cần có sự can đảm để lớn lên và trở thành con người thực sự của chính mình.

E. E. Cummings – nhà thơ, nhà Văn người Mỹ.

Ở giai đoạn dậy thì, trẻ có những thay đổi không chỉ về sinh lý mà còn cả tâm lý. Nhiều khi những sự thay đổi ấy lại khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân, bối rối hoang mang và dễ mắc phải các hội chứng tiêu cực. Dưới đây là những hội chứng tâm lý mà các em dễ mắc ở tuổi dậy thì.

Vì sao trẻ ở tuổi dậy thì dễ mắc hội chứng tâm lý?

Tuổi dậy thì (từ 10 đến 18 tuổi, trong đó giai đoạn cao trào từ 12 đến 16 tuổi) là lứa tuổi có nhiều biến đổi nhất. Về hình thể, tâm lý và cả sinh lý đều phát triển phức tạp, do đó dễ bị khủng hoảng nhất so với các tuổi khác. Chính vì vậy mà các hội chứng tâm lý cũng dễ xảy ra ở lứa tuổi này.

  • Về hình thể: khi bước vào tuổi dậy thì vẻ bề ngoài của các em có sự thay đổi rất lớn: cơ thể phát triển rất nhiều so với trước kia. Con gái ngực to ra, có kinh nguyệt; con trai vỡ tiếng, bắt đầu có ria mép…Trong cùng lứa tuổi, em nào có những biểu hiện dậy thì trước sẽ dễ bị bạn bè “hiểu lầm” và bị phân biệt đối xử. Có những em khi dậy thì mặt bị mụn bọc, mụn cám rất nhiều, nhưng không muốn ai nói hoặc chê bai về hình thức của mình. Hay sự thay đổi về chiều cao (các em cao nhanh trong giai đoạn này) cũng có khi làm các em bối rối.
  • Về tâm lý: các em bắt đầu có cảm xúc giới tính, nhậy cảm về đánh giá của người khác, dễ bị sốc trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, nếu không thể chia sẻ hoặc không có ai giải thích, tư vấn v.v… có thể khiến các em hoang mang hơn và các áp lực về tâm lý đó về lâu dài sẽ ngày càng đè nặng, khiến các em có thể bị các rối loạn về hành vi, rối loạn về cảm xúc và rối loạn tâm thần. Tuổi dậy thì đặc biệt cần sự chăm sóc và hướng dẫn của cha mẹ để vững bước vào đời.

Những dấu hiệu trẻ bị rối loạn tâm lý hành vi

  • Các em bị suy giảm khả năng học hành bất thường. Căng thẳng, dễ bực dọc, đôi lúc tỏ ra hỗn láo với người lớn. Có khi mất ngủ, đứng ngồi không yên; có những hành vi bất thường như bỏ nhà ra đi, gây hấn với người khác, rối loạn cảm xúc (vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm) v.v…
  • Có thể trẻ bị rối loạn suy nghĩ, suy nghĩ lệch lạc từ nhẹ đến nặng. Có trường hợp lúc nào cũng nghĩ rằng có người yêu mình hoặc thấy ai đẹp là tiến đến khen người đó hoặc nói thẳng là thích bạn đó. Có trường hợp bị ám ảnh, sợ bị mắc bệnh gì đó, sợ làm lây bệnh cho người khác dù mình không hề bị bệnh v.v…
  • Các em có thể chuyển từ rối loạn hành vi sang rối loạn tâm thần với những triệu chứng hoang tưởng và điều này càng làm các em cách biệt về mặt thực thể đối với người khác. Lúc đó, các em sẽ có những hành vi và lời nói không phù hợp với thực tế.

Các hội chứng tâm lý dễ mắc ở tuổi dậy thì

  • Rối loạn cảm xúc

Những biến đổi tâm lý khiến các em nhạy cảm hơn, cảm xúc cũng dễ thay đổi hơn. Rối loạn cảm xúc xảy ra khi có tình trạng rối loạn tại não bộ, gây nên những bất ổn về tinh thần như chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang cảm xúc ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, thoắt buồn thoắt vui. Biểu hiện của rối loạn cảm xúc là chán ăn (dù đang đói), mất ngủ, gầy sút, hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên, vẻ mặt không tươi tắn. Các em dễ trở nên quá nhậy cảm trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, bố mẹ và hay suy diễn đến những trạng thái tiêu cực.

  • Stress và trầm cảm

Ở độ tuổi nhạy cảm này thường dễ bị áp lực từ học tập, gia đình, bạn bè, thầy cô. Ngay cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay khả năng/trình độ cá nhân, những mong muốn vượt quá khả năng từ cả bản thân và gia đình đều có thể dẫn đến stress (ức chế thần kinh). Khi rơi vào trạng thái stress, các em cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng, lo âu, đau đầu, suy nghĩ luẩn quẩn, giấc ngủ không yên v.v… Chính vì vậy, kết quả học tập của các em thường giảm sút, sức khỏe cũng trở nên không ổn định.

Trầm cảm là rối loạn tâm thần dễ mắc phải ở lứa tuổi dậy thì do những thay đổi từ lượng hormon trong cơ thể, áp lực từ xung quanh. Từ việc học hành, bố mẹ, thầy cô, bạn bè hay có những em do các chất kích thích v.v… với nhiều triệu chứng như hay buồn bã, thờ ơ với mọi thứ xảy ra xung quanh và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, bi quan, sống thu mình, ngại giao tiếp với bạn bè và người thân… Khi bị trầm cảm, các em thường tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Thậm chí, rất nhiều bạn chỉ quan tâm và sống trong thế giới “ảo”. Nguy hiểm hơn, stress và trầm cảm ở tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự tử.

  • Rối loạn tâm lý và hành vi

Ở lứa tuổi dở trẻ em, dở người lớn này, nhiều em tự nghĩ mình kém cỏi, dẫn đến tâm trạng tự ti và mất bình tĩnh. Tự ti dần dần khiến trẻ trở nên e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Cảm giác tự ti khiến các em dễ rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi thường xuyên, ăn vặt dẫn đến thừa cân. Ở tuổi này, các em dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh, mạng xã hội, sự nhậy cảm và hay suy diễn, đồng thời với việc không có người chia sẻ, hướng dẫn là nguyên nhân dẫn đến những rối loạn tâm lý, dẫn đến các hành vi bất thường (quậy phá, chống đối) hoặc tự đè nén che đậy, dẫn tới các hệ quả lâu dài sau này.

Cha mẹ nên làm gì?

  1. Điều đầu tiên, cha mẹ cần hiểu được sự khó khăn của con em mình trong giai đoạn này. Tuy thường tỏ ra hỗn hào, phá phách, bất cần v.v… nhưng trên thực tế các em về cơ bản không chủ định làm như vậy, nhất là hoàn toàn không chủ tâm chọc giận cha mẹ. Các em đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời từ khi mới sinh ra: đi tìm cái tôi thực sự. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức kiên nhẫn và bao dung đối với các em. Bằng cách tìm hiểu tâm sinh lý của tuổi vị thành niên, cha mẹ sẽ dễ dàng nắm bắt được sự thay đổi trong tâm lý cũng như hành vi của các em, từ đó linh hoạt trong việc nuôi dạy, hướng dẫn con em mình.
  2. Các rối loạn tâm lý/tâm thần, hành vi ở tuổi dậy thì tuy dễ gặp nhưng cũng có thể điều trị nhanh chóng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần. Cha mẹ có con ở lứa tuổi này nên lưu tâm, quan sát các biểu hiện thường ngày của các em. Nếu thấy con em mình có những biểu hiện tâm lý không bình thường, các bậc cha mẹ không nên giấu giếm, mặc cảm mà nên theo dõi, xin tư vấn kịp thời. Nếu thấy diễn biến tâm lý của con ngày càng theo chiều hướng tiêu cực, cha mẹ nên đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt. Đây là lúc các em rất cần sự chăm sóc, hướng dẫn của người thân trong gia đình cũng như của những người có chuyên môn. Chính sự chăm sóc và điều trị sớm sẽ giúp các em nhanh chóng thoát khỏi rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần.
  3. Cha mẹ nên là người bạn gần gũi nhất của con. Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, nâng cao nhận thức. Ngoài ra, nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con, tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe căn bản cũng là cách tốt để giúp trẻ duy trì tâm lý cân bằng, ổn định./.

(Coaching cho tuổi Teen; tổng hợp)

Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ tinh thần, đừng ngại liên hệ với coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới (Sử dụng mã liên hệ ‘Teen’ để nhận khai vấn miễn phí)

tham khảo thêm:

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments