Sức nóng (của cơn sốt) làm tăng hiệu suất của các tế bào miễn dịch, gây căng thẳng trực tiếp lên mầm bệnh và tế bào bị nhiễm bệnh, đồng thời kết hợp với các yếu tố tự đề kháng khác để cung cấp khả năng phòng vệ miễn dịch không đặc hiệu.

trang Thư viện Y học, Mỹ

Nhiệt độ cơ thể và sức khỏe

ảnh minh họa mao mạch; internet

Từ lâu con người đã biết được rằng cơ thể cần nhiệt lượng để tồn tại và phát triển. Khi cơ thể có xâm nhập lạ, sốt chính là cơ chế nhằm làm giảm sức mạnh của vi khuẩn, nhờ đó kháng thể dễ dàng tiêu diệt chúng. Và ngày nay, nhiều nghiên cứu cho thấy việc nâng cao thân nhiệt giúp cải thiện chức năng trao đổi chất và co bóp, dẫn truyền thần kinh đồng thời thúc đẩy hệ thống miễn dịch lên mức cao nhất, khiến nó hoạt động hiệu quả hơn đồng thời hỗ trợ cơ thể trong việc làm sạch máu và hệ bạch huyết.

Giải Nobel Y khoa năm 1920 được trao cho giáo sư August Krogh (1874-1949) người Đan Mạch vì đã khám phá ra cơ chế điều hòa các mao mạch trong hệ cơ xương. Chúng ta biết rằng sự sống bắt nguồn từ mao mạch. Các mao mạch với số lượng khổng lồ – ít nhất là 10 tỷ cho một cơ thể trung bình – trải khắp cơ thể nếu được lưu thông thì chậm lão hóa, tuổi thọ kéo dài, không bệnh tật. Mao mạch bị tắc nghẽn chính là sự khởi đầu của đau đớn và bệnh tật. Như trong Đông y sử dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp v.v chính là nhằm kích thích, khai thông các ắc tách này.

Việc chườm ấm cơ thể là sử dụng sức ấm nóng từ bên ngoài tác động vào trong cấu trúc của các động mạch, tĩnh mạch và mao mạch để những mạch máu này phục hồi sự co giãn, làm máu được lưu thông dễ dàng. Hiện nay phương pháp chữa bệnh tại nhà bằng máy sấy tóc, cứu ngải cũng dùng sức nóng để đả thông huyệt đạo đã được phổ biến khá rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực trong việc tự chữa lành đơn giản.

sơ đồ nội tạng vùng bụng; ảnh internet

Vùng cơ Hoành và Gan

  • Được coi là trái tim thứ hai, cơ hoành có vai trò vô cùng quan trọng đối với sinh lý hệ hô hấp. Khi cơ hoành co thì vòm hoành hạ xuống, giúp cho lồng ngực giãn, áp lực trong lồng ngực giảm, không khí được hít vào trong và ngược lại.
  • Hơn nữa, ngay dưới cơ hoành là gan (dưới vòm hoành phải và có một phần lấn sang trái, nằm dưới vòm hoành trái) và vùng thượng vị. Khi chườm nóng vùng cơ hoành (ngả phải) là đã chườm nóng gan. Gan tiếp giáp với nhiều cơ quan khác trong cơ thể: phía trước bên phải giáp với dạ dày, phía sau bên phải giáp với thận phải, phía dưới giáp với ruột non cùng ruột già. Mặt dưới của gan có túi mật.
    • Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể. Vì gan là cơ quan đầu tiên, tiếp nhận các chất dinh dưỡng cũng như các hợp chất khác nhau chuyển từ hệ thống tiêu hóa, gan trở thành “nhà máy lọc máu” chính và quan trọng nhất trong cơ thể.
    • Với khoảng 4.5 lít máu ở nữ và 5 lít máu ở nam,  cứ mỗi một giờ có 60 lít máu đi qua gan. Chức năng chống độc và giải độc là những chức năng sinh lý của gan được đánh giá quan trọng hàng đầu. Để bảo vệ cơ thể, gan đóng vai trò như hàng rào ngăn chặn các yếu tố độc hại xâm nhập qua đường tiêu hóa. Gan làm giảm độc tính và thải trừ một số chất được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Gan chống độc bằng 2 cơ chế:

  • Giữ lại kim loại nặng như đồng, chì, thủy ngân … sau đó sẽ thải ra ngoài
  • Biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn bằng các phản ứng hóa học sau đó thải ra ngoài qua đường mật hoặc đường thận.

Rất nhiều chất như bilirubin, alkaloid, phenol, hormone steroid, các loại thuốc (kháng sinh, aspirin, barbiturate…) sẽ được kết hợp với acid glucuronic sau đó thải ra trong nước tiểu hoặc dịch mật. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày khi thức ăn và nước uống không những không sạch mà còn tiềm ẩn nhiều độc tố khiến việc đào thải chất bẩn trở nên khó khăn và chức năng của gan bị giảm bởi chất độc bị ứ lại nằm trong tĩnh mạch gan và dần dẫn qua thời gian, gan bị nhiễm độc bởi chính các chất thải ấy.

Gan không khỏe mạnh sẽ gây ra rất nhiều bệnh tật cho cơ thể. Vì vậy, việc hỗ trợ cho gan bằng cách chườm nóng sẽ làm giãn nở các mao mạch gan, tăng lưu thông máu và tạo điều kiện để các chất độc và các chât vữa, chất nhầy được chuyển ra ngoài. Ngoài ra, các cơ quan liền kề với gan là mật và tuyến tụy cũng được sức nóng giúp đả thông các mao mạch thì kích thích sự tiết dịch của các cơ quan, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, cải thiện chứng táo bón, điều hòa đường huyết. Việc ngủ ngon sau khi chườm nóng là một dấu hiệu cơ thể được làm sạch, thư giãn và thoải mái.

Cơ hoành được biết đến như một quả tim thứ hai, nhưng áp huyết động học của nó là mạnh hơn nhiều so với sự co bóp của trái tim, bởi vì diện tích bề mặt của chiếc ‘máy bơm’ này lớn hơn nhiều so với tim. Đồng thời, cơ hoành mềm dẻo còn giúp thông khí cho dòng chảy của  gan mật, và tăng lưu thông máu qua gan, từ đó tác động gián tiếp vào tất cả các chức năng gan: tạo glycogen, giải độc, giảm mỡ… Việc đơn giản làm mềm và tăng hoạt động cơ hoành có lẽ là cách giảm tải cho gan một cách vô hại nhất, đơn giản nhất.

Ngoài chườm vùng Gan và cơ Hoành, một số vùng sau đây của cơ thể cũng hết sức quan trọng và có ích – đây cũng là lý do liệu pháp ngâm Hông vô cùng hiệu quả, khi một số huyệt như Trường Cường, Hội Âm v.v không thể chườm nóng theo cách thông thường.

