nói ra được vấn đề là đã giải quyết xong một nửa – nhưng với hàng loạt rắc rối của phụ nữ từ chuyện kinh nguyệt cho tới chuyện tiền mãn kinh, việc nhắc đến đã gây ngại ngùng, như thể chúng ta có lỗi khi nói về chúng.

Kanak Asha “Konnie” Huq – nữ nhà văn người Anh.

Là phụ nữ khi đến tuổi trung niên, ai cũng trải qua thời kỳ mãn kinh, và tiền mãn kinh nhưng không phải ai cũng cảm thấy dễ chịu, thậm chí có nhiều chị em với các triệu chứng nặng phải dùng thuốc để điều trị. Vượt qua giai đoạn chuyển đổi sinh lý tuổi trung niên này một cách nhẹ nhàng có lẽ là mong ước của mọi phụ nữ.

Tiền mãn kinh là gì?

ảnh minh họa thay đổi nội tiết tố nữ, internet

Tiền mãn kinh là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Tùy theo cơ thể sinh lý mỗi người, thời kỳ này có thể diễn ra ở các tuổi khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng sẽ có những triệu chứng không giống nhau.

Thông thường, thời kỳ mãn kinh rơi vào độ tuổi từ 45 đến 55. Về sinh lý, đây là sự đánh dấu cho việc kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Như vậy, khi kinh nguyệt dừng là lúc chính thức mãn kinh, và phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước đó từ 8 – 10 năm, tức là có thể bắt đầu ở độ tuổi 35 đến 45. Đây là giai đoạn mà hoạt động của trục điều khiển chức năng sinh dục não-tuyến yên-buồng trứng bắt đầu suy giảm, bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone không còn được sản xuất đầy đủ như khi còn ở tuổi thanh niên.

Chính vì sự suy giảm các nội tiết tố này, người phụ nữ bắt đầu cảm nhận được sự xáo trộn về tâm lý cũng như sinh lý cũng như sự suy giảm sức khỏe và sắc đẹp. Nguy cơ loãng xương, rối loạn tim mạch, giảm ham muốn tình dục rất cao. Ngoài ra, tâm lý không ổn định nên có thể dễ nóng giận, hoặc dễ chán nản, khó tập trung trong công việc. Các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi nhất là vào ban đêm dẫn đến khó ngủ, mất ngủ, chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp, lo âu…

Càng gần thời điểm mãn kinh, cơ thể người phụ nữ sản xuất càng ít estrogen hơn. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tháng và tới vài năm, đánh dấu bằng các chu kỳ kinh nguyệt không đều, khi ít khi nhiều hoặc rối loạn như có thể tắt kinh vài tháng, hoặc kinh nguyệt quá nhiều. Mãn kinh chính thức bắt đầu khi buồng trứng sản xuất quá ít estrogen, đến mức trứng không được phóng thích nữa và chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngừng lại.

Tuy nhiên, tùy theo cơ địa mỗi người, triệu chứng có thể xuất hiện sớm hay muộn. Vì thế phụ nữ nên lắng nghe cơ thể mình để sớm nhận diện các dấu hiệu để có biện pháp khắc phục kịp thời, thay vì chỉ căn cứ vào độ tuổi. Các dấu hiệu thường gặp ở thời kỳ tiền mãn kinh:

1. Rối loạn kinh nguyệt và các bệnh lý ở cơ quan sinh sản

Kinh nguyệt thất thường, có tháng đến sớm, có tháng đến muộn, đôi khi 2 – 3 tháng mới có kinh một lần là do việc phóng thích trứng (dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt) của buồng trứng gặp trục trặc. Ngoài ra có thể có trường hợp kinh nguyệt quá nhiều dẫn đến thiếu máu tạm thời. Hơn nữa việc thiếu hụt hormone progesterone còn gây ra một số vấn đề khác như u xơ tử cung v.v…

ảnh minh họa theo trang verywell, internet

2. Khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và khó thụ thai

Âm đạo giảm lượng dịch tiết và độ đàn hồi khiến người phụ nữ cảm thấy khó chịu, đau rát vùng kín, đau khi quan hệ tình dục. Khô âm đạo là lý do nhiều chị em phụ nữ không còn hứng thú với chuyện chăn gối thậm chí muốn né tránh, khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Bên cạnh đó, hệ quả của rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng gặp trục trặc khi phóng thích trứng sẽ khiến việc có thai tự nhiên của phụ nữ ở độ tuổi này gặp khó khăn. Có nhiều trường hợp phụ nữ độ tuổi này muốn có con phải nhờ đến sự can thiệp của y học.

3. Bốc hỏa , rối loạn giấc ngủ và suy giảm trí nhớ

Bốc hỏa là cảm giác nóng bừng từ ngực lên vai, cổ và mặt, thường kéo dài trong khoảng 2 – 3 phút hoặc lâu hơn là biểu hiện hay gặp của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Triệu chứng bốc hỏa này có thể xảy ra nhiều lần trong ngày, đặc biệt trong lúc ngủ. Điều này có thể phá hỏng giấc ngủ ngon và lâu dài có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe: năng lượng giảm, hệ thống sinh học rối loạn và tâm lý thay đổi, hơn nữa có thể khiến trí nhớ của bị suy giảm tạm thời.

4. Tâm tính thay đổi

Một triệu chứng mà các chị em thường gặp khác là tâm lý không ổn định. Phụ nữ trung niên có thể dễ nóng giận, nhưng đôi lúc lại trở nên nhạy cảm quá mức và hay lo âu, buồn phiền. Nếu không được giải tỏa, các rắc rối tâm lý có thể trở nên nghiêm trọng hơn thành bệnh như căng thẳng mãn tính, trầm cảm hay rối loạn lo âu.

