norepinephrine và dopamine, được hệ thống thần kinh giao cảm giải phóng để đáp lại mối đe dọa.
  • Trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (HPA) – Hệ thống này phản ứng với một loạt các chất sinh hóa gây căng thẳng. Vùng dưới đồi giải phóng hormone corticotropin (CRH), kích thích tuyến yên tiết ra hormone vỏ thượng thận (ACTH), cuối cùng khiến tuyến thượng thận kích hoạt dòng cortisol (hormone căng thẳng), nâng cao mức đường huyết để ứng phó với mối đe dọa.
  • Hệ thống miễn dịch – Mức độ hormone căng thẳng tăng cao làm suy giảm chức năng miễn dịch. Trong điều kiện bình thường, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng các cytokine tiền viêm, làm tăng tình trạng viêm nhiễm để giúp cơ thể chữa lành vết thương và chống nhiễm trùng. Căng thẳng nghiêm trọng và mạn tính khiến mức độ viêm nhiễm cao bất thường, dẫn đến dễ mắc các vấn đề về thể chất và bệnh tật.

Theo nhiều nghiên cứu, điều này có thể gây suy kiệt lâu dài trên tất cả các hệ thống của cơ thể. Các vấn đề sức khỏe liên quan đến căng thẳng cấp tính, liên tục bao gồm các đau đớn, mệt mỏi mạn tính, các vấn đề về hô hấp như thở nhanh và hen suyễn, tăng huyết áp và bệnh tim và rối loạn chuyển hóa cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích và viêm loét hệ tiêu hóa. Đau tim, đột quỵ, ung thư và các bệnh lý nghiêm trọng khác cũng thường liên quan đến phản ứng căng thẳng mạn tính.

Làm sao để dần dần chữa lành bệnh mạn tính?

Bên cạnh việc tham vấn tư vấn chuyển môn hoặc can thiệp trị liệu, bằng việc hiểu nguyên do và đặt ra kế hoạch tự chăm sóc, học cách xử lý căng thẳng, chúng ta có thể cải thiện hiệu quả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

  • Quan sát và hiểu bản thân mình là điều tối quan trọng. Như Aristote – triết gia người Hy Lạp – từng nói ‘tự biết mình là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan’. Học cách từ chối hoặc đặt ra các ranh giới là điều lành mạnh mỗi người cần áp dụng. Hiểu được mình là ai, tính chân thực của bản thân và thực hành là chính mình. Ban đầu sẽ không dễ dàng nhưng nếu chúng ta không làm như vậy thì cơ thể chúng ta sẽ làm. Bệnh mạn tính là cách cơ thể nói rằng nó ‘từ chối’ những gì chúng ta đã và đang làm với chính mình;
  • Kích thích dây thần kinh phế vị: đấng Sáng Tạo đã thiết kế sẵn cho con người rất nhiều phương pháp đơn giản để giữ cho tâm lý mình ổn định, vững chắc. Như khoa học đã nhận ra, khoảng 80% các sợi của thần kinh phế vị (kết nối não bộ với nhiều cơ quan nội tạng) có liên quan đến sự an ổn của tâm trí. Điều này có nghĩa rằng chúng ta có thể trực tiếp huấn luyện hệ thống kích thích của mình bằng cách hít thở, hát, xoa bóp và vận động. Việc kích thích dây thần kinh phế vị (xem thêm ở đây) có lợi ích vô cùng lớn và quan trọng trong việc giữ gìn môi trường cơ thể lành mạnh – môi trường thuận lợi để giúp phòng bệnh và chữa lành bệnh tật;
  • quan tâm và chăm sóc sức khỏe đường ruột;
  • Một số việc đơn giản khác có thể làm là duy trì mạng lưới xã hội và giao tiếp, phát triển các thói quen lành mạnh như tập thể dục đều đặn, thiền định và dành thời gian ngoài trời, hiểu tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc và ưu tiên giấc ngủ v.v…

Tất cả những điều này là chìa khóa giúp chúng ta nhận diện cảm giác và cảm xúc của mình, đồng thời xử lý chúng một cách lành mạnh, từ đó cải thiện tổng thể sức khỏe thể và tinh thần. Việc xử lý cảm xúc một cách lành mạnh chính là thiết lập và bảo vệ ranh giới của bản thân, giống như hệ thống miễn dịch trong cơ thể: chào đón điều tốt và nhận diện, thải loại những thành phần xấu ra khỏi cơ thể.

Để kết thúc, chúng ta hãy cùng tự hỏi: ở đâu trong cuộc sống, ta đang không thể là chính mình, không thể từ chối khi không muốn? không thể bộc lộ cảm xúc một cách tự do mà không sợ mất đi mối quan hệ nào đó? Ta đang phải kìm nén những điều gì? Ta đang chăm sóc bản thân mình như thế nào? Ta thương mình ra sao?

Hy vọng rằng, những câu hỏi đơn giản trên sẽ là sự khởi đầu cho những câu trả lời khơi nguồn cảm xúc cho chúng ta tiếp tục đặt câu hỏi về bản thân, và từ từ chữa lành tâm hồn cũng như bệnh tật của mình.

(tổng hợp).

Tham khảo thêm (tài liệu tiếng Anh):

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments