cuộc sống gia đình là trường học đầu tiên chúng ta học về cảm xúc… cha mẹ có EQ cao sẽ có những đứa con EQ cao.
Daniel Goleman – nhà tâm lý học người Mỹ.
Cha mẹ có thể chưa hoàn hảo (ở góc độ có sẵn kinh nghiệm nuôi dạy con, hiểu tâm lý con trẻ v.v…) nhưng mọi bậc cha mẹ đều có thể học tập để đồng hành trong quá trình nuôi dạy con và cùng con trưởng thành.
Đại học Harvard từng kết luận, khả năng thành công trong cuộc đời của một người có 20% phụ thuộc vào chỉ số IQ, trong khi EQ (trí tuệ cảm xúc) chiếm 80%. Chỉ số EQ có thể cải thiện, chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn trong quá trình dạy dỗ trẻ. Trên con đường trưởng thành, hãy tự nâng cao trí tuệ xúc cảm để nuôi dạy trẻ thành những người lớn hạnh phúc, giàu nghị lực và sẵn sàng mở cánh cửa ra thế giới.
Chỉ số EQ biểu lộ như thế nào?
Các nhà nghiên cứu xác định các tiêu chí đánh giá trí tuệ cảm xúc bao gồm năm khía cạnh sau:
- khả năng tự nhận thức: nhận biết được cảm xúc của chính mình;
- khả năng điều tiết cảm xúc của bản thân và tính tự giác;
- lòng cảm thông với những người xung quanh;
- động lực, và
- các kỹ năng quan hệ xã hội.
Trẻ em trong sáng, hồn nhiên như những tờ giấy trắng. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên viết lên những trang giấy đó và chúng sẽ là những dấu ấn đi theo trẻ suốt cuộc đời. Khi Mạc Ngôn (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc) đạt giải Nobel, ông nói rằng: “điều đầu tiên mỗi người khi sinh ra nhận được chính là giáo dục gia đình, ảnh hưởng lớn nhất cũng là giáo dục gia đình. Đây là cách giáo dục bằng lời nói và hành động, tức là dạy người khác thế nào, mình phải làm như vậy. Bản thân tôi cũng cảm thấy giáo dục bằng hành động quan trọng hơn lời nói. Trong gia đình bạn sống, cách người lớn đối xử với công việc, với người khác có ảnh hưởng trực tiếp, vô thức làm thay đổi đứa trẻ”.
Vậy cha mẹ có EQ thấp sẽ có tác động như thế nào đến con cái?
- Làm cho trẻ lẫn lộn về cảm xúc và mất tự tin vào bản thân: cha mẹ không biết kiềm chế, thiếu sự cảm thông với cảm xúc của con trẻ sẽ làm cho con trẻ bị lẫn lộn hoàn toàn. Ví dụ, khi trẻ bộc lộ cảm xúc nhưng bị phê phán hoặc nhạo báng thậm chí mắng mỏ v.v … trong tâm trí trẻ, cha mẹ là những người ‘luôn đúng’, chúng hành xử theo nội tâm chân thật nhưng lại bị dội những gáo nước lạnh, dần dần chúng sẽ đóng cửa tâm hồn, không còn muốn sống thực với nội tâm mình, đồng thời phát sinh sự nghi ngờ cảm xúc của bản thân. Như tiến sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Susan Foward đã viết trong cuốn “Cha mẹ bị ngộ độc” của mình: “Trẻ em sẽ không phân biệt được đâu là sự thật và đâu là chuyện đùa. Chúng sẽ tin những gì cha mẹ nói về mình và nghĩ mình sẽ giống như những gì cha mẹ nói”.
- Trẻ khó khăn để xác định mục tiêu và động lực cho bản thân: cha mẹ có tâm trí tiêu cực dễ dàng làm nhụt trí con trẻ. Thay vì động viên, khuyến khích … cha mẹ có EQ thấp sẵn sàng buông lời phán xét, ‘vùi dập’ ngay khi trẻ mắc lỗi, thậm chí ‘nâng cao quan điểm’, biến lỗi lầm nhất thời của trẻ thành ‘bản chất’ … dẫn đến việc trẻ không còn hứng thú phấn đấu, cùn mòn ý chí, dễ dàng buông xuôi khi có khó khăn vì tin rằng ‘đằng nào thì mình cũng là kẻ không được việc gì’.
- Trẻ khó gắn kết thực sự hoặc dễ dàng tìm đến các mối quan hệ ‘độc hại’ khi trưởng thành. Từ tâm lý tự ti, mặc cảm, không hiểu bản thân mình, trẻ phát triển sự gắn bó phụ thuộc và sợ hãi mất đi một mối quan hệ. Tệ hơn, trẻ có thể trở thành một người ‘luôn tử tế’ – có nghĩa là trẻ luôn tiếp cận cuộc sống và các mối quan hệ ở thế bị động, với các đặc trưng:
- thay vì lên tiếng cho bản thân thì họ lại để mọi người liên tục lấn lướt mình. Họ luôn cố gắng không ngừng để làm hài lòng người khác.