cách do ‘thốn’ trong Đông Y; ảnh internet

Vùng Rốn và bụng dưới

  • Rốn là huyệt Thần Khuyết – được coi là nơi chứa thần khí của con người. Do vậy, huyệt vị này được y học đặt tên cho là Thần khuyết. Huyệt đạo này còn có tên gọi khác là Khí Hợp, Khí Xá, Tề Trung. Đây thuộc huyệt thứ 8 của mạch Nhâm, là nơi tập trung của khí (Qi) trong cơ thể. Khi châm cứu hay đắp thuốc lên huyệt này có thể giúp điều trị bệnh các bệnh như rối loạn kinh nguyệt hoặc đau trong kỳ kinh; bệnh ở hệ sinh dục ngoài, viêm ruột cấp và mãn tính, lỵ, lao ruột. Ngoài ra, việc làm ấm rốn còn giúp lưu thông khí huyết, giúp máu đi tới tứ chi, rất hữu ích cho các bệnh chân tay lạnh vào mùa đông.
  • Huyệt Khí Hải (Đan Điền): nằm dưới Rốn 1.5 thốn (bề rộng 2 ngón tay trỏ và giữa), Khí Hải thuộc huyệt thứ 6 của mạch Nhâm. Đây là huyệt đạo căn bản để bồi bổ cơ thể với nguyên khí bẩm sinh cùng nguồn năng lượng dồi dào như biển, cung cấp sự sống cho con người. Tác động vào huyệt này sẽ giúp điều trị các bệnh đường sinh dục, kinh nguyệt, tiểu tiện, chữa đau bụng, hỗ trợ huyết áp đồng thời giúp da săn chắc, tăng cường thể lực, làm chậm quá trình lão hóa.
  • Huyệt Quan Nguyên: còn có tên gọi khác là Tam Kết Giao, Hạ Kỷ, Thứ Môn. Đây là huyệt vị thứ tư thuộc mạch Nhâm nằm dưới Rốn 3 thốn (bề rộng 4 ngón tay). Là nơi giao hội giữa nhâm mạch và túc tam âm mạch, là chỗ bế ẩn của nguyên khí, nơi mà nguyên âm và nguyên dương giao quan vì vậy được đặt tên Quan Nguyên. Khi châm cứu hoặc xoa bóp, bấm huyệt, làm ấm huyệt này sẽ có tác dụng điều lý nguyên khí, hòa ba tạng thận, tỳ, can từ đó góp phần nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Huyệt này có tác dụng hữu ích giúp cải thiện chức năng sinh lý. Ngoài ra, khi tác động vào huyệt Quan Nguyên còn giúp trị đau bụng, các bệnh tiết niệu như tiểu bí, tiểu rắt.
  • Huyệt Thiên Xu: là huyệt thứ 25 của Kinh Vị, là huyệt Mộ của Đại Tràng. Còn được biết đến với tên gọi khác là Trường Khê, Cốc Môn, Phát Nguyên, Thiên Khu, nằm cách Rốn 2 thốn sang phía hông, có tác dụng điều Đại Trường, hóa thấp, lý khí, tiêu trệ. Huyệt này chủ trị viêm Vị (tụy) cấp và mãn tính, cơ bụng liệt, ký sinh trùng đường ruột, ruột thừa viêm, ruột tắc, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón.
các huyệt ở lưng; ảnh internet

Vùng thắt lưng

Bao gồm một số các huyệt quan trọng như

  • Huyệt Thận du thuộc kinh Bàng Quang, nằm ngang thắt lưng, ngay bên dưới đốt sống L4 của lưng. Huyệt này có tác dụng bổ thận, khu thủy thấp, làm mạnh lưng xương, sáng mắt, thính tai. Giúp điều tiết dòng chảy âm dương nên khi tác động vào khu vực này có thể giúp trị đau lưng, kinh nguyệt không đều, di mộng tinh, , đái dầm, đái máu, đái đục;
  • Huyệt Đại trường du/Tiểu trường du có tác dụng điều tiết hệ bài tiết gồm đại tràng, bàng quang giúp trung hòa khai thông khí, giải tỏa trì trệ trong hệ bài tiết, tăng sức khỏe khu vực thắt lưng đầu gối. Tại chỗ có thể điều trị đau tại chỗ, táo bón, trĩ đau trướng bụng, tiêu chảy, liệt chi dưới, tiểu ra máu v.v…
  • Huyệt Mệnh môn: nằm ở vị trí tương đương với rốn ở phia trước và giữa hai huyệt Thận du. Huyệt này có tác dụng bồi thêm nguyên khí, bổ Thận, cố tinh, đình chỉ ứ trệ, thư cân, điều hòa huyết, sơ kinh, điều khí, thông lợi vùng lưng và cột sống, vì vậy có thể trị các bệnh vùng thắt lưng đau, yếu, cứng; trị đau đầu, đau lưng nói chung; bệnh lạnh chân, di mộng tinh, liệt dương, đái hạ, sốt không ra mồ hôi, đái đục, trẻ nhỏ lên cơn co giật, phong đòn gánh.