5. Khó giữ gìn vóc dáng

Vào tuổi trung niên, quá trình trao đổi chất trong cơ thể bắt đầu chậm lại. Đồng thời, các căng thẳng, lo lắng hay mất ngủ (thường thấy ở giai đoạn tiền mãn kinh) làm giảm khả năng chuyển hóa mỡ, tuần hoàn toàn cơ thể giảm sút khiến cơ thể dễ tăng cân, đặc biệt là khi mỡ không chuyển hóa thường tập trung ở vùng eo, bụng, đùi, bắp tay. Ngược lại, phụ nữ trung niên có thể trở nên chán ăn, khó hấp thụ dẫn đến việc giảm cân không mong muốn.

6. Đau nhức và viêm khớp

ảnh minh họa, internet

Sự thay đổi nồng độ hormone ở giai đoạn tiền mãn kinh là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xương khớp thường thấy. Khi estrogen sụt giảm trầm trọng, người phụ nữ còn có nguy cơ bị hao hụt canxi nhanh hơn, khiến cho xương bị xốp, yếu đi, giòn và dễ gãy.

7. Hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng

Khi hoạt động của trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng suy giảm dẫn đến sự sụt giảm nội tiết tố trong cơ thể kéo theo những thay đổi bất lợi về mức cholesterol trong máu, bao gồm cả sự gia tăng cholesterol  xấu (LDL) và sụt giảm cholesterol tốt (HDL). Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp và tim mạch ở phụ nữ ở thời kỳ này cũng như về sau.

Rối loạn tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy đến một cách tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ. Những rắc rối mà nó gây ra, tuy khó chịu nhưng không nghiêm trọng và thương tự chấm dứt mà không phải can thiệp bằng thuốc. Tuy nhiên, không ít trường hợp xảy ra không theo quỹ đạo, tức là đến sớm hơn (trước 35 tuổi) hoặc muộn hơn (sau 50 tuổi), đồng thời mang theo rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và công việc của các chị em. Đó chính là tình trạng rối loạn tiền mãn kinh, nên được can thiệp kịp thời để trở về đúng quĩ đạo tự nhiên.

Một số người có thể bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường do:

  • Di truyền: trong gia đình có lịch sử từ mẹ hoặc chị gái đều có kinh sớm (trước 11 tuổi) hoặc mãn kinh sớm; mắc một số hội chứng di truyền chẳng hạn như hội chứng Turner hoặc hội chứng Fragile X v.v…;
  • Bệnh lý: mắc một số chứng bệnh như rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ miễn dịch chẳng hạn như bệnh Addison, bệnh tuyến giáp, bệnh tiểu đường loại 1, bệnh Crohn hoặc bệnh celiac v.v…;
  • Suy buồng trứng sớm hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung hay toàn bộ buồng trứng;
  • Trải qua hóa trị và xạ trị trong quá trình điều trị ung thư;
  • Hút thuốc lá (kể cả thụ động) nhiều năm vì thuốc lá là yếu tố nguy hại làm giảm nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể.

Điều trị rối loạn tiền mãn kinh bằng cách nào?

ảnh minh họa: các nhóm thực phẩm
giàu vitamin D, internet
  • Lựa chọn chế độ ăn uống cân bằng và phù hợp, gồm có đầy đủ các nhóm chất đạm, axit béo omega-3, chất xơ và canxi trong thực đơn hàng ngày;
  • Sinh hoạt lành mạnh và khoa học, cụ thể như vận động đầy đủ, hạn chế dung nạp bia rượu, thuốc lá (lưu ý việc hút thuốc thụ động), ngủ sâu và đủ từ 7 – 8 giờ/ngày;
  • Duy trì cân nặng ổn định với chỉ số BMI trong giới hạn bình thường;
  • Uống đủ nước mỗi ngày;
  • Hạn chế các sản phẩm chế biễn sẵn và các sản phẩm có hàm lượng đường tinh luyện cao;
  • Bổ xung thực phẩm giàu vitamin D như các loại Nấm tươi/khô, tảo biển, đậu, trứng, phô-mai. Bổ xung vitamin D vào mùa ít nắng. Hoạt động ngoài trời cũng là một cách tốt để hấp thụ Vitamin D tự nhiên.

Một số loại thực phẩm và thảo dược lành tính giàu phytoestrogen tham khảo:

ảnh lá Ginkgo Biloba,
internet
  1. Thực phẩm bao gồm trái cây (như mận, lê, táo, nho,…), rau (đậu, giá đỗ, bắp cải, rau bina, đậu nành, ngũ cốc, tỏi, hành,…)
  2. Trà như trà xanh, trà hoa Anh Thảo chiều, trà từ lá và hoa cây Áo choàng của quý bà (lady’s mantle), chiết xuất hoa Bia kết hợp chiết xuất rễ cây Nữ lang (Valerian) v.v…
  3. Một số loại dược phẩm như: Đương qui, Lạc tiên, Ngân hạnh (Ginkgo biloba), cam thảo đều hỗ trợ giúp cơ thể giảm căng thẳng và các cơn bốc hỏa, tăng tuần hoàn.

Trong trường hợp các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, nên tư vấn bác sĩ./.

Nếu thấy mình đang cần sự hỗ trợ tinh thần, đừng ngại liên hệ với Coach Trạm Yên bằng cách để lại lời nhắn hoặc sử dụng công cụ ‘liên hệ’ bên dưới (Sử dụng mã liên hệ ‘TMK’ để nhận khai vấn miễn phí)

guest
0 BÌNH LUẬN
mới nhất
cũ nhất
Inline Feedbacks
View all comments