- luôn cảm thấy khó khăn khi từ chối – cho dù với những yêu cầu vô lý. Nói tóm lại, họ “tử tế” đến mức thành ra hoàn toàn không ‘tử tế’ với chính họ.
- ngại ngần mở lời vì sợ làm phiền tới người khác, đặc biệt là khi cần hay muốn điều gì đó
- tránh xung đột bằng mọi giá; luôn giữ nguyên tắc “làm theo cho nó lành”, vì làm khác đi, họ sợ sẽ gặp rắc rối.
Thấu hiểu và bao dung là hai món quà tuyệt vời nhất cha mẹ có thể tặng cho con cái.
Cha mẹ giáo dục con cái với sự thấu hiểu (về phát triển tâm và sinh lý của con cái theo từng thời kỳ) và hòa thuận với trẻ một cách tử tế sẽ đặt nền móng cho sự hạnh phúc và thành công khi trẻ lớn lên. Dạy dỗ trẻ bằng đánh, mắng không những không đem lại kết quả, mà còn khiến cho trẻ bướng bỉnh và khó bảo hơn.
Kỹ năng hiểu cảm xúc của bản thân và tự điều tiết cảm xúc là khóa học bắt buộc dành cho các bậc cha mẹ. Với nhiều phụ huynh, “hội chứng khủng bố” không còn là điều xa lạ. Họ dễ dàng nổi cơn ‘thịnh nộ’ ngay cả với những chuyện nhỏ nhất như khi gọi và trẻ không trả lời ngay hay trẻ nghịch ngợm suốt buổi trưa chứ đừng nói là không làm bài tập hay nhà trường gọi điện nhắc nhở.
Sự nêu gương của cha mẹ là rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ. “Học đi đôi với hành’, cha mẹ hành xử tử tế, nhân ái, mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày chính là những bài học sâu sắc nhất cho trẻ. Cha mẹ nói một đằng làm một nẻo, kiểu như chính mình lười biếng lại mắng con không chăm, chính là hành vi ‘đạo đức giả’, thiếu liêm chính và trung thực, sẽ dần dần dẫn đến tâm lý không tin tưởng cha mẹ, và thất vọng về gia đình của trẻ.
Giáo dục con cái bắt đầu từ việc nâng cao trí tuệ cảm xúc của cha mẹ. Bằng cách hiểu và chấp nhận cảm xúc của bản thân, tôn trọng ý kiến và quan tâm đến nhu cầu của con cái, lắng nghe và cảm thông với những cảm xúc hay tính cách riêng của trẻ, đồng thời thể hiện tình yêu thương của bố mẹ thành lời nói và hành động giúp trẻ có thể hiểu được v.v… cha mẹ sẽ giúp con mình tăng trí thông minh cảm xúc trong quá trình trưởng thành của chúng.
Một số gợi ý cho cha mẹ
- lắng nghe con trẻ và tìm hiểu tâm tư của con, ghi nhận và tôn trọng cảm xúc của con mà không phán xét.
- dạy trẻ trên cơ sở các nguyên tắc được thiết lập rõ ràng, công bằng, nghiêm khắc nhưng không hà khắc; luôn thể hiện sự âu yếm và bao dung với trẻ;
- tự chủ về cảm xúc: điều tiết tốt cảm xúc và thể hiện cảm xúc trung thực một cách lành mạnh là điều quan trọng. Điều tiết không phải là đè nén cảm xúc. Không hài lòng với con là bình thường và khó chịu khi trẻ không nghe lời là tự nhiên. Việc thể hiện cảm xúc này như thế nào để trẻ hiểu và rút kinh nghiệm mới thực sự quan trọng; Việc mang cảm xúc ở bên ngoài về trút lên trẻ, hoặc tự cho phép mình cư xử thô lỗ với con trẻ là điều vô cùng tệ hại và phải tránh.
- cha mẹ (người lớn trong gia đình) luôn giữ sự hòa ái và đồng thuận trong cách dạy dỗ trẻ. Kể cả khi có bất đồng, thì việc giải quyết bất đồng một cách lành mạnh là vô cùng quan trọng. Trẻ sẽ học được cách đối nhân xử thế từ mối quan hệ của các thành viên trong gia đình;
- giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, yêu đời nhưng không giả tạo; sống trung thực với bản thân và vẫn điều tiết được cảm xúc;
- cùng học từ lỗi lầm của con. Luôn luôn giữ tinh thần ‘đồng đội’ với con mình.
Như nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Daniel Goleman đã viết trong cuốn “Trí tuệ cảm xúc”: “Cuộc sống gia đình là trường học đầu tiên chúng ta học về cảm xúc. Cha mẹ có EQ cao sẽ có những đứa con EQ cao.” Hiểu thấu đáo điều này, các bậc cha mẹ sẽ nhận ra vai trò cao cả của bản thân mình đối với gia đình và xã hội, và đặc biệt là với tương lai của con trẻ. Hiểu bản thân mình đem lại hạnh phúc và thành công cho con trẻ, chẳng đáng công sao?
Coaching cho tuổi Teen.