Ngoài các khu vực trên, còn có thể chườm bàn chân, bàn tay, vai gáy, đầu gối hoặc những chỗ đau nhức cục bộ.

bình cao su các cỡ; ảnh internet

Cách chườm

  • Dùng bình cao su: chuẩn bị bình nước nóng cao su độ lớn khoảng 1 lít. Đổ ¾ bình bằng nước nóng già (max 85-90 độ). Dùng khăn vải mềm cuốn quanh bình nước sao cho nhiệt độ ở mức nóng nhưng không gây rát, rồi áp vào khu vực cần chườm. Tháo dần các lớp khăn hoặc đổ bớt nước nguội rồi châm thêm nước nóng. Chườm ấm liên tục trong khoảng 45 phút đến 60 phút. Thực hiện mỗi ngày hoặc hai ba ngày một lần.
  • Muối hạt rang: rang nóng 300g đến 500g (nửa cân) muối hạt tự nhiên, cho vào túi vải dày hai ba lớp rồi chườm. Khu vực thắt lưng có thể trải ra giường/đệm cứng rồi nằm lên. Tháo dần các lớp vải khi muối bắt đầu nguội. Muối có thể dùng lại vài lần.
    • có thể rang muối cùng ngải cứu khô đã cắt nhỏ và 5% gừng để chườm lưng.
    • có thể dùng thêm ngải cứu không sao muối bằng cách: rải lớp ngải cứu khô bên trong sau đó áp bình nước nóng hoặc muối rang bên ngoài, để nhờ sức nóng kích thích giải phóng các tinh chất quí giá từ ngải cứu vào huyệt đạo và các cơ xung quanh. Dùng cách này có thể sử dụng muối và ngải cứu 2-3 lần.

Lưu ý

  • sau một vài lần thực hành sẽ nắm bắt cụ thể số lượng, thời lượng làm nóng phù hợp;
  • không dùng nước sôi đổ thẳng vào bình cao su, do sẽ làm giảm tuổi thọ của bình và có thể gây nứt bình, làm bỏng;
  • hết sức cẩn thận khi áp dụng cho trẻ em và người lớn tuổi vì có thể gây bỏng, đặc biệt ở người lớn tuổi khi không còn nhạy cảm với nhiệt độ;
  • phụ nữ có thai không nên chườm nóng;
  • những người bị bệnh huyết áp cao, tim mạch nghiêm trọng nên hết sức cẩn trọng do nước nóng có thể gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim v.v…
  • Các trường hợp sau không được chườm nóng: Các ổ viêm cấp tính hoặc đã lên mủ, giãn tĩnh mạch, chấn thương mới (đang sung huyết hoặc đe dọa chảy máu), các khối u ác tính, bệnh lao.

Tóm lại, các dòng năng lượng từ nhiệt khi chườm nóng làm giảm nhu cầu năng lượng chuyển hóa, điều hòa chức năng thần kinh, điều hòa thần kinh thực vật và làm thư giãn các cơ co thắt. Thao tác đơn giản và rẻ tiền này có giá trị phòng bệnh vô giá nếu nó được áp dụng một cách hệ thống và kiên trì. Nó còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh (như thần kinh tọa, đau thắt lưng, đau cơ, đau bụng v.v…). Sau 2-4 tuần chườm nóng cơ thể bắt đầu thoát khỏi trì trệ, chuyển động của cơ hoành mạnh mẽ hơn nhờ đó cải thiện quá trình thở, lưu thông máu, cải thiện dinh dưỡng tổng thể của toàn bộ cơ thể./.

guest
0 BÌNH LUẬN
Inline Feedbacks
View all comments